Đưa Cà Mau vươn lên phát triển nhanh, mạnh, đột phá và bền vững

08:54:08 | 18/9/2024

Xác định được vai trò, tầm quan trọng của quy hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau đã tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 16/11/2023. Quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực mới để tỉnh vươn lên phát triển nhanh, mạnh, đột phá và bền vững hơn trong thời gian tới. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Lâm Văn Bi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

Việc Quy hoạch tỉnh Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa như thế nào đối với chiến lược cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh, thưa ông?

Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 16/11/2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo tiền đề, định hướng phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh Cà Mau trong chặng đường phát triển sắp tới.

Quy hoạch đã tích hợp được những yếu tố mới nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, nổi trội và riêng biệt của tỉnh, giải quyết các khó khăn, thách thức của tỉnh trong giai đoạn trước. Đồng thời, Quy hoạch tỉnh được phê duyệt cũng là căn cứ quan trọng để Cà Mau hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong hiện tại cũng như tương lai. Điều này không chỉ giúp Cà Mau vươn lên bứt phá, phát triển mạnh mẽ mà còn kết nối với các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng như các địa phương trong cả nước cùng phát triển.

Ông có thể phân tích, làm rõ thêm về phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau thành 3 vùng kinh tế, 5 cực tăng trưởng; 2 hành lang kinh tế và các trục phát triển được đưa ra trong Quy hoạch của tỉnh?

Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập với tinh thần đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch, dựa trên các tiềm năng, lợi thế kinh tế riêng có của tỉnh. Đồng thời, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Theo Quy hoạch, tỉnh Cà Mau tập trung phát triển 3 vùng kinh tế, 5 cực tăng trưởng, 2 hành lang kinh tế và các trục liên kết phát triển. Cụ thể phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội gồm 3 vùng kinh tế và 5 cực tăng trưởng gồm: Vùng phát triển dịch vụ - đô thị - công nghiệp trung tâm (với cực tăng trưởng là Tp.Cà Mau); Vùng phát triển đô thị - công nghiệp - kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Tây (với cực tăng trưởng là đô thị Sông Đốc); Vùng phát triển công nghiệp - đô thị - kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Đông (với các cực tăng trưởng là đô thị Năm Căn gắn với Khu kinh tế Năm Căn, đô thị Tân Thuận và đô thị Đất Mũi gắn với Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai).

Tổ chức liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua hình thành 02 hành lang kinh tế và các trục liên kết phát triển: Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Tp.Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Đất Mũi); Hành lang kinh tế Đông - Tây (Tân Thuận - Đầm Dơi - Sông Đốc).

Về các trục liên kết phát triển tạo không gian kết nối, thông suốt gồm: Trục Quốc lộ 1: là trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia đi xuyên qua trung tâm Tp.Cà Mau và về đến Năm Căn; Trục kinh tế - đô thị Quốc lộ 63: nối Tp.Cà Mau và đi về cửa khẩu Xà Xía (Kiên Giang); Trục kinh tế - đô thị biển ven biển phía Nam nối Tp.Cà Mau với thành phố Rạch Giá (Kiên Giang); Trục kinh tế biển, ven biển: khả năng kết nối với đường biển quốc tế và quốc gia; Trục kinh tế - đô thị nội vùng: Từ Tp.Cà Mau đi Sông Đốc, thị trấn Đầm Dơi và kết nối với cảng Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu) và Trục kinh tế đường thủy Quốc gia.

Về phát triển kinh tế biển, Quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về thế mạnh kinh tế biển của Cà Mau cũng như định hướng phát triển ngành kinh tế động lực này trong thời gian tới?

Cà Mau là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km; vùng biển rộng lớn với 03 cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc), là một trong 04 ngư trường trọng điểm của cả nước (80.000 km2) với nguồn lợi thủy sản phong phú, diện tích nuôi tôm lớn nhất nước (khoảng 300.000 ha). Sản lượng tôm của tỉnh Cà Mau lớn nhất cả nước với kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 01 tỷ USD. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời, điện khí) và khu kinh tế biển.

Để phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh kinh tế biển, xây dựng và phát triển Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của vùng và của cả nước; trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, bao gồm cả hạ tầng các đô thị ven biển, ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến đường bộ kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển liên kết vùng; các tuyến vận tải đường biển kết nối Cà Mau với các trung tâm kinh tế, khu kinh tế, các cụm đảo, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, kinh tế đảo. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; hoàn thiện hệ thống thông tin tàu cá nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó rủi ro trên biển, cứu hộ, cứu nạn. Phát triển công nghiệp cơ khí, đóng, sửa chữa tàu, thuyền ở các cửa biển: Sông Đốc, Khánh Hội, Rạch Gốc; đồng thời, rà soát, triển khai đầu tư xây dựng các điểm, cụm công nghiệp: Tân Thuận, Rạch Gốc, Cái Đôi Vàm, Khánh Hội,… Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ của Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Song song đó tỉnh Cà Mau cũng sẽ chú trọng tái cơ cấu khai thác thủy sản theo hướng bền vững. Tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên biển, trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với các vùng biển, với môi trường tự nhiên và nguồn lợi hải sản. Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động khai thác thủy sản có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, các nghề cấm khai thác sang các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, ngành nghề du lịch, nuôi trồng thủy sản. Đầu tư hạ tầng sản xuất giống hải sản, vùng nuôi hải sản ven biển, đảo (cá biển, nhuyễn thể và rong, tảo biển,...). Hoàn thiện các cơ chế chính sách, bổ sung quy hoạch điện gió, điện mặt trời phù hợp với điều kiện của tỉnh, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên biển, đảo. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời tăng cường xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; bảo đảm xử lý tốt các tình huống xảy ra không để bị động, bất ngờ; phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển.

Cà Mau phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%/năm, quy mô GRDP năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020. Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đề ra những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm nào, thưa ông?

Để đạt được mục tiêu trên, chúng tôi dành ưu tiên cho việc triển khai Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh Cà Mau so với các địa phương khác. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng và nâng cao năng suất, chất lượng và thích ứng của nền kinh tế. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế, khu - cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, hạ tầng hệ thống thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Mở rộng các hình thức đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và phương thức đầu tư khác phù hợp.

Nhằm phát triển bền vững kinh tế biển gắn với khai thác hiệu quả, tỉnh cũng sẽ triển khai thủ tục đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển Cà Mau bao gồm: Bến cảng Hòn Khoai (tại đảo Hòn Khoai, huyện Ngọc Hiển), Cảng Năm Căn (huyện Năm Căn), Cảng Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) theo Quy hoạch. Tiếp tục rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, sớm ban hành cơ chế chính sách đặc thù của vùng ĐBSCL; trong đó, có chính sách riêng cho tỉnh Cà Mau. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tạo niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Đồng thời tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trân trọng cảm ơn ông!

Công Luận (Vietnam Business Forum)