Bắc Kạn: Phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững

11:06:06 | 20/8/2024

Bắc Kạn đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn để đảm bảo tăng trưởng bền vững. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, trở thành địa phương phát triển trung bình khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; kinh tế phát triển theo hướng xanh, năng động. Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Kạn là một trong những địa phương có môi trường đáng sống của cả nước. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn.

Một vài chia sẻ của ông về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn 6 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm?

Thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá so sánh) đạt 4.128 tỷ đồng, tăng trưởng 5,45%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24,5%, giá trị đạt trên 1.040 tỷ đồng; nhiều loại cây trồng đạt và vượt kế hoạch.

Ngành Công nghiệp tiếp tục phát triển, có nhiều đóng góp cho nền kinh tế. Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp 6 tháng tăng 10% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 901 tỷ đồng, đạt 47,75% kế hoạch năm 2024, tăng 12,75% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực dịch vụ có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 56,1% trong cơ cấu kinh tế, đạt 2.312,6 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 106,2% so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 17,5 triệu USD, đạt gần 59% kế hoạch, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.

6 tháng đầu năm, có 5 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 800 tỷ đồng; có 45 doanh nghiệp, 24 hợp tác xã được thành lập mới. Công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh.

Chương trình nông thôn mới (NTM) tiếp tục được tập trung thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn NTM, 04 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 70 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM; bình quân cả tỉnh đạt 12,79 tiêu chí/xã. Tỉnh có 218 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao, 199 sản phẩm 3 sao.


Ngày 09/6/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) thăm Khu Di tích lịch sử quốc gia Nà Tu, tỉnh Bắc Kạn

Lĩnh vực văn hóa - xã hội triển khai theo kế hoạch. Công tác y tế, giáo dục, an sinh xã hội được chăm lo; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Phát huy kết quả đạt được, những tháng cuối năm, các địa phương, đơn vị sẽ quyết liệt vào cuộc hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, trong đó những trụ cột quan trọng đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh như lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, xây dựng sẽ được tập trung đẩy nhanh, hiệu quả hơn nữa.

Tỉnh phấn đấu 6 tháng cuối năm sẽ thực hiện các chỉ tiêu đạt kết quả cao để cả năm đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể: Để tốc độ tăng trưởng cả năm đạt kế hoạch trên 8% thì GRDP 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng 10%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản 6 tháng cuối năm phải tăng 4,7%; công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 15%; dịch vụ tăng trưởng 11%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng trưởng 9,5%.

Các đơn vị, các chủ đầu tư tổ chức thực hiện quyết liệt, phấn đấu giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công năm 2024 và vốn đầu tư năm 2023 được phép kéo dài. Đôn đốc các chủ đầu tư dự án ngoài ngân sách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư đã đăng ký. Triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; đẩy nhanh tiến độ đấu giá, thu tiền sử dụng đất. Tiếp tục rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng các dự án; phấn đấu tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo kế hoạch,…

Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển kinh tế theo hướng xanh và năng động với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại. Ông có thể nói rõ hơn về định hướng này?

Ngày 03/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1288/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu Quy hoạch là đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển trung bình khá, bền vững của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, kinh tế phát triển theo hướng xanh và năng động với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%; trong đó dịch vụ tăng trên 8%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trên 3,5%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng trên 11%/năm.


Theo quy hoạch phát triển, đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển trung bình khá, bền vững của vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Theo phương hướng phát triển, ngành Du lịch phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường; giữ gìn, phát huy, bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa. Phát triển các cụm du lịch gồm: Ba Bể và phụ cận; thành phố Bắc Kạn và phụ cận; An toàn khu Chợ Đồn và phụ cận; Na Rì - Ngân Sơn.

Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế rừng với 03 trọng tâm: Dịch vụ sản xuất tín chỉ carbon; điện sinh khối và công nghiệp chế biến.

Tỉnh tập trung thu hút, khơi thông nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội bảo đảm đồng bộ, hiện đại với trọng tâm là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các hành lang kinh tế thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Ưu tiên triển khai đầu tư các dự án giao thông huyết mạch; hạ tầng kỹ thuật, xã hội tại thành phố Bắc Kạn, các thị trấn, đô thị; hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Tăng cường đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nền tảng, mở ra rất nhiều dư địa cho thu hút đầu tư, đưa Bắc Kạn thực sự trở thành địa phương phát triển trung bình khá, có nền kinh tế năng động, một trong những địa phương có môi trường đáng sống của cả nước.

Theo ông, đâu là những tiềm năng, thế mạnh cho thu hút đầu tư và tăng trưởng bền vững của Bắc Kạn để đáp ứng những yêu cầu trên?

Nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc bộ, Bắc Kạn là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Với tài nguyên thiên nhiên đa dạng, mạng lưới sông ngòi phong phú (là đầu nguồn của 5 con sông lớn của vùng Đông Bắc: Sông Lô, sông Gâm, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Cầu), tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, tạo ra các sản phẩm tập trung phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc.

Bắc Kạn cũng có tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch trải nghiệm, tham quan, khám phá, du lịch cộng đồng,… với những phong tục tập quán phong phú, đa dạng của 7 dân tộc (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa, Sán Chay), tiêu biểu nhất là văn hóa Tày Nùng. Tỉnh có hồ Ba Bể nổi tiếng - "viên ngọc xanh giữa đại ngàn Việt Bắc", di tích quốc gia đặc biệt, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam và là 1 trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Đặc biệt, tài sản quý báu nhất của Bắc Kạn chính là truyền thống anh hùng cách mạng, sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và toàn thể nhân dân.

Với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tỉnh đã và đang tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, trên tinh thần huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy nội lực, đồng thời huy động tối đa nguồn lực từ bên ngoài.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện các quy hoạch có liên quan, khơi thông nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, với trọng tâm là hệ thống giao thông kết nối các hành lang kinh tế thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Coi đây là giải pháp đột phá nhằm khai phá tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư, tích cực hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án ngoài ngân sách; đẩy nhanh tiến độ giải ngân và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa; làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số,…

Bắc Kạn đang nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Cụ thể hóa mục tiêu này gắn với cải thiện Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

Bắc Kạn xác định tăng trưởng xanh gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, đưa kinh tế của tỉnh từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương bám sát Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức của cán bộ, nhân dân về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong quá trình triển khai Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ lồng ghép, đánh giá các nội dung về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chuyển đổi sang hình thức sản xuất hữu cơ. Duy trì mật độ che phủ rừng ở mức độ phù hợp, tích cực trồng rừng và bảo vệ rừng, tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, tạo sinh kế bền vững từ kinh tế rừng.

Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo phát triển các ngành kinh tế theo hướng xanh, tận dụng tối đa các thành tựu khoa học công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ; hình thành vùng chuyên canh với quy mô thích hợp, dựa trên các chuỗi giá trị sản phẩm bản địa, chủ lực, OCOP,…

Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển hài hòa ngành công nghiệp năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện thực tế. Phát triển dịch vụ và thương mại theo hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Với nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và định hướng triển khai có chủ đích rõ ràng, Bắc Kạn kỳ vọng những kết quả tăng trưởng xanh sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đồng thời qua đó, tạo cơ sở, là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Tùng (Vietnam Business Forum)