12:40:08 | 21/4/2024
Mặc dù là tỉnh có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao làm thu hẹp đáng kể diện tích đất nông nghiệp, song nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với nhu cầu thị trường, ngành Nông nghiệp Bắc Giang đã ngày càng phát triển theo hướng chuyên sâu, bền vững.
Vùng lúa được tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Khẳng định vị thế trụ đỡ của nền kinh tế
Là tỉnh trung du thuộc vùng Đông Bắc bộ, Bắc Giang được thiên nhiên ưu đãi và có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp. Tỉnh có vùng trồng cây ăn quả tập trung gần 52 nghìn ha. Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở Bắc Giang phát triển toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Cơ cấu các loại cây trồng được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, tăng diện tích cây ăn quả, giảm diện tích cây lương thực.
Năm 2023, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,6%, là năm thứ 4 ngành Nông nghiệp có tăng trưởng dương. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,4%; lâm nghiệp tăng 3,3%, thủy sản tăng 5,3%. Giá trị sản xuất (giá hiện hành) đạt 40.516 tỷ đồng, vượt 6,6% kế hoạch. Các loại cây trồng chủ lực tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao (CNC)... được quan tâm và nhân rộng. Giá trị sản xuất/1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 138 triệu đồng, vượt 2,2 % kế hoạch.
Đặc biệt, năm 2023 là năm kỷ lục về sản phẩm OCOP, với 132 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Sản lượng thịt tăng tới 8%; sản lượng xuất khẩu vải thiều đạt trên 50% là các kết quả cao nhất tính đến thời điểm đó.
Không chỉ vậy, phát triển nông nghiệp đã tạo động lực thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Toàn tỉnh có 154/182 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 84,6%; 59 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 359 thôn NTM kiểu mẫu, có 7/10 đơn vị cấp huyện đạt huyện NTM; số tiêu chí bình quân đạt 17,8 tiêu chí/xã.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Nông nghiệp đã khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực tại chỗ, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Hạ tầng thiết chế về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục,… đều được cải thiện, hộ nghèo giảm, đời sống người dân nâng lên, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.
Hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, bền vững
Thời gian qua, mặc dù diện tích một số cây trồng giảm, nhưng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác mới vào sản xuất nên năng suất, sản lượng các sản phẩm nông sản Bắc Giang vẫn tăng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 1.000 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích ứng dụng CNC bình quân đạt từ 220 - 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với sản xuất thông thường. Đối với mô hình sản xuất rau, hoa, nấm trong nhà lưới, nhà màng, nhà lạnh doanh thu đạt từ 700 triệu -1 tỷ đồng/ha/năm, tăng từ 7 - 10 lần so với sản xuất thông thường. Điển hình có những mô hình sản xuất hoa cao cấp, cây cảnh và dưa lưới doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/ha/năm.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tập trung quy mô lớn như: Vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại các huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam với quy mô trên 16.600 ha; vùng sản xuất lúa chất lượng với quy mô 45.500 ha tập trung tại các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên, Tân Yên;...
Ông Thành cho biết thêm: Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Mục tiêu Bắc Giang sẽ trở thành tỉnh trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngành sẽ tiếp tục định hướng phát triển nền nông nghiệp đa dạng trên cơ sở khai thác triệt để các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, hướng tới xuất khẩu. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng trên địa bàn tỉnh để thu hút doanh nghiệp vào liên kết sản xuất.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Mở rộng thị trường tiêu thụ, chú trọng thị trường xuất khẩu truyền thống Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu mới như: Mỹ, EU, Nhật Bản,...
Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp lớn có tiềm lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp CNC. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, thiết kế mới, nâng cấp mẫu mã, bao bì, nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn, tạo điều kiện để các hợp tác xã tham gia chương trình OCOP.
Nguồn: Vietnam Business Forum