10:04:14 | 23/4/2024
Hiện tượng thiếu điện là yếu tố gây trở ngại lớn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, cho dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhưng đây vẫn là vấn đề khó có thể giải quyết được trong thời gian ngắn.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), trong thời gian từ tháng 6-7/2023, nhiều khu vực ở miền Bắc Việt Nam (Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc...) xảy ra tình trạng bị cắt điện do thiếu điện và ở một số khu công nghiệp cũng đã tiến hành cắt điện có báo trước với tần suất khoảng 1-2 lần/tuần.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn, cho rằng hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Lập trường của các doanh nghiệp toàn cầu khác trong lĩnh vực công nghiệp cao mà Chính phủ Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư cũng tương tự như vậy. Các công ty Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường như điện mặt trời áp mái, tuy nhiên họ đang ngần ngại tiến hành đầu tư do việc cung cấp điện không ổn định và các quy định pháp luật liên quan chưa rõ ràng.
Trước thực tế trên, Korcham đã đề nghị Chính phủ có phương án cung cấp điện thông suốt trong các khu công nghiệp để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc có thể duy trì hoạt động sản xuất ổn định.
Theo Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), một trong các nhu cầu chính của tất cả các doanh nghiệp và bất kỳ nhà đầu tư trong tương lai là sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo. Duy trì các hệ thống năng lượng hoạt động hiệu quả là mục tiêu thiết yếu của quản trị năng lượng tốt và việc cung cấp năng lượng tái tạo giúp cho VN có lợi thế cạnh tranh hơn. Để phát triển nguồn điện bền vững với giá cả phải chăng, Amcham cho rằng, Việt Nam cần tăng cường hợp tác giữa khu vực công và tư nhân, điều này có thể giúp VN thu hút nguồn tài chính toàn cầu nhờ hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả.
Amcham đề nghị Việt Nam tiếp tục các cuộc đối thoại giữa Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bên liên quan trong khu vực tư nhân để có thể đưa ra các giải pháp khả thi trong ngắn hạn và dài hạn, để Việt Nam đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng, bao gồm thúc đẩy phê duyệt các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) quy mô lớn. Cơ sở hạ tầng năng lượng không thể được thiết lập trong một sớm một chiều và việc lập kế hoạch cho sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam cần phải được thực hiện ngay từ bây giờ. Bên cạnh đó, cần loại bỏ những quy định “bất ổn” và tập trung vào việc phê duyệt các dự án trong ngắn hạn có tính thực tế và khả thi về mặt tài chính, để đảm bảo nguồn cung cấp điện đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở Việt Nam.
Ngoài ra, Amcham cũng đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh các thỏa thuận mua bán điện (PPA) theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho các tổ chức đa phương và tổ chức tài chính phát triển cho vay các dự án lớn về chuyển đổi năng lượng và lĩnh vực năng lượng tái tạo.
“Các nhà đầu tư cần các quy định hợp lý hơn để có thể cung cấp năng lượng tái tạo, trong đó cần chú trọng đến việc triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, xây dựng Nghị định về phát triển điện mặt trời trên mái nhà, tiếp cận năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp và hướng dẫn cơ chế Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA)…”, Amcham cho biết.
Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam - JCCI thì cho rằng, để nâng cao hơn nữa mục tiêu đạt được nền kinh tế bền vững, VN Việt Nam cần sớm xây dựng khung pháp lý và các hướng dẫn thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển điện lực, bao gồm quy định liên quan đến việc sử dụng vùng biển cho các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi quy mô lớn, nới lỏng điều kiện cho hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) trong các dự án năng lượng tái tạo và xem xét cơ chế định giá hiện tại đối với sản xuất điện sinh khối/điện rác. Ngoài ra, cần đảm bảo tiến độ triển khai PDP8.
“ Trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, sẽ rất hiệu quả nếu Việt Nam cải thiện hệ thống pháp lý liên quan đến việc sử dụng khu vực biển và xây dựng lộ trình phát triển, bao gồm các phương pháp lựa chọn đơn vị khai thác kinh doanh. Nhờ đó, có thể thu hút sự tham gia của các công ty, tổ chức tài chính nước ngoài có chuyên môn vào các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn để có thể sớm triển khai các dự án này”, JCCI phân tích.
Theo JCCI, Việt Nam cần đảm bảo các nguồn phụ tải nền để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Hiện nay, nhiệt điện khí/LNG là nguồn năng lượng chuyển tiếp để Việt Nam từng bước mở rộng công suất phát điện, giảm phát thải các-bon, đồng thời đóng vai trò thiết yếu trong việc mở rộng hơn nữa công suất năng lượng tái tạo cũng như giảm phát thải các bon. Bên cạnh đó, nguồn điện này cũng có thể đóng một vai trò thiết yếu trong việc ổn định hoạt động của lưới điện nhằm mở rộng hơn nữa công suất năng lượng tái tạo.
Tuy vậy, nhiệt điện khí/LNG lại nằm ngoài phạm vi của JETP, theo định nghĩa của AZEC, vốn hướng tới mục tiêu đảm bảo hợp tác phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Do đó, Nhật Bản mong muốn góp phần hiện thực hóa nhiệt điện khí và LNG theo chủ trương của Chính phủ Việt Nam trong PDP8.
Anh Mai (Vietnam Business Forum)