08:50:27 | 16/8/2024
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5 là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất, doanh nghiệp và Nhà nước đầu tư, góp phần nâng cao kĩ năng, trình độ và năng lực đủ để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm đa giá trị.
Vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ
Theo Tổng cục thống kê, trong giai đoạn 2010-2022, giá trị thu trên 1 ha sản xuất nông nghiệp tăng 1,95 lần, nuôi trồng thủy sản gấp 2,45 lần. Tuy nhiên cho đến nay, lực lượng chủ lực trong sản xuất, kinh doanh nông lâm ngư nghiệp ở Việt Nam vẫn là khoảng 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ và vài triệu hộ kinh doanh nông nghiệp. Với quy mô đất đai manh mún và nguồn vốn nhỏ bé, trình độ chuyên môn kỹ thuật hạn chế, các hộ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp của Việt Nam chưa có điều kiện và năng lực để ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, chỉ khoảng 1 - 2 % doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và trong số đó chỉ khoảng dưới 50 doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, khoảng dưới 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chưa tới 3% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp). Lực lượng có hạn này đã cố gắng thường xuyên bắt kịp các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường; trong điều kiện vốn liếng hạn chế, đất đai thu hẹp, lao động tăng giá vẫn liên tục tăng giá trị sản xuất, tăng khối lượng xuất khẩu, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Theo ông Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Việt Nam hiện đã có một số doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng công nghệ cao đem lại hiệu quả sản xuất kinh doanh và tạo ra khả năng cạnh tranh tốt như: TH True Milk, Lộc Trời, Thành Thành Công, Vinaseed, Thái Bình Seed, Nafoods, Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Dabaco, MyLan, Vinamit,… Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nhưng cũng rất hăng hái đưa ra các giải pháp học công nghệ áp dụng có kết quả như: Huế Tronic, Công ty Thương mại và Đầu tư Biển Đông. Tinh thần sáng tạo và ý chí vượt khó của các doanh nghiệp Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng tạo nên những thành tích trong nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiếp thu khoa học công nghệ góp phần phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC) cho rằng, muốn có một nền nông nghiệp thông minh cần phải có nguồn nhân lực thông minh. Trên thực tế, hiện nay, người nông dân nói riêng cũng như đội ngũ nhân lực làm nông nghiệp ở VN nói chung, phần lớn còn đang làm nông nghiệp theo các phương thức truyền thống. Kinh nghiệm, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở mức thấp, chưa có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ và bền vững. Chính vì vậy, việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức doanh nghiệp khoa học là tất yếu để tạo ra sức mạnh tổng thể, phát huy nguồn lực, xây dựng nền tảng để phát triển nông nghiệp Xanh - Tuần hoàn - Bền vững. Đó chính là quá trình vừa triển khai, vừa tiếp nhận phản hồi và điều chỉnh liên tục để không ngừng hoàn thiện một hệ sinh thái nông nghiệp Xanh - Tuần hoàn và Bền vững.
“Việc liên kết, bắt tay chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức doanh nghiệp khoa học công nghệ phải được tổ chức như một thiết chế hợp tác đầu tư, sản xuất và kinh doanh trong ngành nông nghiệp. Hợp tác đầu tư phát triển nông nghiệp là quá trình thay đổi mô hình hoạt động đơn lập thành mô hình tích hợp, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp, tận dụng tối đa các nguyên liệu, phế phụ phẩm, tái chế chúng thành các sản phẩm, hàng hóa, tạo thành cơ chế sản xuất tuần hoàn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững”, ông Hà Văn Thắng chia sẻ.
Tăng cường liên kết để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
Để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành nền tảng của nền nông nghiệp thông minh và phát triển bền vững, theo ông Hà Văn Thắng, cách thức tiếp cận cần đặt trọng tâm vào các tổ chức khoa học và doanh nghiệp nông nghiệp trong các hoạt động đầu tư và phát triển thực hiện nhiệm vụ xây dựng mô hình dẫn dắt trong hệ sinh thái 4 nhà: Nhà nước, nhà Khoa học, nhà Doanh nghiệp và nhà Nông.
Trong đó, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng tích cực, cởi mở để có chính sách phù hợp cho các hoạt động liên kết và hợp tác đầu tư vào nông nghiệp cho cả hai khu vực “Công – Tư”. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp khoa học đang thuộc sở hữu Nhà nước nhưng đã được giao tự chủ cần làm rõ hơn quyền tự chủ của các tổ chức này. Nhà nước cũng cầnban hành các quy định đủ mạnh để có một khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo hướng đi mới.
Mặt khác, các mô hình hợp tác phát triển và đổi mới sáng tạo cần được cho phép thực hiện theo hình thức thử nghiệm, thí điểm theo cơ chế mở, không bị chi phối bởi các quy định cũ trên nguyên tắc chỉ làm những gì pháp luật không cấm. Các mô hình đổi mới - sáng tạo được phép làm thí điểm, thử nghiệm sẽ được quy định thời gian thử nghiệm, thí điểm theo đề xuất và phải được tổng kết, đánh giá những ảnh hưởng tích cực hoặc hạn chế của mô hình, từ đó làm cơ sở để cơ quan chức năng hoàn thiện thể chế cho loại hình đó...
Bên cạnh đó, theo ông Đặng Kim Sơn, cần nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của các viện nghiên cứu và trường đại học, thực sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, tạo động lực để cán bộ khoa học tập trung vào sáng tạo, quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của sản phẩm khoa học; đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của hệ thống khuyến nông và dịch vụ tư vấn công nghệ.
Ngoài ra, cần đổi mới cung cách đào tạo cán bộ kỹ thuật để hình thành đội ngũ chuyên môn có tay nghề cao, phục vụ mọi đối tượng sản xuất kinh doanh nông nghiệp; Đổi mới căn bản thủ tục hình thành, cơ chế quản lý và chính sách hỗ trợ để hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao( NNCC), vùng NNCNC tạo ra các cụm liên kết ngành, tổ hợp nông nghiệp CNC, công viên nông nghiệp CNC, vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo đối tác công-tư
“Kinh nghiệm thành công của 40 năm đổi mới kinh tế Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy, trong điều kiện ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, cần tập trung đổi mới thể chế, tổ chức theo hướng phân cấp, phân quyền cho mọi thành phần kinh tế phát huy khả năng của mình và tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đồng thời, phát huy tối đa cơ chế thị trường để huy động nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển. Vấn đề chính cần đặt ra không phải là giải pháp công nghệ mà trước hết là thể chế và chính sách mở đường. “Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”, trong quá trình tuần tự trên, vẫn có thể tạo ra những bước đột phá tiên phong. Để làm được việc đó, cần tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích tối đa những doanh nghiệp đầu đàn áp dụng công nghệ cao trở thành hạt nhân phát triển tạo tác động lan tỏa cho toàn hệ sinh thái sản xuất kinh doanh”, ông Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI