Phát huy các giá trị di tích, di sản trong phát triển du lịch tâm linh

11:22:26 | 3/7/2024

Năm 2024 đánh dấu 10 năm Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (2014-2024)”. Đây cũng là cột mốc quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đã được công nhận, qua đó vừa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, gắn kết văn hóa giữa An Giang với các tỉnh thành trong cả nước vừa quảng bá mạnh mẽ giá trị hình ảnh, vùng đất, con người An Giang đến với du khách trong nước cũng như quốc tế.

Điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh đặc sắc

Khu du lịch Quốc gia Núi Sam có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng về du lịch tâm linh hay du lịch văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có các di tích do Ban quản trị Lăng miếu Núi Sam quản lý gồm: Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu, Đình Thần Vĩnh Tế, Khu vực Bệ đá Bà ngự trên đỉnh Núi Sam, đặc biệt nhất là Di tích lịch sử cấp quốc gia Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam.

Ngoài ra còn có các Lễ hội truyền thống do Ban tổ chức như: Lễ Hành binh (Lễ cầu an Miễu Âm Nhơn) tổ chức ngày 15/01 âm lịch, đặc biệt là Lễ hội phi vật thể cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức từ 22-27/4 âm lịch, hàng năm thu hút trên 4 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, cúng viếng cầu bình yên, góp phần tạo nên một không gian lễ hội náo nhiệt và đặc sắc. Trong đó, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân An Giang, chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa đặc trưng trong dòng chảy văn hóa Nam Bộ.

Bản sắc văn hóa trong Lễ hội được cộng đồng duy trì, thực hành, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh. Với những giá trị tiêu biểu, năm 2014 Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; đến tháng 3/2022 Lễ hội được Chính phủ chấp thuận, đệ trình tổ chức UNESCO hồ sơ ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ dự kiến sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp lần thứ 19 vào tháng 12/2024.

Nếu được ghi danh, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam sẽ là di sản đầu tiên của Việt Nam có chủ thể là các dân tộc đa số và thiểu số, qua đó góp phần khẳng định giá trị, tầm quan trọng của Lễ hội trong đời sống tinh thần sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng không chỉ ở Nam Bộ mà còn cả dân tộc Việt Nam và có sự gắn kết cộng đồng quốc tế

Bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, di sản

Với mục tiêu phát triển Khu du lịch Núi Sam xứng tầm khu du lịch quốc gia, những năm qua tỉnh An Giang luôn tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, vốn ngân sách địa phương để đầu tư hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông kết nối đến Khu du lịch (Cảng đường thủy đón du khách tại Châu Đốc; Khu Công viên Văn hóa Núi Sam; tuyến đường vòng Công viên Văn hóa Núi Sam; Tượng phật Thích ca Mâu Ni cao 81m; công trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia - khu vực Bà ngự trên đỉnh Núi Sam…).

Song song đó tỉnh An Giang cũng quan tâm đầu tư, tôn tạo đồng bộ hệ thống di tích gắn với xúc tiến quảng bá, tổ chức sự kiện văn hóa, lễ hội, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan, chiêm bái tại Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam cũng như quần thể di tích Núi Sam, góp phần lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của An Giang tới đông đảo nhân dân địa phương và du khách.

Cùng với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, những năm qua Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam cũng đã có nhiều đổi mới trong công tác  quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được công nhận. Định kỳ tổ chức lễ hội, các nghi thức cúng tế hàng năm theo phong tục tập quán cổ truyền của địa phương theo quy chế hiện hành. Thực hiện thường xuyên việc giữ gìn, trùng tu, tôn tạo các di tích, đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, kiến trúc của di tích.


Lãnh đạo tỉnh An Giang và người dân dâng hương lên tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam

Ban còn chú trọng chấn chỉnh hoạt động du lịch, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng văn minh, lịch sự gắn với đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, có sự kết nối với các điểm di tích cũng như tổ chức các lễ hội đặc sắc nhằm phát huy các giá trị văn hóa tâm linh, văn hóa lịch sử truyền thống của quần thể di tích Núi Sam. Phối hợp với các cơ quan cấp trên, nhất là các ngành truyền thông, quảng bá, giáo dục các tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ trẻ luôn giữ gìn và phát huy, phát triển giá trị vật thể và phi vật thể nhằm đẩy mạnh xúc tiến du lịch, giới thiệu, quảng bá hình ảnh các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, các lễ hội do Ban quản trị Lăng miếu Núi Sam quản lý, tổ chức đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Nhờ sự quan tâm đầu tư tôn tạo, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của di tích, di sản gắn với phát triển du lịch, trên hết là sự ngưỡng mộ, lòng thành tôn kính, sự tin tưởng tuyệt đối của đông đảo du khách hành hương đối với sự linh thiêng, màu nhiệm, hữu cầu tất ứng của Chúa Xứ Thánh Mẫu Núi Sam đã góp phần đưa Lăng miếu Núi Sam trở thành các điểm du lịch văn hóa, tâm linh đặc sắc nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Thống kê cho thấy mỗi năm Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 3,8 triệu lượt khách đến cúng viếng, tham quan các địa điểm du lịch và miếu Bà Chúa Xứ.

Nhằm mang lại cho du khách những trải nghiệm đẹp nhất, hướng đến xây dựng hình ảnh Lăng miếu Núi Sam là điểm đến thân thiện, an toàn và văn minh, Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam đặc biệt chú trọng tăng cường công tác giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn, an tâm cho du khách, nhất là vào mùa cao điểm du lịch. Công tác phục vụ, hỗ trợ du khách đến tham quan, hành hương, chiêm bái tại các nơi thờ tự do luôn được nâng cao với phương châm “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.


Trưởng ban Quản trị Lăng miếu núi Sam Nguyễn Phúc Hoan nhận “Chứng nhận điểm đến du lịch tâm linh tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương” từ UNESCO

Trưởng Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam – ông Nguyễn Phúc Hoan  cho biết hàng năm vào mùa cao điểm, du khách đến viếng miếu Bà rất đông, dẫu vậy an ninh trong khuôn viên miếu luôn đảm bảo và công tác kiểm đếm lượt khách cũng được triển khai chặt chẽ hơn. Bên cạnh việc tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, thường xuyên phát thanh cảnh báo du khách, giúp người hành hương yên tâm hơn thì trong các ngày cao điểm hoặc cuối tuần, Ban Quản trị còn phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng công an để xử lý tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, xử lý tình trạng mua bán chèo kéo để giúp người dân đi cúng Bà được thuận tiện. Các vấn nạn bói toán, cướp giật tại những điểm ngoài khuôn viên miếu được kiểm soát chặt chẽ; tình trạng chèo kéo khách mua nhang đèn, lộc Bà giảm hẳn. Công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; an ninh trận tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; văn minh thương mại được quan tâm đảm bảo. Đây cũng chính là những điểm sáng tích cực giúp du khách thập phương yên tâm đến viếng miếu Bà nhiều hơn

Cũng theo ông Nguyễn Phúc Hoan,  những năm gần đây, du lịch văn hóa tâm linh ngày càng hút khách, đặc biệt là vào các dịp Lễ hội truyền thống, các dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán thì du khách tìm đến các địa điểm đền, chùa, miếu... có xu hướng tăng mạnh. “Du lịch tâm linh lên ngôi là tín hiệu vui cho ngành du lịch địa phương song cũng đồng thời đặt ra yêu cầu phải làm sao khai thác du lịch tâm linh hiệu quả về mặt kinh tế mà vẫn không bị "biến tướng", "thương mại hóa". Đây cũng là điều chúng tôi trăn trở và luôn nỗ lực hướng tới nhằm đảm bảo quyền lợi cho du khách, góp phần phát triển du lịch tâm linh của tỉnh An Giang nói riêng – cả nước nói chung theo hướng lành mạnh, văn minh và hiệu quả, từ đó phát huy giá trị di tích, di sản của đất nước, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc” – ông Hoan nhấn mạnh.

Quốc Hưng (Vietnam Business Forum)