Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa từ thủ công mỹ nghệ

11:33:57 | 20/10/2024

Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, thủ công mỹ nghệ được xác định là một trong số 12 ngành trọng tâm để phát triển công nghiệp văn hóa.


Lụa tơ sen

Hà Nội sở hữu những giá trị tiêu biểu, trong đó có “tính độc đáo của muôn nghề”. Việc tập trung khơi dậy tinh hoa nghề thủ công mỹ nghệ cho thấy hướng đi đúng của Thủ đô trong việc đưa Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 22/2/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đã xác định một trong sáu lĩnh vực ưu tiên đầu tư, phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, chính là thủ công mỹ nghệ.

Nguồn lực lớn

Thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội được đánh giá là ngành đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của TP, có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này hiện đang mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng thủ công để Thủ đô tập trung phát triển trong những năm tới. Thậm chí, thủ công mỹ nghệ còn được kỳ vọng là ngành “tạo cảm hứng”, tạo động lực, có tính tiên phong dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa khác.

Đối với các ngành đòi hỏi nhiều sự đổi mới sáng tạo, khiếu thẩm mỹ, cảm hứng nghệ thuật như thủ công mỹ nghệ thì yếu tố con người càng đóng vai trò quan trọng.Hà Nội có lợi thế lớn ở việc sở hữu một đội ngũ đông đảo các nghệ nhân, thợ thủ công chăm chỉ, tài khéo và năng động. Theo thống kê chính thức, Hà Nội là địa phương có số nghệ nhân đông đảo nhất, chiếm 47/52 nghề thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc, gồm: sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ, mây tre đan...Đội ngũ nghệ nhân, thợ thủ công ở Hà Nội đa phần đều tài hoa, có năng khiếu, hậu duệ của nhiều dòng họ làm nghề lâu đời, vừa được trao truyền những kinh nghiệm, bí quyết nghề nghiệp của các thế hệ đi trước, vừa rất năng động, sáng tạo trong đón nhận, tiếp thu cái mới, thành tựu khoa học - công nghệ.

Nhờ thế mạnh của nguồn lực con người, những năm qua, thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu khả quan. Mỹ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất với doanh số chiếm khoảng 35% kim ngạch xuất khẩu hằng năm. Ngoài ra là các thị trường khác như: Nhật Bản, Liên minh châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan), Australia, Hàn Quốc. Sản phẩm gốm sứ, đồ mộc được tiêu thụ với khối lượng ngày càng lớn ở Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Nhật, còn sản phẩm khảm trai, ốc, mây tre đan được tiêu thụ rộng khắp ở châu Âu...


Dâu tằm tơ Mỹ Đức

Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó có 308 làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề nổi tiếng như: lụa Vạn Phúc (Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), thêu Quất Động và sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (Phú Xuyên) cùng hàng loạt làng gốm, làng chiếu, làng lụa, làng chạm gỗ, làng đồ đồng, đồ chạm bạc, thêu ren... Trong đó số lượng lớn là các làng chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, một trong sáu lĩnh vực công nghiệp văn hóa có thế mạnh mà TP ưu tiên phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025

Việc phát triển các làng nghề gắn với công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần giữ nghề, làm giàu từ nghề mà còn thúc đẩy phát triển văn hóa, góp phần tạo nên bản sắc, thương hiệu của Thủ đô Hà Nội. Thông qua bản sắc, thương hiệu đó sẽ góp phần định vị vị trí của Hà Nội trên trường quốc tế, Thủ đô nghìn năm văn hiến, TP Vì hòa bình, TP sáng tạo. Vì thế, việc khơi thông nguồn lực văn hóa để phát triển TP Hà Nội bền vững là hết sức quan trọng.

Trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn

Sở hữu nhiều làng nghề, phố nghề và trong từng làng nghề, phố nghề lại có đội ngũ những nghệ nhân, người thợ tài hoa, giàu tâm huyết nhưng lâu nay, những giá trị của các làng nghề, phố nghề Hà Nội còn chưa được khai thác hết tiềm năng. Nói cách khác, việc khai thác là chưa xứng tầm. Một thời gian dài, chúng ta đã để cho các làng nghề “tự bơi”, mạnh ai lấy làm, thiếu một “nhạc trưởng” để các làng nghề vừa phát huy thế mạnh riêng có, vừa có thể đứng chung để làm phong phú hơn, đáp ứng những tiêu chí, mong muốn chung.

Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cho rằng nếu như làng nghề không bám vào văn hóa và không nắm được du lịch thì làng nghề sẽ không hợp với sự hội nhập hiện nay. Nơi nào làng nghề phát triển tốt, nơi đó an ninh trật tự tốt, ít có sai phạm và tạo được việc làm cho thanh niên.

Trong khi đó, GS.TS Từ Thị Loan - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, nhìn nhận thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội đang góp phần hình thành hàng ngàn nhà sản xuất, Hà thương gia, nhà xuất khẩu và các công ty dịch vụ. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Thủ đô đang từng bước “lột xác” để trở thành món đồ sáng tạo có giá trị cao, xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. “Để củng cố và phát triển bền vững ngành Thủ công mỹ nghệ tại Nội như một nguồn vốn văn hóa, chúng ta cần có một chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ thiết thức và hiệu quả. Công việc này, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ sở sản xuất, các làng nghề, sự tham gia của các Hiệp hội, thì rất cần sự hỗ trợ quản lý, điều tiết vĩ mô thống nhất của Nhà nước, sự liên kết phối hợp giữa các sở ngành, cơ quan chức năng thì mới có thể đi tới thành công và phát triển bền vững được đánh giá là ngành đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của thành phố, có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết,  Hà Nội phấn đấu tới năm 2025 sẽ hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP quốc gia gắn với du lịch văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa. Việc tích hợp thêm nhiều giá trị cho làng nghề như phát triển du lịch, trải nghiệm cho du khách là hết sức quan trọng.

Có thể khẳng định, làng nghề, phố nghề vừa là nơi lưu giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, vừa là những cơ sở kinh tế hết sức quan trọng. Vì thế, phát triển công nghiệp văn hóa từ các làng nghề truyền thống của Hà Nội cần được tiếp tục đẩy mạnh, tạo thêm những sức mạnh để định hình, phát triển công nghiệp văn hóa cho Thủ đô.

Đình Bảo (Vietnam Business Forum)

Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội