15:04:28 | 15/4/2024
Tỉnh Lạng Sơn là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch: Nhiều danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa độc đáo. Gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, Lạng Sơn đã hình thành hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú (hơn 335 di tích lịch sử, di tích cách mạng). Bên cạnh đó, tỉnh còn có hệ thống giao thông thuận lợi. Đây là những lợi thế lớn để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu cho du lịch tỉnh.
1. Ải Chi Lăng
Ải Chi Lăng có chiều dài 20km, nối liền Chi Lăng và Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn. Ải Chi Lăng là chứng tích lịch sử của nhiều cuộc chiến vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Phía Tây được bao bọc bởi núi Kai Kinh, hai đầu ải là những núi đá cao chót vót, tạo thành thế hiểm trở, góp phần làm nên chiến thắng chống quân Minh và đánh tan quân xâm lược nhà Thanh.
2. Núi Tô Thị
Núi Tô Thị hay còn gọi là núi Vọng Phu nằm ở thành phố Lạng Sơn gắn liền với truyền thuyết người vợ chung thủy ôm con chờ chồng đi lính nhiều năm không về mà hóa đá. Trên núi có khối đá tự nhiên hình người phụ nữ ôm con đang nhìn về nơi xa. Qua năm tháng, năm 1991 tượng Tô Thị ở Tam Thanh bị phá hoại do tác động của tự nhiên. Tỉnh Lạng Sơn đã cho phục dựng lại bức tượng như nguyên bản. Hàng năm, nơi đây thu hút rất nhiều du khách tới tham quan không chỉ bởi câu chuyện cảm động mà còn bởi cảnh sắc tuyệt đẹp. Đứng trên núi, phóng tầm mắt ra bốn bề chính là cánh đồng lúa, vào mỗi thời điểm cảnh quan nơi đây khoác trên mình một màu áo khác nhau: Khi là một màu xanh mướt dịp lúa đương thì con gái, khi óng ánh một màu vàng rực rỡ mỗi độ lúa chín. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm này qua năm khác, tượng Tô Thị vẫn sừng sững trong không gian, tồn tại qua thời gian.
3. Cột cờ Phai Vệ
Cột cờ Phai Vệ tọa lạc ngay trung tâm TP.Lạng Sơn và có thiết kế độc đáo với bậc thang uốn lượn kết hợp cùng các cây cảnh tạo nên không gian xanh mướt. Đây là địa điểm du lịch được nhiều bạn trẻ ưa thích check-in. Nơi này thu hút du khách không chỉ bởi vẻ đẹp hấp dẫn mà còn là địa điểm ngắm cảnh cực kỳ lý tưởng. Đứng trên đỉnh của cột cờ, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố. Đặc biệt khi thành phố lên đèn, khung cảnh nơi đây càng trở nên lãng mạn.
4. Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị nằm trên tuyến quốc lộ 1A, cách TP.Lạng Sơn 17km về phía Bắc, cách Hà Nội 171km về phía Đông Bắc. Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thời phong kiến từng được gọi bằng các tên Lăng Quan, Đại Nam Quan, Giới Thủ Quan, Nam Quan. Năm 1953, cửa khẩu được đổi tên thành Mục Nam Quan; đến năm 1965 đổi thành Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị như ngày nay. Cửa khẩu này có vị trí đặc biệt, ghi dấu truyền thống lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam với nhiều tấm gương tiêu biểu như đồng chí Hoàng Văn Thụ, người con của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng Tổ quốc.
5. Đền Mẫu Đồng Đăng
Đền Mẫu Đồng Đăng là nơi thờ Phật và Mẫu Thượng Ngàn và cũng là một trong những nơi nổi tiếng với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Đền Mẫu Đồng Đăng có khuôn viên rộng lớn với khung cảnh rất đẹp và bề thế.
6. Chùa Tam Thanh
Chùa Tam Thanh còn có tên gọi khác là chùa Thánh Thiện, có vị trí độc đáo nằm trong một hang đá của Động Tam Thanh. Chùa có từ thời Lê. Nơi đây thu hút nhiều du khách bởi sở hữu vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc. Phía bên trong chùa nổi bật với 3 hang động lớn là Nhất Thanh, Nhị Thanh và Tam Thanh. Du khách đến đây còn ấn tượng với hồ Âm Ti nơi có làn nước trong xanh, những nhũ đá tự nhiên nhiều hình thù được tạo nên qua hàng nghìn năm.
7. Núi Mẫu Sơn
Đỉnh Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.190m so với mặt nước biển, thuộc địa phận thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn. Đền được xây dựng để thờ vị thần trấn núi Mẫu Sơn có tên gọi là “Đức Tôn Thần Công Tịnh Quang Mậu, Hùng Trấn Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần”. Lưng đền tựa vào núi Mẫu Sơn, mặt hướng ra vũng bồn địa Na Dương - Lộc Bình đồng ruộng bao la, bên phải là núi Cha sừng sững quanh năm mây phủ, bên trái có cánh rừng nguyên sinh tươi tốt. Khu đền cổ và mộ đá trên khu linh địa cổ ẩn chứa đầy đủ ý nghĩa của di tích tín ngưỡng, tôn giáo, vừa là nơi thờ tự thần núi Mẫu Sơn vừa là nơi có di tích mộ đá lớn. Đây không chỉ là nơi thờ tự, hành lễ mà còn là biểu tượng của sức mạnh văn hóa thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người Tày cổ ở khu vực này.
8. Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
Là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ được tổ chức từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng (Âm lịch) hằng năm để tri ân công đức của Quan lớn Tuần Tranh và Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài là những người có công dẹp giặc, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân, mở mang phố chợ Kỳ Lừa, từ đó đã góp phần quan trọng trong việc giao lưu buôn bán và nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI