14:00:55 | 30/9/2024
Thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh là yêu cầu quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương của Việt Nam về công tác chuyển đổi số; phù hợp với xu thế và tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan.
Chuyển đổi số - nhiệm vụ trọng tâm
Mới đây Tổng cục hải quan đã tổ chức sơ kết công tác chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan; giới thiệu mô hình nghiệp vụ tổng thể Hải quan số, Hải quan thông minh và phổ biến các quy định mới về quản lý tài chính.
Lãnh đao Tổng cục Hải quan nhấn mạnh việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan là yêu cầu nhiệm vụ quan trọng và cũng là xu thế của Hải quan các nước phát triển và là mục tiêu đặt ra trong tiến trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam.
Vì vậy, thời gian qua, ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực và đạt những kết quả đáng ghi nhận trong công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu về thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh, nhiệm vụ đặt ra vẫn hết sức nặng nề, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa của công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành.
Lãnh đạo ngành Hải quan yêu cầu trong thời gian tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành Hải quan phải tiếp tục nghiêm túc quán triệt các văn bản chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số. Đặc biệt là khẩn trương thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng đã đề ra.
3 nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số của ngành Hải quan
Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành báo cáo kết quả triển khai công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm và định hướng 6 tháng cuối năm 2024 của Tổng cục Hải quan.
Những tháng đầu năm 2024, Tổng cục Hải quan tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt về công tác chuyển đổi số, trong đó đã ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản chỉ đạo, điều hành về kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp chỉ đạo triển khai về chuyển đổi số…
Theo Cục trưởng Lê Đức Thành, 3 nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thực hiện chuyển đổi số của ngành Hải quan gồm: xây dựng hệ thống công nghệ thông tin; triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06 của Chính phủ); triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
Ngoài ra, ngành Hải quan đã nỗ lực đảm bảo an ninh, an toàn cho Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh; xây dựng và triển khai Hệ thống quản lý văn bản và điều hành cho Tổng cục Hải quan và các cục hải quan địa phương.
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực để triển khai các nội dung về chuyển đổi số và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có khó khăn về nguồn vốn để thực hiện.
Từ nay đến cuối năm, ngành Hải quan tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ về chuyển đổi số như: tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý và quy trình, thủ tục đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Hải quan; tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai cửa khẩu số, cảng biển số; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin; thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN...
Xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh phù hợp với chuẩn mực quốc tế
Cũng tại hội nghị, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn đã giới thiệu mô hình nghiệp vụ tổng thể Hải quan số, Hải quan thông minh.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đặt ra trong xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh.
Công tác quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; hoạt động ổn định, tự động hóa cao hơn các hệ thống hiện hành, khắc phục được các tồn tại bất cập của hệ thống công nghệ thông tin hiện nay, có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới…
Với mục tiêu nêu trên, Hải quan số, Hải quan thông minh sẽ được xây dựng để đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh; hành lý của hành khách xuất nhập cảnh trên nền tảng số, tích hợp các hệ thống vệ tinh đảm bảo việc thực hiện thủ tục hải quan được thực hiện trên 1 hệ thống duy nhất; tạo cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ để vừa đảm bảo công tác quản lý về hải quan, vừa không gây lãng phí nguồn lực, tạo thuận lợi cho người khai hải quan…
Lê Hiền (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI