10:42:53 | 15/11/2024
Giai đoạn 2024 - 2025 là thời gian rất quan trọng, bước vào năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021- 2025 của Việt Nam. Việc điều chỉnh chiến lược và chính sách phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu cũng như các diễn biến khó lường của tình hình thế giới là vấn đề vô cùng quan trọng.
Một năm 2024 nhiều khó khăn
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế thế giới hiện nay đang có sự chuyển đổi đan xen giữa tự do hóa và bảo hộ, giữa đa phương và song phương, nhất là trong bối cảnh địa chính trị có những diễn biến khó lường. Cùng với đó, đổi mới sáng tạo, tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường đang trở thành xu hướng tất yếu đối với sự phát triển toàn cầu. Trước bối cảnh này, các quốc gia, trong đó có Việt Nam luôn chú trọng điều chỉnh chiến lược và chính sách nhằm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế xuất khẩu, khai thác tốt lợi thế thương mại và các dòng vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế.
Đặc biệt, năm 2024 là năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị thế giới biến động khó lượng, thiên tai trong và ngoài nước; khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế; cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại nhưng chậm hơn so với mong muốn; các tỉnh/ thành có nền kinh tế tiên phong đang chững lại,…
TS. Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và dự báo kinh tế CIEM cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được như: lấy lại đà tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch Covid-19, tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN, khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế, cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại còn chậm, các “đầu tàu” kinh tế như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương… đang có xu hướng chậm lại.
Theo dự báo, năm 2025 tình hình sản xuất, kinh doanh có xu hướng khởi sắc (PMI năm 2024 cao trên 50, cao hơn 2023) nhưng hiên số lượng doanh nghiệp tăng lên không nhiều; vốn khu vực nhà nước tiếp tục là điểm tựa; vốn khu vực FDI năm 2025 sẽ tiếp tục là điểm sáng (9 tháng năm 2024 có 24,7 tỷ USD, tăng 11,6%); sức mua của người Việt Nam tăng, tuy nhiên tăng không nhiều vì thu nhập của lao động chưa có đột phá; thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, nhờ sự phục hồi thương mại toàn cầu và các hiệp định thương mại ...
Tăng cường tháp gỡ các rào cản
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới, theo TS Nguyễn Hữu Thọ, về thể chế, cần tăng cường tháo gỡ các rào cản khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã ban hành trong năm 2023 và 2024, cải cách các thủ tục kinh doanh để theo sát, theo đúng tín hiệu thị trường, vai trò của thị trường. Về nguồn lực cho phát triển, cần tăng cường huy động vốn tư nhân, giảm lãng phí khu vực công và khu vực tư; tiếp tục phát triển hạ tầng “cứng” để tăng kết nối vùng, liên vùng, giải quyết các vấn đề về hạ tầng “mềm” (trong đó có khoảng 40% hồ sơ cần tiếp nhận trực tuyến, doanh nghiệp số). Bên cạnh đó, về chính sách hỗ trợ cho phát triển, cần tập trung vào hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ xuất khẩu, trong đó cần khai thác tốt các hiệp định thương mại, chú trọng giảm rủi ro vận tải đường biển qua vùng xung đột quân sự, phòng vệ thương mại…
Ngoài ra, để nâng cao kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng suất và tiến bộ công nghệ trong một số ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, theo TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng CIEM, các bộ ngành, địa phương cần triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Bộ Chính trị; Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành, ứng dụng khoa học công nghệ vào doanh nghiệp như NQ 23-NQ/TW và NQ 124/NQ-CP; NQ 29-NQ/TW và NQ 111/NQ-CP; Nghị quyết 52-NQ/TW và NQ 50/NQ-CP; QĐ 1322/QĐ-TTg; QĐ 36/QĐ-TTg; QĐ 1305/QĐ-TTg…
Mặt khác, TS. Lương Văn Khôi cho rằng, cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp dân tộc lớn đứng đầu chuỗi giá trị nội địa, chuỗi giá trị toàn cầu với năng suất và khả năng cạnh tranh cao và gia tăng mối liên kết xuôi - ngược của các tập đoàn, doanh nghiệp dân tộc lớn này với các doanh nghiệp khác trong nước; có các chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các ngành công nghiệp chủ lực, đặc biệt là các ngành thâm dụng vốn.
“Cần chú trọng đến việc quản lý và sử dụng tài sản cố định trong doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, có các giải pháp cải thiện hiệu quả: cải thiện môi trường chính sách, hội nhập quốc tế, ứng phó tốt với các cú sốc từ bên ngoài và các yếu tố nội tại của doanh nghiệp … nhằm tăng năng suất và tiềm năng tăng trưởng nền kinh tế”, TS. Lương Văn Khôi chia sẻ
Đặc biệt, cần thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó khuyến khích xây dựng và triển khai các nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia thúc đẩy năng suất của các ngành công nghiệp chủ lực cụ thể thông qua triển khai một số giải pháp về KH&CN và đổi mới sáng tạo vào các nội dung của ĐMST như: đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình sản xuất, đổi mới phương thức kinh doanh, đổi mới tiếp thị, đổi mới tổ chức… Đối với các giải pháp cho doanh nghiệp, cần xác định mô hình sản xuất phù hợp; hoàn thiện quản trị sản xuất; đổi mới máy móc thiết bị và quy trình công nghệ…
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI