08:44:42 | 22/8/2024
Sản phẩm OCOP sẽ đủ sức vẫy vùng và phát triển nếu nằm trong chuỗi liên kết đủ mạnh, Hà Nội đang triển khai theo hướng này.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP đã góp phần phát triển sản phẩm chủ lực của TP Hà Nội, tạo bước chuyển căn cơ từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang liên kết chuỗi giá trị bền vững.
Sau hơn 4 năm không ngừng vun trồng, tính đến nay, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.711 sản phẩm OCOP trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao, trở thành điểm sáng và đi đầu của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP.
Ông Nguyễn Văn Chí – Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Hà Nội cho biết: Quan điểm, chủ trương của Hà Nội rất rõ ràng, đó là phát triển các mặt hàng đặc trưng, tiêu biểu gắn với khai thác vùng nguyên liệu và chỉ dẫn địa lý sẵn có, điển hình có thể kể đến: Gốm sứ Quang Vinh, Dâu tằm tơ Mỹ Đức, sữa Ba Vì, rau Đông Anh….
Qua rà soát hồ sơ, theo dõi và kiểm tra, giám sát hàng năm đối với việc duy trì, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể có sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố, đồng thời qua tham khảo ý kiến của chuyên gia OCOP của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội nhận thấy một số chủ thể có thể đáp ứng yêu cầu hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm tiềm năng 5 sao trong năm 2024 (biểu 01 kèm theo) và năm 2025 (biểu 02 kèm theo). Các sản phẩm này là sản phẩm tiêu biểu từ làng nghề, làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng đại diện cho tiểu vùng khí hậu Hà Nội, sản phẩm cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu chí 5 sao như: Vùng nguyên liệu và liên kết ổn định, quy mô sản xuất lớn, có hồ sơ thủ tục về môi trường theo quy định, có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (sở hữu trí tuệ), có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến (ISO/GMP/HACCP/…), đáp ứng yêu cầu của thị trường đích (có thể xuất khẩu đến thị trường khu vực Đông Nam Á, ngoài Đông Nam Á, Mỹ, Nhật, EU…).
Khoác lên tấm áo OCOP tức thì tạo chuyển biến toàn diện trên tất cả các khía cạnh, đặc biệt là yếu tố kinh tế. Bằng chứng, doanh thu của các sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên tăng đến 8,0%/ năm. Thời gian qua, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP như: Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2023 tại quận Bắc Từ Liêm và Long Biên.Mỗi tuần hàng có khoảng 50 gian hàng của 43 doanh nghiệp, chủ thể, hợp tác xã đến từ Hà Nội và 18 tỉnh, thành phố như Hà Tĩnh, Hà Giang, Yên Bái, Khánh Hòa, Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình, Sơn La, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… Hay sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía bắc với quy mô hơn 100 gian hàng với khoảng 2.000 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của thành phố Hà Nội, 15 tỉnh miền núi phía bắc.
Thành phố Hà Nội còn khai trương đi vào hoạt động 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Cùng với đó, thành phố còn quan tâm, thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức các tuần hàng giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người dân. Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Phải nói thêm, các đơn vị liên quan chưa thực sự chú trọng “nâng tầm”... nhằm đảm bảo song song cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo quy định, muốn nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao phải đáp ứng các tiêu chuẩn “cứng” như xúc tiến thương mại gắn với chỉ dẫn địa lý, liên kết chuỗi, khả năng tiếp cận thị trường, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm..., những yêu cầu này không dễ hoàn thành khi đa phần chủ thể tiềm lực có hạnn, quy mô nhỏ, nặng về tiêu thụ tự do.
Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung đào tạo tập huấn cho cán bộ quản lý và các chủ thể tham gia chương trình OCOP.Cùng với đó, các chủ thể có sản phẩm OCOP được UBND thành phố Hà Nội công nhận cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để đưa sản phẩm OCOP ngày càng phát triển.Các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm OCOP để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Văn Chí khẳng định.
Bảo Đan (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI