09:16:26 | 18/10/2024
Chuyển đổi số (CĐS) ở Yên Bái là câu chuyện về sự sáng tạo, bài bản, kiên trì và rất quyết liệt, từng bước đưa CĐS từ nhận thức chuyển thành hành động. Tỉnh luôn nhất quán phương châm “CĐS phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”.
Đồng bộ “từ trên xuống, từ dưới lên”
Ông Nguyễn Thúc Mạnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết: Yên Bái xác định CĐS là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; là cơ hội để một tỉnh nghèo dù “đi sau”, nhưng có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Xuất phát từ tinh thần và nhận thức ấy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ và nhân dân đã đặt quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện CĐS.
Ký kết hợp tác phát triển dịch vụ, sản phẩm số giữa doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số tỉnh với tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã tại Yên Bái
Trong đó, điển hình là việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 về CĐS giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến năm 2030. Để đưa Nghị quyết 51 vào cuộc sống, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành 76 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, như: Chương trình hành động số 15/CTr-UBND ngày 26/10/2021 của UBND tỉnh; Quyết định số 2015/QĐ-UBND ngày 03/10/2023 của UBND phê duyệt Đề án CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2030,...
Trong các văn bản đều xác định rõ nội dung cần thực hiện, phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với lộ trình thời gian thực hiện và có sản phẩm chứng minh. Đặc biệt, không chỉ “đuổi kịp, tiến cùng”, có những chính sách còn đi trước cả nước như Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ CĐS giai đoạn 2022 - 2025.
“Đây là các văn bản có ý nghĩa quan trọng, thể hiện rõ quyết tâm; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để CĐS toàn diện”, ông Nguyễn Thúc Mạnh chia sẻ thêm.
Tỉnh đã chỉ đạo thành lập, tổ chức hoạt động 1.529 Tổ CĐS cộng đồng tại 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố với 10.851 thành viên; 100% sở, ban, ngành thành lập và duy trì hoạt động Câu lạc bộ CĐS. Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước (cùng Lạng Sơn, Thái Nguyên) thành lập được 100% Tổ CĐS cộng đồng cấp xã, thôn. Các hoạt động cụ thể như: Tổ chức các chương trình tháng cao điểm về CĐS, tuần cao điểm về CĐS, ngày hội CĐS, hướng dẫn người dân cài đặt sử dụng nền tảng công dân số tỉnh Yên Bái (Yên Bái - S), tổ chức các hội nghị, hội thảo, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp lớn thúc đẩy CĐS,… Nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo về CĐS: Huyện Văn Yên công nhận gần 9.000 người dân là công dân số; mô hình “Ngày thứ 5 trực tuyến” của thành phố Yên Bái; thí điểm dán nhãn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chè Shan Tuyết tại xã Suối Giàng,...
Cùng với chính quyền, người dân cũng đã thay đổi tư duy, nhận thức, dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS, với các hoạt động như: Giao dịch điện tử, sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế điện tử, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa,…
Hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số
Nhờ tinh thần quyết liệt và những cách làm bài bản nên mặc dù là tỉnh miền núi, nguồn lực còn hạn chế, nhưng công tác CĐS nói chung và từng mặt, trụ cột của CĐS nói riêng tại Yên Bái đã có bước chuyển biến rõ nét. Đến hết năm 2022, địa phương đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 25 bậc so với năm 2020, đứng thứ 03/63 tỉnh, thành phố về khả năng cải thiện Chỉ số DTI. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành những chỉ tiêu CĐS trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Hiện 100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị được kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công của tỉnh; nền tảng quản lý văn bản và điều hành đã cấp gần 12.000 tài khoản sử dụng, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương (khối cơ quan nhà nước) thực hiện chức năng báo cáo điện tử (ký số). Ngoài ra, đã hoàn thành số hóa, cập nhật, đồng bộ 24.352 (đạt 100%) hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; phòng họp không giấy tờ được triển khai mạnh mẽ,… Năm 2021, thành phố Yên Bái đã đưa vào vận hành Trung tâm IOC, hướng đến hoàn thành mục tiêu xây dựng công dân số trong nền kinh tế số và xã hội số.
Kinh tế số có bước tăng trưởng khá, tỷ trọng kinh tế số/GRDP đạt 12,2%. Đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số đạt 100%; tỷ trọng kinh tế số trong ngành, lĩnh vực đạt bình quân 5,73%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 9,3%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 1,6%.
Tỉnh đã cấp được 89 mã số vùng trồng, hỗ trợ đưa gần 5.000 sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử. Mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai tại 9/9 huyện, thị xã thành phố, với hơn 600 điểm quét mã QR thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 68,72%.
Bên cạnh đó, xã hội số phát triển mạnh mẽ. Đã có 04 đơn vị triển khai nền tảng bệnh án điện tử; 200 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai việc khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân có gắn chíp và ứng dụng VNeID; 100% cơ sở y tế thực hiện thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực giáo dục, 410/442 trường (đạt 92,8%) triển khai sử dụng phần mềm quản lý trường học; 100% trường học sử dụng, cập nhật định kỳ, đúng quy định dữ liệu trên phần mềm cơ sở dữ liệu ngành; 100% trường phổ thông sử dụng ổn định sổ điểm, học bạ điện tử;… Có trên 65% người trưởng thành thường xuyên truy cập, sử dụng ứng dụng "Yenbai-S".
Thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế CĐS. Thúc đẩy ứng dụng các công nghệ số mới vào hoạt động phục vụ chỉ đạo, điều hành, quản lý của cơ quan nhà nước; hoạt động của doanh nghiệp và người dân (công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI, chuỗi khối - Blockchain, dữ liệu lớn- BigData, Internet vạn vật – IoT,…). Đẩy mạnh thu hút; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức,…
“Yên Bái kỳ vọng đẩy nhanh tiến trình CĐS, quyết tâm “CĐS để người dân hạnh phúc hơn”, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, ông Nguyễn Thúc Mạnh khẳng định.
Hương Giang (Vietnam Business Forum)