Hướng đến trung tâm phát triển công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng

09:21:24 | 24/9/2024

Từ một tỉnh thuần nông với tên gọi “quê lúa”, “chị Hai 5 tấn”, những năm gần đây, Thái Bình đã có bước phát triển đột phá trong lĩnh vực công nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Công nghiệp được xác định là một trong 4 trụ cột tăng trưởng chính. Tỉnh phấn đấu trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá, một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại.

Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng

Ông Trần Huy Quân - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết: Xác định bứt phá trong phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo sự lan tỏa, kích thích các lĩnh vực khác tăng trưởng, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy ngành kinh tế trọng điểm này.


Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Theo đó, ngay từ đầu năm, ngành đã chủ động tham mưu tỉnh tổ chức lễ phát động doanh nghiệp (DN) thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; khởi công, khánh thành một số dự án lớn, tạo không khí thi đua sôi nổi. Đồng thời, tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thương mại điện tử để tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất, nhập khẩu.

Kết quả, 6 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới cũng như trong nước, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại Thái Bình vẫn đạt nhiều kết quả khả quan, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của kinh tế toàn tỉnh.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý sau cao hơn quý trước: Quý I/2024 tăng 7,43%; quý II/2024 tăng 15,74% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, IIP tăng 11,78% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó ¾ nhóm ngành công nghiệp cấp I (gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải) tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: IIP quý I tăng 0,7% so với cùng kỳ; quý II tăng lên 3,2% so với cùng kỳ năm 2023. Một số ngành quan trọng tăng cao: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học; sản xuất xe có động cơ. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao: IIP 6 tháng đầu năm tăng 44,2%; giá trị sản xuất tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tồn kho sản phẩm giảm thể hiện qua chỉ số sản xuất và chỉ số tiêu thụ tăng, chỉ số tồn kho giảm: Chỉ số sản xuất tăng 2%; chỉ số tiêu thụ tăng 1,7%; chỉ số tồn kho tại thời điểm ngày 30/6/2024 giảm 4,98% so với cùng thời điểm năm trước. Thu hút đầu tư nước ngoài lĩnh vực công nghiệp đạt khá với 16 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 173 triệu USD.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như: Giày dép; xơ, sợi; gốm, sứ; sắt thép; sản phẩm điện tử;... Cơ cấu hàng xuất khẩu được đảm bảo với nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp luôn chiếm trên 90%. Tăng dần tỷ trọng các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phụ tùng.

Những kết quả này sẽ tạo tiền đề quan trọng giúp tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Phát triển theo hướng hiện đại, tiên tiến

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu: Đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.


Cụm công nghiệp Thụy Sơn có tổng diện tích gần 42ha với tổng vốn đầu tư khoảng 230 tỷ đồng

Theo quy hoạch, Thái Bình phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; phát huy các tiềm năng, thế mạnh, trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có thế mạnh và tạo đột phá như: Năng lượng; cơ khí chế biến, chế tạo; công nghiệp công nghệ cao; điện - điện tử; chế biến sản phẩm nông - lâm nghiệp và thủy sản,… Tiếp tục duy trì các ngành công nghiệp nhẹ, tạo nhiều việc làm, đảm bảo an sinh xã hội như dệt may, da giày, tiểu thủ công nghiệp,...

Tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch và cân bằng lượng phát thải; nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến Condensate; chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình. Ổn định vận hành có hiệu quả 02 nhà máy nhiệt điện hiện có, song song với việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế nhiên liệu than.

Để đạt được những mục tiêu trên, những năm qua, tỉnh đã tập trung khai thác thế mạnh, biến khó khăn thành động lực phát triển. Trong đó, tập trung phát triển quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp. Hiện Thái Bình có 10 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 4 KCN trong Khu Kinh tế Thái Bình và 49 cụm công nghiệp (CCN) đã hình thành trên địa bàn 8 huyện, thành phố với tổng diện tích khoảng gần 3.000ha đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư. Nổi bật và hấp dẫn là Khu Kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập với diện tích là 30.583ha với 22 KCN với diện tích là 8.020ha đất công nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, các sở, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho các DN đầu tư hạ tầng và các nhà đầu tư thứ cấp về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư,… góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thu hút các nhà đầu tư lấp đầy CCN.

Sở sẽ thường xuyên nắm bắt tình hình thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp phép, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN; phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN. Hỗ trợ DN ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất (giai đoạn 2022 - 2024, bằng nguồn vồn khuyến công Sở đã và đang hỗ trợ 48 đơn vị ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất), tham gia hội chợ, triển lãm, các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để nghiên cứu, mở rộng thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tính đến ngày 31/7/2024, tổng sản lượng điện Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã phát lên lưới điện quốc gia là 6,588 tỷ kWh.

Ngoài ra, định kỳ cung cấp và tư vấn thông tin thị trường bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, đăng tải trên website, phát hành ấn phẩm, phóng sự, tin truyền hình,... Giai đoạn 2022 - 2024, Sở tổ chức 06 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến những lĩnh vực của ngành; Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp đã tổ chức 18 hội nghị tuyên truyền chủ trương, chính sách hỗ trợ, quy trình thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và chương trình tiết kiệm năng lượng; 02 hội nghị tập huấn nâng cao nghiệp vụ kinh doanh, nghiệp vụ xúc tiến thương mại; 03 hội nghị tập huấn chuyển đổi số cho các DN,...

Đối với thông tin liên quan đến các hiệp định thương mại tự do (FTA), Sở Công Thương triển khai phổ biến nội dung ngay sau khi tiếp nhận được thông tin bằng nhiều hình thức. Cụ thể: Tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền về các FTA Việt Nam đã ký kết; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài; cung cấp thông tin rộng rãi trên các trang thông tin điện tử của ngành, trang tin điện tử “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (http://tuhaoviet.vn); và Cổng thông tin thị trường nước ngoài (http://vietnamexport.com),...

Ngọc Anh   (Vietnam Business Forum)