10:14:06 | 2/10/2024
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã khai thác tốt lợi thế của nền nông nghiệp, tiếp tục phát triển, duy trì tăng trưởng và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản không ngừng tăng trưởng, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản trên thế giới. Để có thêm thông tin về “nền nông nghiệp bền vững”, phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Khái niệm “Nông nghiệp bền vững” đã được pháp lý hóa tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông có nhận định như thế nào về những nỗ lực của người nông dân, doanh nghiệp cũng như của ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững nền nông nghiệp?
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường, nhưng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt được các kết quả nổi bật: GDP toàn ngành tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 3,83%; giá trị xuất khẩu đạt hơn 53 tỷ đô la Mỹ, tiếp tục khẳng định vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ những kết quả đạt được chúng ta có thể thấy được ngành nông nghiệp Việt Nam thích ứng khá nhanh, các cộng đồng doanh nghiệp, người nông dân của đã có phản xạ khá tốt trước những biến động của thị trường trong nước và quốc tế. Mặc dù ở một số lĩnh vực của ngành như thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi ở những thời điểm nhất định còn có những khó khăn nhưng nhờ có sự quan tân của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách linh hoạt mở cửa thị trường, liên tục có những cuộc xúc tiến, hội nghị trực tuyến giữa các nước, các thị trường lớn, sự hỗ trợ các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài... nên về cơ bản những tiềm năng của chúng ta được phát triển.
Bên cạnh đó, nền nông nghiệp Việt Nam đã kích hoạt được tư duy thuần lúa. Nông nghiệp không phải là nông nghiệp chỉ trồng trọt chăn nuôi mà tích hợp đa giá trị, tạo sự kết để thúc đẩy được giá trị cao hơn. Các sản phẩm OCOP và chứng nhận sản phẩm OCOP đó chính là sự tích hợp đa giá trị, sản phẩm nông nghiệp không còn bán thô nữa mà chúng ta tích hợp những tài nguyên bản địa tạo ra được những dòng sản phẩm mới, chỉ cần thay đổi tư duy, thay đổi sản xuất sẽ tạo ra được sản phẩm thích ứng cho các phân khúc của thị trường khác nhau. Đó là cơ hội để Việt Nam tiến tới một ngành nông nghiệp vững vàng, một nền nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên và nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hệ sinh thái.
Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định phát triển 3 cấp độ thương hiệu gồm: thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực quốc gia; thương hiệu nông sản chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm OCOP với nhóm nông sản quy mô nhỏ. Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã có những định hướng như thế nào?
Xây dựng thương hiệu cho nông sản có vai trò rất lớn trong việc gia tăng giá trị đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng của sản phẩm truyền thống, sản phẩm bản địa, góp phần nâng cao vị thế và giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Mặc dù đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, nhưng Việt Nam đang xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, nhưng chủ yếu là dưới dạng thô, trên 90% lượng hàng hoá vào thị trường thế giới vẫn phải thông qua trung gian bằng các nhãn hiệu hàng hoá của nước ngoài. Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới, nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.
Việc xây dựng thương hiệu nông sản và đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ đối với nhiều nông sản chủ lực đang gặp vướng mắc về mặt pháp lý và kinh phí. Đến nay, mới có 2/13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm: nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và gạo Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu). Các sản phẩm như cà phê, tôm, cá tra... đang trong quá trình xây dựng.
Về xây dựng thương hiệu vùng, miền, địa phương, đến nay có 130 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam. Tính đến giữa năm 2023, có 626 sản phẩm nông sản được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận địa phương; gần 1.900 nông sản được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành nghị định về xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Bộ cũng tiến hành xây dựng thương hiệu cho xoài và sầu riêng, vì hai loại nông sản này hiện chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Việt Nam đang trở thành “địa chỉ xanh”, thu hút nhiều dự án quốc tế thúc đẩy các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững. Ông kỳ vọng như thế nào về tương lai của các doanh nhân nông nghiệp, nông dân và hợp tác xã?
Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chính những định hướng này đã tạo ra cảm hứng lớn cho cộng đồng quốc tế. Điều này vừa giúp chúng ta huy động được các nguồn lực hỗ trợ, đồng thời xây dựng hình ảnh Việt Nam là đối tác thân thiện, có trách nhiệm với các vấn đề của toàn cầu.
Qua quá trình hội nhập kinh tế quốc tế kéo dài, các doanh nhân nông nghiệp, nông dân và HTX của Việt Nam đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, từ đó trở nên tự tin hơn khi tham gia vào thị trường quốc tế. Trước đây, chúng ta chủ yếu tập trung vào các thị trường gần, dễ tính nhưng hiện tại, nông sản Việt Nam đã vươn xa hơn đến những thị trường xa, khó tính hơn. Đa phần các thị trường lớn đều đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe, nhưng các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam ngày càng chủ động trong việc đáp ứng các yêu cầu đó.
Bộ NN-PTNT đã thiết lập các cơ chế thông tin nhanh chóng, giúp truyền tải các quy định và yêu cầu từ thị trường quốc tế đến địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội thông qua các phương tiện truyền thông, diễn đàn và hội thảo. Điều này giúp các bên liên quan nắm bắt kịp thời các quy định mới và thực hiện tốt hơn các yêu cầu từ thị trường quốc tế.
Đặc biệt, khi đối mặt với các động thái không có lợi từ thị trường, chẳng hạn như việc áp dụng các tiêu chuẩn mới hoặc những biện pháp trừng phạt thương mại, Bộ NN-PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, các bên liên quan và các hiệp hội ngành hàng để xử lý. Sự hợp tác này nhằm đảm bảo rằng giữa hai Chính phủ có thể giải quyết những nút thắt một cách hiệu quả và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Về dài hạn, Việt Nam cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, xây dựng quy hoạch ổn định và giám sát nguồn cung phù hợp cho các thị trường. Cần cân đối giữa năng lực sản xuất và nhu cầu tiêu dùng, tránh những cú sốc ngắn hạn dẫn đến sự phát triển không bền vững, như tình trạng “chặt - trồng - chặt” đang là một vấn đề khó giải quyết trong nhiều ngành hàng hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)