Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin thống kê

15:02:59 | 23/9/2024

Thời gian qua, ngành Thống kê Thái Bình đã tích cực triển khai các giải pháp, bảo đảm thông tin thống kê đầy đủ, toàn diện, khách quan, trung thực, chính xác. Từ đó, phục vụ kịp thời công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch, chính sách và chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như các cấp, ngành.


 Ông Tăng Bá Phúc, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Bình phát biểu tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024

Nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin

Ông Tăng Bá Phúc, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Bình cho biết: Những năm gần đây, các sản phẩm của ngành Thống kê được cải thiện cả về hình thức và nâng cao chất lượng nội dung. Phần lớn thông tin thống kê được thu thập đầy đủ, sát thực tiễn, có tính chuyên môn cao, là căn cứ quan trọng để các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành xây dựng chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng cao của các đối tượng dùng tin.

Năm 2023, Cục Thống kê tỉnh đã triển khai 26 cuộc điều tra thường xuyên thuộc các lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp; doanh nghiệp, thương mại, dịch vụ, dân số…; hoàn thành tốt các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực thống kê kinh tế; thống kê xã hội. Tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, cơ quan thu thập thông tin, tổng hợp, định kỳ báo cáo các chỉ tiêu thống kê.

“Ngành Thống kê Thái Bình đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh chia sẻ ngày càng có hiệu quả trong thống kê các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giúp lãnh đạo tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành”.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải 

Xác định con người là yếu tố cốt lõi, Cục thường xuyên củng cố bộ máy, tăng cường cán bộ và bồi dưỡng về mọi mặt, nhất là nghiệp vụ thống kê. Trong đó, chú trọng tuyên truyền các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết, chỉ thị của UBND tỉnh,… đồng thời cử cán bộ, nhân viên tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn của Tổng cục Thống kê Việt Nam,…

Song song với đó, Cục cũng chủ động phối hợp với Sở Nội vụ đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm công tác thống kê của các sở, ngành, huyện, thị trấn và các xã trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, khắc phục, sửa chữa những hạn chế trong hoạt động thống kê.

Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số, Cục triển khai xây dựng và áp dụng nhiều phần mềm nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng trong hoạt động thống kê. Hiện nay, hầu hết các cuộc điều tra đều được thay thế phiếu giấy và nhập tin thủ công bằng phiếu điều tra điện tử (CAPI, Webform) hoặc công nghệ quét (scan), phát triển các phần mềm xử lý kết quả các cuộc điều tra,... Thông qua đó, giảm bớt thời gian, chi phí thu thập thông tin, nâng cao chất lượng số liệu, tăng tính minh bạch và chặt chẽ của quy trình sản xuất thông tin thống kê, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh

Với việc quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh đồng thời chủ động tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, những năm gần đây, kinh tế - xã hội Thái Bình có bước tăng trưởng nhanh, bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đóng góp trong thành công đó, có vai trò không nhỏ của Cục Thống kê trong việc cung cấp các thông tin, dữ liệu phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh.

Theo đó, Cục đã triển khai có hiệu quả Luật Thống kê; Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hệ thống chỉ tiêu thống kê 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Chủ động thực hiện tốt kế hoạch thống kê hàng năm; tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh bổ sung các thông tin cần thiết, đáp ứng kịp thời việc đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu.

Bên cạnh đó, thường xuyên xây dựng và cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế, góp phần gia tăng giá trị của báo cáo thống kê. Biên soạn và đáp ứng kịp thời các báo cáo, số liệu thống kê phục vụ phiên họp thường kỳ của tỉnh và sử dụng trong xây dựng kịch bản phục hồi, hỗ trợ nền kinh tế. Thực hiện tốt các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê; hợp tác, chia sẻ hiệu quả thông tin thống kê cho các sở, ban, ngành và các địa phương, phục vụ công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Thái Bình đạt 7,96%, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố; thu hút đầu tư đạt kết quả tốt (thu hút vốn đầu tư tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2023); thu ngân sách nhà nước cao hơn cùng kỳ năm 2023

Theo Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tăng Bá Phúc, với sự phát triển của Khu kinh tế Thái Bình, đặc biệt là dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) đoạn qua Thái Bình sắp được triển khai, không gian cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh thời gian tới là rất lớn. Để khai thác tốt các cơ hội này, tỉnh cần tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn về hạ tầng, trong đó bao gồm cả hạ tầng về nhận thức, hạ tầng về quyết tâm chính trị, chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Dưới góc độ ngành, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Cục sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, tăng cường tuyên truyền Luật Thống kê và các văn bản pháp luật liên quan nhằm nâng cao nhận thức về công tác thống kê, tập trung nâng cao chất lượng các cuộc điều tra và báo cáo thống kê. Chú trọng thu thập dữ liệu hành chính từ các sở, ban, ngành ở địa phương, các cuộc điều tra trong kế hoạch, bảo đảm chất lượng thông tin thu thập.

Hiện tỷ lệ công chức là thống kê viên chính của Cục Thống kê tỉnh Thái Bình đạt tỷ lệ cao (13/74); xếp loại thi đua của ngành 5 năm trở lại đây luôn ở trong Top 20 cả nước, năm 2023 đứng thứ 16 trong các cục thống kê cả nước.

Tiếp tục nâng cao công tác phân tích, thống kê, phản ánh kịp thời và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, của từng ngành, lĩnh vực. Qua đó, tạo cơ sở quan trọng phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và đáp ứng nhu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu thập và xử lý thông tin thống kê. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến thông tin thống kê để tuyên truyền hiệu quả,…

Song song với đó, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong hoạt động thống kê, nhất là kết nối, cung cấp, phổ biến, chia sẻ thông tin thống kê nhằm thiết lập hệ thống thông tin đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, có giá trị sử dụng cao. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức làm công tác thống kê.

Bình Minh (Vietnam Business Forum)