Thu hút đầu tư theo ba trụ cột kinh tế

09:14:13 | 18/6/2024

Liên tiếp 3 năm gần đây (2021 - 2023), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hải Phòng vượt con số 2,5 tỷ USD. Sự bứt phá trong cải thiện môi trường đầu tư, áp dụng hiệu quả các cơ chế hành chính đặc thù,… đã tạo lợi thế lớn cho thành phố trong cuộc đua thu hút FDI. Giai đoạn hiện nay và những năm tới, Hải Phòng xác định tiếp tục thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường theo 3 trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại, có vai trò dẫn dắt và là động lực cho tăng trưởng bền vững. Ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hải Phòng đã có những chia sẻ với phóng viên về vấn đề này. 

Quý I/2024, Hải Phòng thu hút 253 triệu USD vốn FDI, ông có thể chia sẻ thêm về kết quả này?

Quý I/2024, Hải Phòng thu hút 253,35 triệu USD vốn FDI, đạt 12,66% kế hoạch cả năm. Trước đó, năm 2023, thu hút FDI của thành phố về đích sớm 4 tháng, tổng thu hút vốn FDI năm 2023 đạt 3,62 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước. Đến nay, số dự án FDI còn hiệu lực là 954 dự án với số vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực là 30,06 tỷ USD. Năm 2024, Hải Phòng đặt mục tiêu thu hút từ 2,0 - 2,5 tỷ USD vốn FDI.

Có được kết quả này, thời gian qua, Hải Phòng đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng công vụ. Thành phố đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NĐT) do Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp là Tổ trưởng. Năm 2023, địa phương đã tổ chức hơn 100 hội nghị đối thoại với các NĐT trong và ngoài nước.

Hệ thống Một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến được triển khai tập trung, thống nhất cho 35/35 sở, ban, ngành, quận, huyện, 217/217 xã, phường, trị trấn; cung cấp 1.703 dịch vụ công trực tuyến. 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Đặc biệt, từ năm 2023, thành phố sử dụng kết quả Chỉ số CCHC và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại công chức. Qua đó tạo động lực cho người đứng đầu các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, kịp thời đáp ứng nhu cầu của DN, NĐT.

Song song với CCHC, thành phố cũng tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển cùng hệ thống nhà xưởng, kho bãi. Đây sẽ là những tiền đề và động lực mạnh mẽ để Hải Phòng tiếp tục trở thành điểm sáng đầu tư trong thời gian tới.

Để hoàn thành mục tiêu thu hút FDI năm 2024 và những năm tiếp theo, Sở tập trung ưu tiên tham mưu cho Thành phố những vấn đề gì?

Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung tham mưu, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai Quy hoạch TP.Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, xung lực mới đưa Hải Phòng phát triển ngang tầm với các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.


Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng trao tặng Bằng khen cho các doanh nghiệp FDI có thành tích xuất sắc trong xuất khẩu

Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do tại huyện Tiên Lãng nằm trong Khu kinh tế (KKT) ven biển phía Nam Hải Phòng. Dự án được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy đủ mạnh giúp đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế khu vực phía Nam, xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, trung tâm kết nối và động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, của Bắc bộ và cả nước.

Sở cũng tham mưu phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Tham mưu UBND thành phố ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư (XTĐT) và thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, tăng cường XTĐT tại chỗ.

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự liên kết cho các DN tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, trong đó thành phố đóng vai trò là “bà đỡ”, “người kết nối tin cậy”.

Theo Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới; trong đó xác định ba trụ cột phát triển: Dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế. Ông có thể cho biết công tác thu hút đầu tư được thành phố xác định như thế nào để đảm bảo mục tiêu trên?

Để đảm bảo các mục tiêu hướng tới phát triển ba trụ cột kinh tế, công tác thu hút đầu tư được xác định tận dụng, phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố, thu hút đầu tư  chọn lọc theo ngành, lĩnh vực và theo thị trường, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả. Cụ thể:

Tiếp tục đầu tư hiệu quả cho cơ sở hạ tầng giao thông đối với 5 loại hình giao thông: Kết nối đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường thủy và đường sắt; kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp.

Thực hiện các giải pháp nhằm CCHC tăng tốc và quyết liệt hơn gắn với chuyển đổi số.

Kiện toàn hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường kết nối giữa các cơ sở đào tạo với DN, NĐT để có nguồn cung lao động kịp thời, đáp ứng yêu cầu của DN một cách chủ động, bền vững.

Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, tạo tiền đề cho việc thu hút công nhân từ các vùng lân cận đến làm việc.

Thành phố chủ động đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả XTĐT bằng nhiều hình thức. Trong đó, ưu tiên thu hút vào các ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao và sạch (công nghiệp sinh học, vật liệu mới, năng lượng tái tạo, kỹ thuật hiện đại,...), thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên,... Tăng cường kết nối, hỗ trợ, tạo mối liên kết hợp tác phát triển bền vững giữa DN trong nước và DN nước ngoài, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Bên cạnh đó, triển khai thành lập KKT mới phía Nam thành phố với định hướng KKT sinh thái. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thời gian tới. Hiện nay, Sở và đơn vị tư vấn đang nghiên cứu Đề án, phấn đấu hoàn thành dự thảo Đề án vào tháng 9/2024, làm cơ sở để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, có ý kiến, phê duyệt.

Đâu là điểm nhấn khác biệt về thu hút đầu tư của Hải Phòng trong những năm tới? Thành phố đã sẵn tâm thế và điều kiện nào nhằm hiện thực hóa mục tiêu vươn tầm tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn từ nay đến năm 2030, thưa ông?

Ngày 08/7/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động số 76-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nêu:   “... Huy động tối đa nguồn lực đầu tư vào thành phố; trong đó, chú trọng các nguồn vốn đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, coi đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo nguồn ngân sách bền vững cho thành phố”.

Hàng năm, UBND TP.Hải Phòng ban hành Chương trình XTĐT trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của Trung ương và thành phố; chủ động thu hút tối đa các nguồn đầu tư trong và ngoài nước một cách có chọn lọc. Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các dự án đã thu hút được triển khai nhanh chóng, thuận lợi. Đảm bảo cung cấp thông tin nhanh, chính xác cho các NĐT đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Đối với định hướng thu hút đầu tư theo ngành, lĩnh vực: Thành phố đã ban hành Danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, đầu tư có điều kiện và không chấp thuận đầu tư trên địa bàn thành phố giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động của UBND thành phố về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 làm cơ sở xúc tiến, thu hút đầu tư.

Đối với định hướng thu hút đầu tư theo thị trường: Tiếp tục tập trung mở rộng thu hút đầu tư từ các thị trường như:

Thị trường trong nước: Ưu tiên kêu gọi các NĐT là tập đoàn lớn có uy tín, có thương hiệu; những NĐT là đối tác có uy tín của các ngân hàng, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước; những NĐT đã sản xuất kinh doanh thành công tại các địa phương khác, có nhu cầu chuyển đến đầu tư kinh doanh tại Hải Phòng; những DN, NĐT đã và đang đầu tư thành công, uy tín tại thành phố.

Thị trường nước ngoài: Tập trung đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc). Đồng thời, đẩy mạnh XTĐT vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và thu hút các DN đến từ các quốc gia quan tâm đến việc Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; tận dụng xu hướng dịch chuyển và tái cấu trúc đầu tư sản xuất trong khu vực và các thị trường lớn.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung mở rộng thu hút đầu tư từ các thị trường chiến lược như khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á; ngoài ra còn có Mỹ và các nước châu Âu để đa dạng hóa nguồn vốn FDI cũng như đẩy mạnh chuyển giao công nghệ liên kết, hợp tác với các DN trong nước.

Trong bối cảnh mức độ cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng cao, bên cạnh việc đổi mới, chủ động trong hoạt động XTĐT, thành phố cũng luôn chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để các DN có thể đầu tư được ngay. Trong đó, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại tại các khu công nghiệp, KKT, kết nối giao thông nội đô cũng như với các địa phương lân cận.

Hải Phòng đang tận dụng mọi lợi thế của một địa phương ven biển. Với hướng đi đúng, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trong tương lai không xa, thành phố sẽ tiếp tục phát triển, vươn tầm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển mang tầm quốc tế ở khu vực Đông Nam Á.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Tùng (Vietnam Business Forum)