Đào tạo lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

15:02:09 | 23/9/2024

Những năm gần đây, kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình có bước tăng trưởng nhanh, nhất là ở khối ngành công nghiệp. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, tỉnh đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn lao động, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tuyển dụng, tổ chức sản xuất hiệu quả vừa tạo nền tảng cho phát triển nền kinh tế tri thức, bền vững.

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Hiện toàn tỉnh có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), gồm: 03 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp và 17 trung tâm GDNN; 8/8 huyện, thành phố có Trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên, ngoài ra còn có các cơ sở khác tham gia đào tạo nghề nghiệp và các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho người lao động. Các trung tâm GDNN không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn, chuyên nghiệp, tinh gọn và hiệu quả.


 Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải và đoàn công tác đến thăm Công ty TNHH TAV (KCN Nguyễn Đức Cảnh, TP.Thái Bình)

Hàng năm kết quả tuyển sinh của các cơ sở GDNN trong tỉnh đều đạt trên 33 nghìn người. Số người tham gia học nghề tháng 7/2024 là 4.230 người, trong đó: Trình độ cao đẳng là 190 người, trung cấp là 720 người, sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng là 3.320 người, nâng tổng số người tham gia học nghề 7 tháng đầu năm 2024 lên 17.830 người (tăng 21% so với cùng kỳ năm trước). Từ đầu năn đến nay toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 23.560 lao động (tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước).

Cùng với nâng cao chất lượng các cơ sở GDNN, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh còn tăng cường tổ chức hoạt động thông tin thị trường lao động, tư vấn học nghề, việc làm và kết nối cung - cầu lao động; tăng số phiên giao dịch việc làm tại Sàn giao dịch việc làm lên 02 phiên/tháng. Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số trong giao dịch việc làm, tạo thuận lợi kết nối cung - cầu lao động. Rà soát nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đồng thời khảo sát năng lực, thế mạnh và ngành nghề thế mạnh của các cơ sở đào tạo ở tỉnh ngoài để tổ chức kết nối đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, Sở đã phối hợp tổ chức 02 hội nghị kết nối, hợp tác đào tạo và cung ứng lao động. Thông qua kết nối đã có 45 doanh nghiệp đăng ký hợp tác hợp tác đào tạo các ngành nghề điện - điện tử, công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ khí, công nghệ ô tô, nông nghiệp công nghệ cao,…

Phát triển nguồn lao động chất lượng cao, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thái Bình đang trong giai đoạn phát triển “nóng” với việc thu hút hàng loạt các dự án đầu tư nước ngoài, nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực điện, điện tử, cơ khí, chế tạo máy, công nghệ thông tin,… đang được các doanh nghiệp FDI đặc biệt quan tâm. Hiện nay, dân số Thái Bình khoảng 2 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 66%, đây chính là lợi thế cần tận dụng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Năm 2024, nhu cầu lao động của tỉnh khoảng 12 nghìn lao động (trong đó: Cao đẳng 3,2 nghìn lao động; trung cấp 2,8 nghìn lao động; sơ cấp 4 nghìn lao động; 2 nghìn lao động phổ thông). Dự báo đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tăng lên trên 82 nghìn lao động. Bên cạnh đó, theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2030 Thái Bình trở thành tỉnh thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng; đến năm 2050 là tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng. Bởi vậy, song song với phát triển hạ tầng giao thông, cải cách hành chính, thu hút đầu tư..., nâng cao chất lượng nguồn lao động phục vụ sản xuất cũng là một trong những vấn đề trọng tâm được đặt ra.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX cũng xác định: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” là một trong 3 đột phát phát triển của tỉnh.

Ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Bám sát yêu cầu này, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đổi mới GDNN theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hiện đại, hội nhập quốc tế. Thu hút một số cơ sở GDNN chất lượng về tỉnh; tăng cường liên thông, liên kết với các trường, cơ sở GDNN chất lượng để đào tạo một số ngành nghề theo các trụ cột: Công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao,...

Ông Vivek Shukla - Tổng Giám đốc điều hành Công ty TNHH TAV Thái Bình cho biết: “TAV” là thành viên của tập đoàn TAL có trụ sở chính tại Hồng Kông (Trung Quốc) - được thành lập vào năm 1947. Qua khảo sát, đánh giá Thái Bình có điều kiện về vị trí địa lý, nhân lực lao động dồi dào và môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn nên tập đoàn TAL đã đầu tư xây dựng nhà máy tại đây.

Với 20 năm phát triển trong lĩnh vực may mặc, TAV đã tạo việc làm ổn định cho gần 6.000 lao động, mức thu nhập từ 8 triệu đến 14 triệu đồng/tháng; liên tục nhiều năm đón nhận Bằng khen “Doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách chăm lo cho người lao động của tỉnh Thái Bình”; nhất là chính sách bảo hiểm luôn đầy đủ và kịp thời, giúp người lao động yên tâm sản xuất.

Ngoài nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở GDNN, Sở cũng kết nối với các cơ sở có uy tín tham gia đào tạo lao động với các ngành nghề mà doanh nghiệp đang cần tuyển dụng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 40%, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 25% trở lên; đến năm 2030, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho 50% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 60%, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 35 - 40% theo đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đề ra.

Bên cạnh đó, chú trọng tạo việc làm cho người lao động gắn với mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế; nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động thất nghiệp.

Đặc biệt, để nâng cao chỉ số thành phần “Đào tạo lao động” trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Sở sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường tổ chức Hội nghị kết nối triển khai các hoạt động hợp tác đào tạo nghề, cung ứng lao động cho doanh nghiệp. Chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu thực hiện các quy định pháp luật về lao động, việc làm và GDNN đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trong kết nối cung - cầu lao động,…

Bảo Linh  (Vietnam Business Forum)