Huyện Đông Hưng:Tạo nền tảng vững vàng để kinh tế bứt tốc

15:41:48 | 23/9/2024

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, đầu tư phát triển cụm công nghiệp (CCN), đa dạng hóa các mô hình sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững,... là chủ trương mà huyện Đông Hưng đang tập trung thực hiện nhằm đưa nền kinh tế bứt tốc.


Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng

Xây dựng nền nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hiện đại

Nằm sát thành phố Thái Bình - trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh và tiếp giáp với các huyện Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Hưng Hà; Đông Hưng là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế. Trên địa bàn huyện có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi, nhiều CCN, nguồn lao động dồi dào, đất đai màu mỡ, nông dân giàu kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp,...

Trong năm 2023, huyện triển khai mới 8 dự án về giao thông, tiếp tục triển khai 7 dự án từ năm 2022 chuyển sang, một số dự án đã đưa vào sử dụng;... Đã hoàn thiện quy hoạch thị trấn Đông Hưng mở rộng đến năm 2035, lập đồ án quy hoạch đô thị Tiên Hưng, đô thị Đông Quan lên đô thị loại V;...

Phát huy những tiềm năng, lợi thế này, những năm qua, Đông Hưng tập trung phát triển kinh tế theo hướng toàn diện, bền vững, phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hiện đại.

6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) thực hiện: 8.203,7 tỷ đồng, đạt 41,9% kế hoạch, tăng 5,21% so với cùng kỳ. Trong đó: Sản xuất nông, thủy sản đạt 1.996,7 tỷ đồng, đạt 53,9% kế hoạch, tăng 2,29% so với cùng kỳ; công nghiệp - xây dựng đạt 4.601 tỷ đồng, đạt 37,2% kế hoạch, tăng 6,04% so với cùng kỳ; thương mại - dịch vụ đạt 1.606 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch, tăng 6,64% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã thực hiện mô hình sản xuất mới, kết hợp với cải tiến kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất và giá trị. Vụ lúa Xuân năm 2024 được đánh giá là một trong những vụ lúa đạt năng suất và giá sản phẩm cao. Triển khai hiệu quả các mô hình sản xuất ở vụ Xuân: Mô hình sản xuất gạo làng Giắng tại xã Đông Tân (20ha); mô hình sản xuất giống lúa Hương Cốm 4 tại xã Mê Linh và Đài Thơm 8 tại xã Phong Châu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm,...


Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Huyện ủy Đông Hưng với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn

Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, một số ngành hàng có mức tăng trưởng cao hơn năm 2023 như: Dệt may, sản xuất khung nhà thép tiền chế, gia công cơ khí, sản xuất đồ gỗ, sản xuất đèn LED,... Hoạt động của các doanh nghiệp trong CCN và khu vực làng nghề ổn định, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động nông thôn.

Ngoài ra, thị trường hàng hóa cơ bản vẫn ổn định; một số loại hình dịch vụ như: Vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, bán lẻ hàng hóa có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 795,28 tỷ đồng, đạt 48,9 dự toán, bằng 111% so với cùng kỳ.

Đồng hành cùng doanh nghiệp thu hút đầu tư

Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định công nghiệp là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, Đông Hưng đã quy hoạch 9 CCN bám sát các trục giao thông huyết mạch, bố trí hài hòa nhằm phát triển đồng đều kinh tế - xã hội trên địa bàn và giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động dễ dàng.

Cùng với đó, huyện thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh cải cách hành chính, có cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút các nhà đầu tư, đồng thời chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tận dụng lợi thế và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, Đông Hưng đã trở thành địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, lấp đầy các CCN. Trong 6 tháng đầu năm, đã có 03 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và 02 dự án được mở rộng trong CCN trên địa bàn.


Đông Hưng đang tạo sức hút mạnh mẽ vào các cụm công nghiệp trên địa bàn

Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích phát triển các CCN tập trung, chú trọng vào ngành chủ lực có lợi thế cạnh tranh như: Chế biến lương thực thực phẩm gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ; ưu tiên lựa chọn các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường, công nghiệp sạch, công nghệ sinh học.

Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển làng nghề có thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề; xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư vào các làng nghề, trong đó ưu tiên cho các ngành như chế biến nông sản thực phẩm và ngành nghề có hiệu quả kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, UBND huyện sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc cập nhật công khai các thủ tục hành chính trên Cổng trang thông tin điện tử https://donghung.thaibinh.gov.vn và tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu tra cứu của các cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, đưa chữ ký số vào triển khai trên phần mềm quản lý văn bản.

6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã tiếp nhận 11.696 hồ sơ, trong đó trực tuyến 10.992 hồ sơ, tiếp nhận trực tiếp là 694 hồ sơ, kỳ trước chuyển qua 10 hồ sơ. Trong đó: Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả huyện đã tiếp nhận 1.994 hồ sơ, đã giải quyết 1.836 hồ sơ; không có hồ sơ quá hạn; các xã, thị trấn đã tiếp nhận 10.502 hồ sơ; không có hồ sơ đã quá hạn.


Bánh Cáy - đặc sản làng Nguyễn

“Đông Hưng quyết tâm thực hiện hiệu quả 03 đột phá về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ và sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Những bước tiến vững chắc cả về bề rộng lẫn chiều sâu, sẽ tạo nền tảng cho huyện đột phá đi lên”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Trường khẳng định.

Làng nghề bánh kẹo ở xã Nguyên Xá sản xuất quanh năm với trên 1.500 hộ tham gia, trong đó có gần 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn. Bánh Cáy với thương hiệu nổi tiếng không dừng lại ở Nguyên Xá mà còn của tỉnh Thái Bình. Đặc biệt, bánh kẹo làng Nguyễn của Nguyên Xá có tới 11 sản phẩm của 2 cơ sở được tỉnh công nhận OCOP 4 sao và cũng là làng nghề có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh. Cùng với đó, ngày 09/4/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghệ thuật “múa rối nước” của làng là di sản phi vật thể cấp Quốc gia.

Hà Thành - Trần Công (Vietnam Business Forum)