Ngành Hải quan: Nâng cao năng lực để quản lý, phục vụ tốt hơn

09:26:42 | 2/7/2024

Những năm gần đây, Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), hiện đại hóa và nỗ lực phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp (DN). Qua đó, không chỉ nâng cao năng lực quản lý mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Ông Trần Ngọc Đức - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam đã có trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

Năm 2024, lực lượng Hải quan đang nỗ lực triển khai 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành và các yêu cầu theo Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 4/01/2024 của tỉnh Quảng Nam ra sao, thưa ông?

Năm 2024, ngành Hải quan Quảng Nam được Bộ Tài chính và UBND tỉnh giao thu ngân sách nhà nước 3.500 tỷ đồng. Đến tháng 4/2024, số thu đạt 2.098 tỷ đồng, tăng 16,16% so với cùng kỳ năm 2023. Nhưng do thực hiện hoàn thuế theo Chương trình ưu đãi về thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô và hoàn khác với số thuế 1.154 tỷ đồng nên thực thu 944 tỷ đồng, giảm 46,39%, đạt 26,97% chỉ tiêu được giao.


Công chức Hải quan Quảng Nam giám sát hàng hoá xuất, nhập khẩu 

Xác định rõ nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024 tiếp tục gặp nhiều khó khăn nên ngay từ đầu năm, Cục đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể như: Đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, người lao động có phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực gắn với duy trì kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ; tập trung đẩy mạnh CCHC, hiện đại hóa hải quan; tăng cường chống thất thu; rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 01/01/2024 (theo 04 nhóm nợ: Khó thu - chờ xử lý - được khoanh - có khả năng thu) và không để phát sinh nợ mới. Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về chính sách tài khóa và các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm toán; tăng cường kiểm tra nội bộ và tự kiểm tra nội bộ.

4 tháng đầu năm 2024, ngành đã giải quyết thủ tục hải quan cho 450 DN, thực hiện thông quan hàng hóa cho 45.727 tờ khai, tăng 12,58%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 1,33 tỷ USD, tăng hơn 10,92% so với cùng kỳ năm 2023 và 20.173 lượt phương tiện xuất nhập cảnh.

Hoạt động trên địa bàn có khối lượng công việc xuất nhập cảnh - xuất nhập khẩu hàng hoá lớn, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành đã nỗ lực ra sao?

Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam có 07 đơn vị thuộc và trực thuộc. Với địa bàn quản lý trải dài hơn 200km từ cửa khẩu Nam Giang, Tây Giang, cảng Kỳ Hà, cảng Chu Lai, khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và các khu - cụm công nghiệp cùng số DN tăng mạnh trong khi số biên chế còn ít, Cục đã không ngừng nỗ lực đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, Cục đã đẩy mạnh đơn giản thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa hải quan và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ; xây dựng và tổ chức bộ máy tinh gọn, đáp ứng hải quan số, hướng tới hải quan thông minh và chuyển đổi số toàn diện. Bên cạnh đó là việc hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu quản lý theo hướng hiện đại.

Ngoài ra, Cục còn xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn; gắn đào tạo, đánh giá năng lực với việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức. Xây dựng, phát triển đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp.

Trước khó khăn của DN, ngành đã có sự chia sẻ, đồng hành thế nào, thưa ông?

Với phương châm "Hải quan đồng hành cùng DN", Cục đã, đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Cụ thể, ngành luôn đi đầu trong công tác khai báo hải quan qua mạng; đẩy mạnh việc thực hiện khai báo thủ tục qua Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, các TTHC qua Dịch vụ công trực tuyến, Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN nhằm đảm bảo thực hiện thủ tục nhanh chóng. Đồng thời, tăng cường phối hợp với Kho bạc Nhà nước, cơ quan Thuế và các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích DN tham gia nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 nhằm đẩy mạnh hơn nữa CCHC, góp phần rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng. Tại các chi cục thường xuyên bố trí công chức trực để giải quyết thủ tục cho DN.

Đơn vị luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN khi thực hiện các TTHC; thực hiện các chuyên đề, hình thức, phương thức tuyên truyền phổ biến pháp luật như tổ chức thông báo, tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của Cục, qua Hội nghị đối thoại DN, công tác tham vấn, đối thoại trực tiếp, bằng văn bản, email, điện thoại,...

Đẩy mạnh quan hệ đối tác Hải quan - DN. Thường xuyên tổ chức Hội nghị đối thoại DN; Hội nghị tham vấn; thông qua các buổi gặp gỡ, làm việc trực tiếp, trực tuyến để giải đáp các vướng mắc của DN.

Luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ các cá nhân và tổ chức trong quá trình thực thi công vụ, CCHC thông qua phiếu khảo sát Mức độ hài lòng của người dân, DN khi thực hiện TTHC; kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý đối với đơn vị, công chức có hành vi vi phạm pháp luật, gây phiền hà, sách nhiễu, không kịp thời giải quyết, để vướng mắc kéo dài.

Tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị từ DN thông qua các kênh như văn bản gửi đến Cục, hòm thư góp ý, email, điện thoại, fax, điện thoại đường dây nóng, tiếp công dân.

Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh, thành phố; rút ngắn thời gian thông quan, kết nối trao đổi thông tin, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu.         

Trân trọng cảm ơn ông!

Song Uyên (Vietnam Business Forum)