Xây dựng hệ thống đô thị trở thành các trung tâm động lực phát triển

09:43:33 | 24/9/2024

Một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra là xây dựng hệ thống đô thị trở thành các trung tâm động lực và hỗ trợ phát triển toàn diện công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. 


Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình - ông Ngô Đông Hải đi thị sát và nghe báo cáo về tình hình triển khai dự án giao thông trên địa bàn tỉnh

Theo đó, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; phối hợp rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị.

Thời gian qua, việc phát triển đô thị của tỉnh Thái Bình có những chuyển biến rõ nét, dần khẳng định vị trí, vai trò là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo Sở Xây dựng, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 12 đô thị hiện hữu, nằm trong mạng lưới đô thị quốc gia, trong đó có 01 đô thị đạt tiêu chuẩn loại II; 01 đô thị đạt tiêu chuẩn loại IV và 10 đô thị loại V; 100% các đô thị đã được lập quy hoạch chung đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa tính đến hết năm 2023 đạt khoảng 23,9%, với tốc độ tăng tỷ lệ đô thị hóa trung bình khoảng 1,7%/năm và còn nhiều dư địa thúc đẩy tốc độ tăng nhanh trong các năm tới.

Giai đoạn 2023 - 2025, Thái Bình đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt 30% trở lên; xây dựng và quản lý đô thị theo hướng xanh, thông minh, tiết kiệm tài nguyên và mang bản sắc riêng, trong đó mục tiêu đến năm 2030, Thái Bình có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Xây dựng các khu đô thị xanh - sạch - đẹp, trong lành, đáng sống cho người dân.

Ông Phạm Việt Anh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh cho biết: Việc phát triển đô thị sẽ tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, đồng thời là động lực để kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Thời gian qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cấp dưới (quy hoạch vùng huyện, quy hoạch đô thị, nông thôn) để đảm bảo đồng bộ thống nhất với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện Sở đang phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát và thực hiện điều chỉnh các đồ án quy hoạch theo thẩm quyền.

Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030 để làm căn cứ, cơ sở cho các huyện, thành phố xây dựng Chương trình phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị cho từng đô thị. Báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình đánh giá phân loại đô thị thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Bình; báo cáo công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng, giai đoạn 2015 - 2022,...

Trong công tác phát triển nhà ở, đã tham mưu UBND tỉnh triển khai Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình 05 năm giai đoạn 2021 - 2025. Tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển nhà ở. Đến nay, tỉnh đã lựa chọn chủ đầu tư cho 31 dự án, với tổng mức đầu tư trên 33.200 tỷ đồng.

“Đây là cơ sở để UBND tỉnh quản lý, chỉ đạo công tác đầu tư xây dựng, phát triển đô thị; đồng thời, là căn cứ để UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển đô thị”, ông Phạm Việt Anh nhấn mạnh.

Để đạt các mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, các dự án phát triển khu đô thị, khu dân cư mới,… Tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình; giải quyết khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động của UBND tỉnh để triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát các đô thị thuộc địa bàn quản lý, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư để hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu, còn nợ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 06-NQ/TW.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch lập quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị trên địa bàn tỉnh, kế hoạch lập đề án phân loại cho các đô thị giai đoạn 2021 - 2025 để UBND các huyện chủ động bố trí vốn ngân sách thực hiện, góp phần từng bước thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về tỷ lệ đô thị hóa.

Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố lập, trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch các khu vực trong đô thị để tiếp nhận dự án đầu tư, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn phân loại đô thị. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 sau khi được UBND tỉnh phê duyệt; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố trình tự, thủ tục lập, trình phê duyệt Chương trình phát triển đô thị cho các đô thị trên địa bàn theo quy định pháp luật.

Hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; kịp thời đề xuất các giải pháp, tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện các dự án phát triển nhà ở để đảm bảo thực hiện mục tiêu đô thị hóa. 

Bùi Liên  (Vietnam Business Forum)