Việt Nam kiên trì để được công nhận nền kinh tế thị trường

08:55:03 | 16/8/2024

Nền kinh tế Việt Nam có những bước tiến đáng ghi nhận trong nhiều năm qua với tỷ lệ tăng trưởng bình quân khoảng 6%. Tuy nhiên, dù đã có nhiều cải cách đáng kể và đạt được sự công nhận là nền kinh tế thị trường từ 72 quốc gia, Việt Nam vẫn chưa được Mỹ công nhận điều này.

Việt Nam khẳng định đáp ứng các tiêu chí kinh tế thị trường

Ngày 02/8/2024 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận, theo đó mặc dù có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua nhưng vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ sẽ tiếp tục phải đối mặt với các biện pháp phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ. Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.

Theo Bộ Công Thương, nếu Bộ Thương mại Mỹ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam là một nền kinh tế thị trường như 72 nền kinh tế khác đã công nhận, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Mexico, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand…

Bên cạnh đó, 41 tổ chức, cá nhân, hiệp hội doanh nghiệp, thương mại Hoa Kỳ cũng đã bày tỏ ý kiến ủng hộ mạnh mẽ việc công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Trong đó có những tổ chức, cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ như Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Hoa Kỳ (NASDA), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Hiệp hội Các nhà bán lẻ Hoa Kỳ…

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi thành công 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao với Liên minh châu Âu, các nước CPTPP, Liên hiệp Vương quốc Anh với nhiều cam kết sâu rộng, toàn diện từ cắt giảm thuế tới nâng cao tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa…

Bộ Công Thương khẳng định đã có lập luận chứng minh một cách đầy đủ, nhất quán về sự tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam trên tất cả sáu tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường. Những thay đổi này đã được làm rõ trong hơn 20.000 trang thông tin, tài liệu mà Bộ Công Thương Việt Nam gửi tới Bộ Thương mại Mỹ.

Theo đó, các lập luận khi đưa ra đã chứng minh rằng nền kinh tế thị trường của Việt Nam ít nhất ngang bằng và thường tốt hơn so với mức độ thực hiện của các quốc gia khác đã được công nhận nền kinh tế thị trường, hoặc thực tế tương đương hoặc tốt hơn các quốc gia đã luôn được coi là nền kinh tế thị trường.

Chính vì vậy, căn cứ theo các tiêu chí cụ thể của luật pháp Mỹ, việc công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam là thực tế khách quan và công bằng.

Việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường rõ ràng đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng không làm giảm đi những nỗ lực và thành tựu mà Việt Nam đã đạt được. Các ngành xuất khẩu như dệt may vẫn tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Một số ngành xuất khẩu của Việt Nam vẫn có triển vọng tích cực ngay cả khi chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. Ngành dệt may là một ví dụ điển hình, với kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 16,2 tỷ USD, trong đó Mỹ chiếm tới 44,2% cơ cấu xuất khẩu. Việc lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt đã giúp nhu cầu tiêu dùng hồi phục, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Một số doanh nghiệp lớn trong ngành này đã nhận được đơn đặt hàng lấp kín đến đầu quý 4/2024, cho thấy niềm tin của thị trường vào sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dệt may​.

Tiếp tục gửi kiến nghị

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ. Mục tiêu sẽ bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Điều này nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ. Qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương khẳng định sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện cam kết về việc phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và tiến tới sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Các cơ quan hữu quan của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ bảo đảm quan hệ kinh tế, thương mại song phương tiếp tục phát triển ổn định, hài hòa, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

Với sự đồng hành của nhiều quốc gia, các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế, cùng với những cơ sở lập luận đầy đủ, Việt Nam tin tưởng rằng việc được công nhận là nền kinh tế thị trường chỉ còn là vấn đề thời gian. Điều này sẽ mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)