08:30:37 | 18/6/2024
Chuyển đổi phương thức, phương tiện hoạt động để đảm bảo phát triển bền vững, tiến tới phát thải ròng carbon bằng 0 (Net Zero Carbon) vào năm 2050, thậm chí là sớm hơn theo yêu cầu của khách hàng là mục tiêu mà Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) đang tích cực triển khai nhiều phương án khác nhau để đạt được, trong đó có phương án “Liên kết phát triển nguồn tín chỉ carbon (Carbon Credit) từ rừng”. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Sao Á D.C về vấn đề này.
Ông đánh giá ra sao về thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam thời gian qua?
Tín chỉ carbon là đơn vị được sử dụng để mua bán, trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính tạo ra từ các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giữa các cá nhân, tổ chức và quốc gia. Một tín chỉ carbon bằng 1 tấn CO2 tương đương. Tấn CO2 tương đương là khối lượng của các khí nhà kính được quy đổi thành tấn CO2 theo hệ số làm nóng lên toàn cầu của các khí nhà kính đó. Hệ số làm nóng lên toàn cầu của các khí nhà kính do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc quy định.
Hơn 200 năm, qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp và đang trong cuộc cách mạng thứ 4, thế giới đã thay đổi nhanh chóng hơn giai đoạn hàng ngàn năm về trước, nhân loại đã đạt được rất nhiều thành tựu đột phá trong kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải trả giá cho sự phát triển này, khi biến đổi khí hậu trở thành một thách thức môi trường toàn cầu, đó là nhiệt độ tăng mạnh, băng tan nhanh tại hai cực dẫn đến nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra thiên tai khắc nghiệt, xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và tương lai của nhân loại. Riêng Việt Nam, lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người đã tăng lên gấp 4 lần trong thế kỷ này và đang duy trì tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới.
Đứng trước nguy cơ đó, Việt Nam đã hưởng ứng mạnh mẽ, thực hiện phát triển bền vững (ESG = Môi trường, Xã hội, Quản trị) thông qua cam kết mạnh mẽ về thực hiện nỗ lực cao nhất để đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 hay “Net Zero Carbon” của Việt Nam vào năm 2050, mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu tại Hội nghị các bên của Công ước khung của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26).
Thực hiện cam kết này thực sự là thách thức đối với tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam do còn nhiều hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ và quản trị. Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, phát thải carbon thấp, nhưng đến nay, kết quả thu được còn khiêm tốn, tiến độ thực hiện chậm so với lộ trình đặt ra.
Việt Nam là nước có độ che phủ rừng tương đối cao, với độ che phủ rừng hiện nay là 42%, tương ứng với khoảng 14,7 triệu ha. Hơn nữa, lĩnh vực lâm nghiệp là lĩnh vực duy nhất đang tạo ra phát thải âm, với ước tính phát thải ròng trung bình năm tính trong giai đoạn 2010 - 2020 là âm 39 triệu tấn CO2 tương đương. Đây là lĩnh vực có tiềm năng để đầu tư trong các hoạt động trồng rừng mới, làm giàu rừng tự nhiên, nâng cao năng suất rừng trồng, quản lý rừng bền vững để tạo ra tín chỉ carbon. Các giải pháp này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là thực hiện các biện pháp giảm nhẹ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 như đã cam kết. Từ nguồn tín chỉ carbon có được, có thể giúp chúng ta tự chủ, cân bằng lượng phát thải carbon tạo ra trong quá trình sản xuất, sinh hoạt. Và thực tế trong những năm gần đây, việc trồng rừng mới, làm giàu rừng; nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng đã tạo ra một số kết quả bước đầu khả quan.
Cụ thể, năm 2020, Việt Nam và Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) đã ký thỏa thuận chi trả 51,5 triệu USD giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ, phạm vi áp dụng trên địa bàn các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, giai đoạn 2018 - 2024. Nếu nói tới các khu vực khác tại phía Bắc, Tây Nguyên và Nam bộ cũng có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP để triển khai thỏa thuận này, đồng thời ban hành kế hoạch chia sẻ lợi ích cho các đối tượng hưởng lợi. Chính phủ cũng đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung pháp lý để thúc đẩy việc hình thành thị trường carbon tại Việt Nam, nhất là thị trường carbon tự nguyện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới lĩnh vực thương mại tín chỉ carbon rừng.
Về phía nhu cầu, Việt Nam đã, đang và tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn, hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp trên toàn thế giới. Với tốc độ thu hút đầu tư FDI tăng nhanh thời gian gần đây, dự kiến số lượng doanh nghiệp, sản lượng hàng hóa tiếp tục tăng mạnh, trong đó có sản lượng lớn hàng hóa xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản,… hiện đã yêu cầu khắt khe về kiểm soát, giảm dần lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất, lưu thông. Đây là một khu vực tiêu thụ lớn nguồn tín chỉ carbon tạo ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình làm việc với HPLA để bàn về vấn đề tạo nguồn tín chỉ carbon từ rừng, ngày 29/3/2024
Ngành logistics nói chung và HPLA nói riêng đang tiếp cận vấn đề này như thế nào?
Một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là xây dựng chuỗi cung ứng xanh. Xanh hóa ngành logistics và ứng dụng logistics xanh vào kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững.
Trong bối cảnh các khu vực phát triển trên thế giới như EU, Mỹ hay tới đây là Nhật Bản áp dụng hàng rào thuế carbon cho hàng hóa xuất nhập khẩu, Việt Nam cần chủ động hơn trong quá trình xây dựng, phát triển thị trường carbon. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển mình, nghiên cứu, áp dụng các giải pháp xanh, giảm phát thải, thực hiện biện pháp để tạo ra và tích lũy tín chỉ carbon.
Logistics với cốt lõi là các loại hình vận tải, hầu hết đều sử dụng nguyên liệu hóa thạch (xăng, dầu, khí đốt,…) với lượng phát thải lớn. Trong khi đó, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực hạn chế, chưa thể tự chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu xanh, thân thiện với môi trường. Việc chủ động chuẩn bị tạo nguồn tín chỉ carbon đã và đang được HPLA quan tâm và xúc tiến với nhiều giải pháp; trong đó phối hợp với các địa phương tạo nguồn tín chỉ từ rừng, bao gồm trồng mới rừng, làm giàu rừng, nâng cao năng suất rừng trồng. Và lượng tín chỉ carbon được tạo ra này sẽ giúp doanh nghiệp hội viên HPLA tự cân bằng với lượng khí thải từ phương tiện, cảng và kho bãi, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh của các hội viên.
Sau khi thí điểm ở phạm vi một hoặc hai tỉnh để đảm bảo đủ lượng tín chỉ carbon cho các doanh nghiệp hội viên, HPLA sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi với mục tiêu: Tạo nguồn tín chỉ carbon cho cộng đồng doanh nghiệp tại Hải Phòng và khu vực, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, cụ thể hóa mục tiêu “Tăng trưởng xanh” của TP.Hải Phòng cũng như khu vực.
Cụ thể cách làm của HPLA nhằm hướng đến nguồn tín chỉ bền vững từ rừng là gì, thưa ông?
Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, ngành Lâm nghiệp đã triển khai một số dự án trao đổi tín chỉ carbon rừng nhằm huy động nguồn tài chính bổ sung để đầu tư trực tiếp cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trên cơ sở đó, chủ rừng được chi trả cho các nỗ lực thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, tăng hấp thụ carbon và chi trả này dựa trên kết quả thực hiện.
Ngày 29/3/2024, HPLA đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Kạn về vấn đề tạo nguồn tín chỉ carbon bền vững từ trồng rừng mới và làm giàu rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình cho biết, tổng diện tích đất có rừng của Bắc Kạn hiện trên có 374.000ha, trong đó 271.804,94ha rừng tự nhiên và 102.222,18ha rừng trồng; độ che phủ rừng của tỉnh năm 2023 đạt hơn 73% với hệ thống thảm thực vật dày, phân tầng, có thể hấp thụ lớn lượng khí CO2 . Đây là lợi thế để phát triển và kinh doanh carbon rừng, mặt hàng đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh trong tương lai.
Ngày 10/5/2024, HPLA tiếp tục có buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Kạn để báo cáo về phối hợp thực hiện việc đánh giá tiềm năng về tín chỉ carbon rừng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh hiện có 102.226,68ha rừng trồng phù hợp thực hiện chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, kéo dài chu kỳ khai thác để tăng lượng tích lũy carbon. Qua đánh giá, trao đổi, hai bên đã thống nhất quan điểm triển khai là phối hợp với người dân trong trồng mới và bảo vệ rừng, qua đó hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các đối tác tham gia. |
Tỉnh Bắc Kạn cũng đang nghiên cứu xây dựng Đề án kinh doanh tín chỉ carbon, qua đó thu hút các nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân sống phụ thuộc vào rừng và giữ rừng. Địa phương rất ủng hộ HPLA thực hiện các bước khảo sát, thống kê, đánh giá tiềm năng tín chỉ carbon rừng cũng như triển khai hoạt động trồng mới, làm giàu rừng hiện có với các chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
HPLA đã nêu rõ mục đích, nguồn tài chính đầu tư để thực hiện và thời gian triển khai liên quan đến việc khảo sát, lập báo cáo đánh giá tiềm năng tín chỉ carbon tại Bắc Kạn; ý nghĩa phát triển rừng bền vững, lợi ích mang lại từ việc bán tín chỉ carbon,…
Để đi đến ký kết hợp tác tạo nguồn tín chỉ carbon rừng với tỉnh Bắc Kạn, HPLA đã phối hợp với Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, cử chuyên gia khảo sát tại một số địa phương và chủ rừng tại tỉnh Bắc Kạn. Thông qua hoạt động này, các chuyên gia cũng đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc phát triển tín chỉ carbon từ rừng, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo khảo sát, hiện nay, ngoài diện tích rừng nguyên sinh thì đa số rừng của tỉnh Bắc Kạn có trữ lượng carbon thấp, nhất là rừng sản xuất với các loại cây như: Keo, bạch đàn, mỡ,… Do vậy, cần làm giàu các diện tích rừng này, sẽ thông qua việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chọn loài cây và luân kỳ kinh doanh phù hợp để tạo tín chỉ carbon. Ngoài ra, cần lưu ý đến phát triển lâm sản ngoài gỗ và phát triển sinh kế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng dân cư địa phương.
Chúng tôi mong muốn thông qua hoạt động tuyên truyền, tư vấn triển khai thực hiện các giải pháp làm giàu rừng, phát triển rừng bền vững, người dân sẽ thấy được những giá trị, lợi ích hơn hẳn cách họ đang làm; để từ đó thay đổi tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm. Đồng thời, gây dựng và tạo lan tỏa tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề phát triển nguồn tín chỉ carbon trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Mục tiêu xa hơn, HPLA muốn tham gia và lan tỏa mạnh mẽ hoạt động này đến các địa phương có tiềm năng cao về rừng và lâm nghiệp như: Cao Bằng, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ,… để cùng phát triển bền vững. Muốn làm được điều này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Hơn nữa, tại các tỉnh, thành phố phát triển công nghiệp, các doanh nghiệp cần nhận thức được vấn đề tạo nguồn tín chỉ carbon và phải bắt tay ngay vào triển khai, góp phần thực hiện thành công cam kết “Net Zero” của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thành - Ngọc Tùng (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI