16:06:26 | 6/6/2024
Năm 2024 là năm bứt phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) của nhiệm kỳ, ngành Tài chính Sơn La tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh, trong đó thực hiện nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sơn La.
Sơn La từng bước chuyển mình, ngày càng văn minh, hiện đại
Để thực hiện nhiệm vụ quản lý điều hành NSNN trên địa bàn, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính cũng như tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Sở Tài chính tập trung thực hiện những giải pháp nào trong năm 2024?
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024, cần quán triệt sâu sắc các định hướng, chủ trương lớn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, kế hoạch phát triển KT - XH 05 năm 2021 - 2025 và tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh. Trong đó, tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực KT - XH.
Hai là, tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách, pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất để đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển KT - XH.
Ba là, tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.
Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.
Năm là, thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp (DN), cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số.
Sáu là, tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản công theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Bảy là, thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành giá trên cơ sở phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản điều hành giá phù hợp với từng giai đoạn, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá trên thị trường.
Tám là, đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện; tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng tính công khai, minh bạch
Thời gian qua, Sở đã tham mưu, thực hiện các giải pháp, hoạt động nào nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo thuận lợi cho nhà đầu tư?
Để cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI, Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
Phối hợp, chỉ đạo cơ quan thuế quản lý hướng dẫn DN thành lập mới về thủ tục phát hành hóa đơn và tiếp cận các kênh thông tin từ cơ quan thuế. Kịp thời hỗ trợ DN đăng ký các dịch vụ cần thiết để thực hiện các thủ tục về thuế, hóa đơn như: Cài đặt ứng dụng dịch vụ thuế điện tử, sử dụng phần mềm kế toán,…
Chuẩn hóa TTHC, niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; niêm yết công khai đầy đủ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trên trang thông tin điện tử Sở Tài chính, trang web cải cách TTHC. Đẩy mạnh đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC. Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa TTHC bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, trong đó tập trung vào những TTHC liên quan đến trách nhiệm của ngành.
Thiết lập đường dây nóng của cơ quan để có những phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN. Tăng cường công tác thanh tra công vụ, xử lý cán bộ công chức vi phạm; nếu chậm trễ trong giải quyết thủ tục cho DN và người dân, phải trả lời bằng văn bản trong đó giải thích rõ nguyên nhân. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng; xây dựng các giải pháp nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).
Tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng khung giá đất sát với giá thực tế trên thị trường; rút ngắn thời gian xác định giá đất cụ thể.
Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về trình độ, nhận thức, kỹ năng để đáp ứng nhu cầu hướng dẫn và xử lý nhu cầu của người dân; có cơ chế kiểm tra, giám sát các bộ phận liên quan đến việc giải quyết các thủ tục cho người dân và DN.
Trân trọng cảm ơn ông!
Duy Bình (Vietnam Business Forum)