09:57:28 | 10/7/2024
Làng Đông Cửu thuộc xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội là làng thêu truyền thống nổi tiếng với những bộ trang phục hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Kỹ thuật thêu của người dân nơi đây đòi hỏi sự tỉ mỉ và tay nghề cao
Nghề thêu truyền thống của làng Đông Cửu đã tồn tại qua hàng trăm năm. Người dân nơi đây vẫn gìn giữ và phát huy kỹ thuật thêu phục chế long bào, góp phần bảo tồn di sản văn hóa quý giá của dân tộc và duy trì sự phát triển của làng nghề truyền thống.
Dấu ấn đặc trưng cổ truyền.
Làng nghề thêu Đông Cửu được khai sinh bởi ông tổ nghề thêu Lê Công Hành. Tương truyền rằng, tiến sĩ Lê Công Hành đã học được nghề thêu khi đi sứ phương Bắc rồi về truyền dạy cho người dân quê mình là làng Quất Động và các làng lân cận, trong đó có làng Đông Cửu.
Nghề thêu ở Đông Cửu có nguồn gốc từ nghề bắt nét kim tuyến vô cùng độc đáo. Nghệ nhân thường sử dụng kỹ thuật này để thêu đường viền, giúp các họa tiết trở nên sắc sảo hơn. Kỹ thuật bắt nét kim tuyến đòi hỏi sự kỳ công, theo đó, người thợ sẽ đặt sợi kim tuyến trên mặt vải, theo đường mẫu có sẵn và chặn bằng sợi tơ. Sợi tơ được thêu lên, xuống và luôn vuông góc với sợi kim tuyến để cố định vị trí. Nếu không, nét thêu sẽ bị chệch khỏi đường in mẫu.
Trước hết, phải nói về kỹ thuật thêu của làng Đông Cửu. Kỹ thuật thêu của người dân nơi đây đòi hỏi sự tỉ mỉ và tay nghề cao. Các nghệ nhân làng Đông Cửu sử dụng những kỹ thuật thêu đặc biệt để tạo ra những sản phẩm có độ tinh xảo và chiều sâu vượt trội.
Có thể kể đến ở đây là kỹ thuật thêu móc, một trong những kỹ thuật đặc trưng của làng Đông Cửu. Người thợ dùng kim móc để tạo ra những đường nét mềm mại, uyển chuyển trên bề mặt vải. Kỹ thuật này thường được sử dụng để thêu các hoa văn truyền thống như hoa sen, rồng, phượng, tạo nên vẻ đẹp sống động và sâu sắc cho từng sản phẩm.
Sự tỉ mỉ không chỉ ở lúc thêu mà trước đó các công đoạn như chọn chỉ tơ, chọn sợi kim tuyến, vẽ mầu, sáng tạo hình ảnh, in kiểu lên vải cũng vô cùng cầu kỳ, tỉ mẩn. Tuy là một màu chỉ, một mũi kim nhưng với bàn tay của các nghệ nhân, các đường viền có gì đó mềm mại, uốn lượn và nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với các sản phẩm thêu ở nơi khác
Thậm chí, ở làng Đông Cửu mỗi nghệ nhân lại có một thế mạnh riêng, ví dụ như nghệ nhân Vũ Văn Giỏi chuyên thêu long bào, áo ngự, nghệ nhân Nguyễn Đắc Bảy thêu quạt vải; nghệ nhân Nguyễn Bá Tuy được biết đến với những sản phẩm hia, hài, nón thờ mẫu…
Thêu long bào Đông Cửu
Theo nghệ nhân Vũ Văn Giỏi: thêu theo kiểu hiện đại hoặc tự do người thợ tự điều chỉnh mũi kim, sợi chỉ miễn sao cho ra được hình hài rõ ràng, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Còn theo lối cổ thì có quy thức rõ ràng và buộc phải tuân theo, các mũi thêu có một chiều thống nhất, cách rút kim, đẩy kim thẳng, nghiêng cũng có quy định rõ, chính vì thế một người thợ muốn thành thạo được một công được lối thêu cổ thì phải học nghề ít nhất 5 năm.
Rất hiếm người nào thạo được toàn bộ các công đoạn vì áo thờ thành hoàng làng, áo ngự thường phải ứng dụng nhiều kiểu thêu khác nhau, vì vậy mà để làm ra một tác phẩm hoàn hảo có lần nghệ nhân Vũ Văn Giỏi phải mất đến gần 2 năm, độ bền của áo ngự đó thường lên đến vài trăm năm. Công lao bỏ ra nhiều, tuy bán với mức giá trăm triệu cũng không lãi bao nhiêu, âu cũng là lòng yêu nghề tổ tiên để lại cũng như góp sức gìn giữ những giá trị truyền thống xưa để lại của các nghệ nhân làng Đông Cửu.
Nỗ lực bảo tồn các giá trị làng nghề
Ngày nay, bên cạnh việc tạo ra những sản phẩm thêu độc đáo phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, làng Đông Cửu còn là điểm đến hấp dẫn thu hút các du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm các sản phẩm của làng. Để nâng tầm giá trị làng nghề, trong tương lai, địa phương mong muốn xây dựng khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm thêu tay tinh xảo đến du khách, góp phần gìn giữ và lan tỏa di sản văn hóa quý giá của cha ông.
Nghề thêu nơi đây không chỉ là một nghề thủ công mà còn là biểu tượng của văn hóa truyền thống Việt Nam. Các sản phẩm thêu không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc. Những họa tiết thêu, từ rồng phượng đến hoa văn truyền thống đều mang ý nghĩa tượng trưng cho uy quyền, sự thanh cao và phồn thịnh. Những họa tiết này được thêu tỉ mỉ và tinh xảo, thể hiện sự khéo léo và óc sáng tạo của người thợ.
Hoa văn chim phượng của làng thêu Đông Cửu
Có thể thấy, kỹ thuật thêu tinh xảo của mảnh đất truyền thống này là sự kết tinh của nghệ thuật dân gian. Mỗi sản phẩm thêu đều là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phản ánh tâm hồn và tình cảm của người nghệ nhân.
Thực tế, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận Nghề thủ công truyền thống thôn Đông Cửu là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, không chỉ giúp bảo tồn tốt hơn làng nghề mà còn mở ra thêm cơ hội phát triển kinh tế du lịch trải nghiệm của địa phương.
Trưởng thôn Đông Cửu Phạm Văn Mến cho biết, toàn làng có 572 hộ thì có tới gần 90% số hộ làm nghề thêu, trong đó, hơn 100 cơ sở thêu lớn (10 - 15 thợ thêu trở lên). Ngoài thêu tay, hiện ở Đông Cửu, một số hộ đầu tư vào thêu máy. Trước khi thực hiện cách ly để phòng, chống dịch Covid-19, lúc nào trong thôn cũng tấp nập người đến lao động và giao thương. Ngoài ra, trước dịch Covid-19 làng còn có nhiều khách du lịch nước ngoài đến tham quan, họ đến trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa trang phục của vua chúa nước ta thời xưa.
Giá trị của nghề thủ công truyền thống chính là những nguyên tắc “bất di bất dịch” trong làm nghề. Như với nghề thêu, việc cập nhật mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu thị trường là cần thiết, song không thể phá vỡ lối cổ. Ví dụ, hình ảnh rồng với năm móng vuốt tượng trưng cho uy quyền tuyệt đối, chỉ dành riêng cho vua. Khi thêu phải xoắn chỉ, vừa bắt nét quanh kim tuyến sao cho mềm mại mà vẫn đạt yêu cầu về độ chuẩn xác. Các chi tiết như chân rồng, móng rồng, mép rồng, vị trí hàm rồng không được quá cách tân, làm mất đi nét đặc sắc căn bản của hình tượng.
Mình làm nghề để phục vụ khách hàng là chính, nếu khách hàng không muốn hình ảnh quá quen, quá cũ mà đòi hỏi khác đi, mình không làm thì người ta không tìm đến. Song cũng có những yêu cầu ví dụ thêu bộ cờ ngũ hành mà 3 - 4 lá có đường nét cổ, 1 - 2 lá thêu theo hướng cách tân thì tôi sẽ không làm vì nó phá vỡ quy tắc truyền thống. Đó cũng là thách thức của người làm nghề trong bối cảnh tác động của công nghệ, kỹ thuật, thị trường, biết cái gì sẽ giữ được truyền thống, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi chia sẻ.
Mỗi sản phẩm làm ra là sự kết tinh của tình yêu nghề và nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề thêu cung đình tại làng Đông Cửu là một điều vô cùng trân quý. Với những ngôi làng khác, cây đa, giếng nước, sân đình là mảnh hồn làng, còn đối với làng Đông Cửu, mảnh hồn làng ấy còn gắn liền với nghề thêu cao quý này. Hơn thế nữa, nghề thêu cung đình nơi đây còn là di sản quý giá và là niềm tự hào của người Việt Nam.
Ngọc Minh (Vietnam Business Forum)
Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội