10:46:07 | 6/11/2024
Vượt qua những khó khăn do tác động suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành Du lịch Bạc Liêu vẫn trên đà tăng trưởng vững vàng. Trao đổi với phóng viên Vietnam Business Forum, bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, một trong những nguyên nhân để đạt kết quả nêu trên là nỗ lực làm mới sản phẩm du lịch để tiếp tục định vị thương hiệu du lịch Bạc Liêu nhằm đẩy mạnh thu hút du khách.
Chùa Ghôsitaram - một địa điểm du lịch và khám phá văn hóa nổi tiếng ở tỉnh Bạc Liêu
Theo đó, tỉnh Bạc Liêu đã khẩn trương củng cố, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả các sản phẩm du lịch đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là Điểm du lịch tiêu biểu đưa vào kết nối tour/tuyến du lịch với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước cũng như các sản phẩm du lịch là thế mạnh của Bạc Liêu. Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 62 điểm du lịch tiêu biểu thì Bạc Liêu đã chiếm đến 12 điểm. Trong đó, tỉnh tiếp tục phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử gắn với Điểm du lịch Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, sản phẩm du lịch OCOP 4 sao; tập trung phát triển các hoạt động trải nghiệm, hoạt động về đêm phục vụ du khách.
Tỉnh Bạc Liêu cũng đã quan tâm phát huy các giá trị về giai thoại Công tử Bạc Liêu gắn với Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Công tử Bạc Liêu, tạo điều kiện và đôn đốc chủ đầu tư sớm đưa vào hoạt động Khu Văn hóa đa năng Công tử Bạc Liêu làm điểm nhấn cho du khách tham quan, trải nghiệm. Tỉnh phát huy công năng Quảng trường Hùng Vương và các công trình nghệ thuật, văn hóa xung quanh, đặc biệt là xây dựng các chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Trung tâm triển lãm nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà hát 3 nón lá) trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch vào ban đêm.
Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư các dự án điện gió ven biển kết hợp khai thác hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển để hình thành và phát triển thành các sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng của địa phương. Hiện nay, một số dự án đã triển khai có hiệu quả, được du khách và các doanh nghiệp lữ hành đánh giá cao như Dự án Điện gió Bạc Liêu, Dự án Điện gió Hòa Bình 1,…
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa Bạc Liêu với TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh phát triển 2 tuyến du lịch kết nối từ TP.Hồ Chí Minh đã được định hình thời gian qua: Tuyến Những nẻo đường phù sa (TP.Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau); tuyến Non nước hữu tình (TP.Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau).
Mặt khác, tỉnh tổ chức các sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu lần thứ II năm 2022 gắn với Lễ hội Dạ cổ hoài lang nhân kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu (1997 - 2022) và Ngày hội Du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu năm 2023 thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm, tham quan du lịch.
Điểm du lịch Điện gió Bạc Liêu
Trên thực tế, hoạt động du lịch của Bạc Liêu trong những năm qua chưa có nhiều đột phá. Từ góc độ của đơn vị quản lý, bà đánh giá như thế nào về nhận định trên và đâu là những nguyên nhân chính khiến du lịch địa phương chưa tạo được sức hút mạnh mẽ?
Dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh và đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng du lịch Bạc Liêu còn không ít khó khăn, hạn chế. Lượng khách đến Bạc Liêu khá lớn nhưng thời gian lưu trú không nhiều; hệ thống cơ sở kỹ thuật dịch vụ còn thiếu, chưa phong phú, đa dạng; hoạt động vui chơi giải trí chưa thu hút du khách, các sản phẩm lưu niệm, tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách còn đơn điệu, sản phẩm mang tính cạnh tranh thấp.
Một trong những nguyên nhân chính có thể đề cập đến đó là chưa xây dựng được cơ chế chính sách để thu hút, khuyến khích mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào phát triển du lịch. Doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch và các hoạt động liên quan đến du lịch trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, phần lớn quy mô vừa và nhỏ, chưa mạnh dạn đầu tư trên lĩnh vực du lịch. Việc tranh thủ nguồn vốn Trung ương và mời gọi các thành phần kinh tế cho phát triển hạ tầng du lịch của tỉnh còn hạn chế. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn chưa thực sự hiệu quả; một số dự án thiếu vốn nên tiến độ triển khai thực hiện chậm và chưa đạt yêu cầu; một số dự án thay đổi chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án.
Để phát huy tối đa tiềm năng về du lịch, biến du lịch thành động lực giúp kinh tế - xã hội phát triển, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục có những giải pháp gì?
Để phát huy tối đa tiềm năng về du lịch, biến du lịch thành động lực giúp kinh tế - xã hội phát triển, theo tôi tỉnh cần tiếp tục tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là đối với địa bàn trọng điểm, động lực phát triển du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án về dịch vụ du lịch, nhất là các nhà đầu tư chiến lược tập trung đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các dự án quy mô lớn, chất lượng cao nhằm tạo điểm nhấn nổi bật về mỹ quan đô thị của trung tâm TP.Bạc Liêu. Tỉnh sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển khu Nhà Mát - Bạc Liêu trở thành khu du lịch quốc gia.
Song song với đó, cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt nhằm nâng cao thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Bạc Liêu. Tăng cường công tác quảng bá du lịch trong và ngoài nước, trong đó cần chú trọng liên kết có trọng tâm, trọng điểm, nhất là kết nối ba bên giữa các nhà quản lý - các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch - các khu, điểm du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch thông minh, trọng tâm là xây dựng, triển khai quản lý du lịch thông minh trong Đề án phát triển đô thị thông minh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch các cấp; nguồn nhân lực của các cơ sở kinh doanh du lịch cả về quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch; đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch.
Trân trọng cảm ơn bà!
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng thu du lịch trên địa bàn Bạc Liêu đạt khoảng hơn 3.400 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Khách du lịch đạt hơn 4,1 triệu lượt, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành Du lịch đã và đang khẳng định được vai trò là một trong 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, nhiều sản phẩm đã tạo thương hiệu riêng và khác biệt, nhất là điện gió trên biển, các điểm du lịch tín ngưỡng; liên kết vùng giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển du lịch bước đầu phát huy hiệu quả. Một trong những kết quả nổi bật của du lịch Bạc Liêu là khu Nhà Mát - Bạc Liêu được vào danh mục địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Quốc Hưng (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI