09:08:15 | 25/9/2024
Những năm qua, Thái Bình có sự thay đổi mạnh mẽ, từ một tỉnh thuần nông, sản xuất chuyên canh cây lúa đã vươn lên trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu miền Bắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Góp phần vào thành tựu đó có vai trò quan trọng của các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) tỉnh. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã phỏng vấn ông Phạm Xuân Hán, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh.
Một vài chia sẻ của ông về sự phát triển của KKT và các KCN tỉnh Thái Bình thời gian qua? Nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được thể hiện qua những con số biết nói nào?
Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình tiền thân là Ban Quản lý các KCN tỉnh được thành lập ngày 29/01/2004. Giai đoạn từ 2004 - 2017, Ban đã tham mưu UBND tỉnh triển khai đề án lập, điều chỉnh, bổ sung mạng lưới quy hoạch các KCN trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và được chấp thuận 07 KCN với diện tích quy hoạch 1.228,2 0ha. Đến nay, toàn tỉnh có 10 KCN với tổng diện tích 2.560ha, tăng 2,1 lần so với giai đoạn từ năm 2017 trở về trước. Nổi bật là KCN Liên Hà Thái đã trở thành hình mẫu về đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hiệu quả trong thu hút đầu tư với nhiều dự án lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Ban đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các nhà đầu tư đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư như: Tham mưu tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài; tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2024;... Trong đó, chú trọng xúc tiến thu hút đầu tư từ các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU,…; ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có uy tín và năng lực tài chính; thu hút dự án có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, các dự án thuộc lĩnh vực: Năng lượng; cơ khí, chế biến, chế tạo; hóa dược; điện, điện tử, công nghiệp hỗ trợ,…
Với những nỗ lực trên, 7 tháng đầu năm 2024, các KKT, KCN đã cấp mới, điều chỉnh chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 43 dự án, với số vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 5.354,3 tỷ đồng, chiếm 57% so với toàn tỉnh, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 17 dự án cấp mới với số vốn đầu tư đăng ký 3.771,5 tỷ đồng. Các dự án cấp mới tập trung vào các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện, điện tử, cơ khí,…
Tính riêng FDI, 7 tháng năm 2024, đã cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 34 dự án, với số vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 187 triệu USD, chiếm 67% so với toàn tỉnh, gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 14 dự án cấp mới với vốn đầu tư đăng ký 138 triệu USD.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, theo ông, đâu là sức hút khiến các nhà đầu tư hạ tầng cũng như nhà đầu tư thứ cấp đầu tư mạnh mẽ vào các KCN, KKT tỉnh?
Hiện tỉnh sẵn sàng quỹ đất phát triển tại 10 KCN và 49 cụm công nghiệp trên địa bàn 8 huyện, thành phố, đặc biệt là KKT của tỉnh với diện tích trên 30.000ha, trong đó quy hoạch 21 KCN, KCN - đô thị - dịch vụ với diện tích 8.020ha.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải tiếp và làm việc với Tập đoàn VSIP, tháng 6/2024
Hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi với các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,... bằng tuyến đường bộ ven biển, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, quốc lộ 37, quốc lộ 10, quốc lộ 39,... Khoảng cách đến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) khoảng 50 km; đến sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35km; đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) khoảng 140km; đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 230km.
Ngoài ra, hạ tầng cấp điện, nước, thông tin liên lạc được quy hoạch, xây dựng đồng bộ. Trên địa bàn KKT hiện có 02 nhà máy nhiệt điện công suất 1.800MW đã đi vào hoạt động, Nhà máy nhiệt điện LNG công suất 1.500MW dự kiến phát điện vào năm 2028. Hệ thống trạm biến áp, lưới điện được quy hoạch, xây dựng đồng bộ, đảm bảo cung cấp đủ điện cho KKT. Tỉnh cũng đã có hệ thống cấp nước sạch bao phủ 100% các xã trên địa bàn tỉnh và hệ thống hạ tầng viễn thông thuận lợi, thông suốt.
Bên cạnh đó, tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào, với dân số khoảng 02 triệu người, trong đó, số người trong độ tuổi lao động khoảng 1,2 triệu người. Ngoài ra, có khoảng 02 triệu người Thái Bình đang sinh sống ở nước ngoài và các địa phương khác, sẵn sàng trở về quê hương làm việc nếu có chế độ đãi ngộ phù hợp.
Đặc biệt, KKT Thái Bình là địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư, với mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật. Tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề không quá 05 triệu đồng/người lao động.
Bên cạnh những yếu tố trên, sức hút của KKT và các KCN tỉnh còn đến từ việc chính quyền, Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh luôn nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính. Ngoài phòng chuyên môn, Ban đã thành lập Tổ tư vấn, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép,... đến trong suốt quá trình hoạt động. Hàng tháng, tổ chức họp, mời các cơ quan liên quan đến lắng nghe, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với các dự án quy mô lớn, hỗ trợ 100% thủ tục về cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ngoài ra, các thủ tục hành chính (TTHC) được rút ngắn tối đa thời gian, có TTHC giải quyết trong ngày, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Hiện tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban là 50 thủ tục, trong đó TTHC cấp tỉnh là 42 thủ tục, đã rà soát cắt giảm 15% thông tin phải khai báo khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với 6 TTHC lĩnh vực xây dựng và 3 TTHC lĩnh vực quản lý công. 6 tháng đầu năm 2024, Ban đã tiếp nhận 130 hồ sơ (kỳ trước chuyển sang 13 hồ sơ, tiếp nhận mới 117 hồ sơ), tiếp nhận trực tuyến 110, tiếp nhận trực tiếp 7 hồ sơ; đã giải quyết 119 hồ sơ đúng hạn, không có hồ sơ quá hạn;
Cùng với những lợi thế sẵn có, khát vọng vươn lên của lãnh đạo và bộ máy các cấp chính quyền, đây chính là những yếu tố làm nên sức hút, đưa Thái Bình tiếp tục là điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư trong tương lai.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 Thái Bình là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, thời gian tới Ban sẽ tập trung tham mưu và thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?
Công nghiệp được xác định là một trong 4 trụ cột tăng trưởng của Thái Bình. Tỉnh chủ trương phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; phát huy các tiềm năng, thế mạnh đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục phát huy cao vai trò và hiệu quả hoạt động trong thực thi các nhiệm vụ được giao. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách, chủ trương phát triển KKT, các KCN; giám sát, đôn đốc các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng KCN sau khi được bàn giao đất; nâng cao hiệu quả sử dụng đất công nghiệp, chú trọng quản lý môi trường, quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực,... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là giải quyết TTHC nhằm tháo gỡ phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh nhất về thời gian cho nhà đầu tư.
Song song với đó, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp; quan tâm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nhằm bảo đảm doanh nghiệp, KCN phát triển bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thành (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI