Xuất khẩu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

11:27:25 | 16/5/2024

Thị trường xuất khẩu đang phục hồi, giá xuất khẩu một số nhóm hàng nông sản tăng mạnh, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.

Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu

4 tháng đầu năm 2024, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ghi nhận tín hiệu tích cực với kim ngạch đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 15%, đạt 123,64 tỷ USD; nhập khẩu tăng 15,4%, đạt 115,24 tỷ USD.

Cán cân thương mại thặng dư, xuất siêu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,24 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 16,64 tỷ USD. Trong đó, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 29,6 tỷ USD tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 11,4 tỷ USD, tăng 16,7%.

Trong bốn tháng đầu năm 2024 có 20 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 78,9% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 39,4%).

Nông sản là mặt hàng chủ lực, điểm sáng của xuất khẩu với tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 11,98 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,69% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: cà phê tăng 57,9%; gạo tăng 36,5%; chè các loại tăng 25,5…

Đơn hàng của các doanh nghiệp ngành gỗ và ngành dệt may đang dần có sự cải thiện. Nhiều doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến hết quý 2, thậm chí một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý 3/2024... Da giày tiếp tục nằm trong nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn với 1,956 tỷ USD.

Việc Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường là tin tốt đối với xuất khẩu Việt Nam, nếu có kết quả tích cực sẽ giúp cho rào cản thương mại được tháo gỡ, giải tỏa gánh nặng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Một số thách thức

Thị trường xuất khẩu tuy phục hồi nhưng chưa vững chắc. Trên thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung vẫn chưa thể yên tâm khi đơn giá chưa phục hồi nhiều, thế giới đang có nhiều biến động, người tiêu dùng tại các thị trường lớn vẫn còn thắt chặt chi tiêu… Một số doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới do nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ, EU, Nhật Bản… xuống thấp, nên phải sản xuất cầm chừng, tìm cách giữ chân người lao động, chờ khi thị trường ấm lên.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU liên tục giảm trong 4 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này tính đến giữa tháng 4 đạt 47 triệu đô la, giảm 13% so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), để tăng giá trị xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp cần có kế hoạch để tập trung vào các tiêu chuẩn xanh nhằm thâm nhập thị trường sâu hơn.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đối diện với hàng loạt khó khăn từ việc áp dụng các rào cản thương mại như: cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) với ngành gỗ; các quy định về sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon tại thị trường EU với ngành da giày…

Ngành tôm Việt Nam đang trong giai đoạn “thấp thỏm” trước những thông tin liên quan đến thuế chống trợ cấp tại thị trường Mỹ. Giá trung bình xuất khẩu tôm sang các thị trường vẫn ở mức thấp so với hai năm trước đó.

 Sự biến động tỷ giá USD/VND thời gian qua mang lại cả lợi ích và thách thức cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có doanh thu quy đổi ra tiền VNĐ tăng lên, giúp tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu có thể phải chịu chi phí đầu vào cao hơn khi tỷ giá tăng. Tỷ giá cao hơn có thể khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn, tạo áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Chính phủ và các Bộ, ngành cần tiếp tục triển khai biện pháp khai thông thị trường, phát triển nguồn hàng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội từ các FTA, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chuyển đổi số để thúc đẩy xuất khẩu.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)