08:10:47 | 29/11/2024
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD |
Di sản từ những bước chân xanh…
Trong hơn ba thế kỷ qua, nhân loại đã và đang chứng kiến bốn cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN), bắt đầu từ CMCN lần thứ nhất vào cuối thế kỷ 18 với sự ra đời của máy hơi nước, một phát minh mang tính cách mạng làm thay đổi hoàn toàn cách thức sản xuất và vận hành kinh tế thời bấy giờ. Cuộc cách mạng này đã mở ra một kỷ nguyên mới về năng suất và phát triển công nghiệp, đặt nền móng cho những tiến bộ công nghệ không ngừng trong các thế kỷ tiếp theo. Từ đó, CMCN lần thứ hai với sự ra đời của điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt vào cuối thế kỷ 19, đến CMCN lần thứ ba trong thế kỷ 20 với sự bùng nổ của điện tử, công nghệ thông tin và tự động hóa. Hiện nay, chúng ta đang ở trong kỷ nguyên CMCN 4.0, một cuộc cách mạng đặc trưng bởi sự xuất hiện của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và năng lượng tái tạo.
Những cuộc cách mạng này đã thúc đẩy tiến bộ vượt bậc trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho đến công nghệ thông tin. Chúng đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống con người, làm tăng tuổi thọ trung bình, nâng cao chất lượng sống và mở rộng tầm nhìn về khả năng phát triển bền vững. Tuy nhiên, những tiến bộ này cũng đi kèm với nhiều mặt trái, trong đó đáng kể là sự phân hóa xã hội ngày càng rõ rệt, sự gia tăng bất bình đẳng, khủng hoảng môi trường và biến đổi khí hậu. Các thách thức này không chỉ hiện diện ở cấp độ quốc gia mà còn lan rộng trên toàn cầu, tác động trực tiếp đến cuộc sống của hàng tỷ người.
Ngày 10/11, ngay trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan, Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đã công bố một báo cáo quan trọng cho thấy tổng thiệt hại từ các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu trong vòng 10 năm qua (2014 – 2023) lên tới khoảng 2.000 tỷ USD. Con số này tương đương với những thiệt hại gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đáng chú ý, chỉ riêng trong năm 2021, có tới 2,3 tỷ người trên thế giới phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng. Bên cạnh đó, số liệu năm 2023 cho thấy thế giới đã mất đi 3,7 triệu ha rừng nguyên sinh nhiệt đới, tương đương với diện tích của 10 sân bóng đá mỗi phút. Những con số này là minh chứng cho những áp lực to lớn mà biến đổi khí hậu đang đặt lên vai nhân loại.
Trên dòng chảy lịch sử phát triển của nhân loại và mỗi quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp (DN) luôn giữ vai trò quan trọng và không thể phủ nhận. Trong bối cảnh hiện tại và tương lai, khi mô hình kinh doanh vì lợi nhuận đang dần được thay thế bởi kinh doanh vì tự nhiên và kinh doanh có trách nhiệm, câu hỏi lớn mà mỗi doanh nghiệp cần tự vấn là: “Chúng ta sẽ để lại di sản gì cho thế hệ mai sau?”
Chuyển mình từ hôm nay…
Hướng tới một tương lai bền vững không chỉ là một sự lựa chọn, mà là một sứ mệnh cần thiết để chúng ta xây dựng những di sản xanh cho thế hệ mai sau. Sự chuyển mình này minh chứng bằng hành động cụ thể từ cộng đồng doanh nghiệp trên toàn cầu. Điển hình là 6.046 doanh nghiệp, chiếm hơn một phần ba tổng vốn hóa thị trường thế giới, đã cam kết với những mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính (KNK) dựa trên cơ sở khoa học, với 75% trong số đó thuộc Phạm vi 3 – phạm vi phức tạp và khó kiểm soát nhất.
Nhiều sáng kiến mang tính toàn cầu đã ra đời để thúc đẩy xu hướng này, từ Global Circularity Protocol – bộ công cụ tiên tiến hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập mục tiêu, theo dõi tiến trình và công bố kết quả về nỗ lực thực hiện kinh tế tuần hoàn, đến Trung tâm Thúc đẩy Nhu cầu Khử các-bon của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững thế giới (WBCSD), nơi quy tụ các công ty hàng đầu để cùng hướng tới một ngành công nghiệp không phát thải, đạt đến mục tiêu Net Zero. Những động thái phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của doanh nghiệp toàn cầu trong việc chuyển dịch từ một nền kinh tế “xám” sang một nền kinh tế “xanh,” nơi lợi nhuận không đánh đổi môi trường và sự thịnh vượng lâu dài.
Nhìn về Việt Nam, chúng ta không thể không tự hào khi các doanh nghiệp tiên phong phát triển bền vững đã khẳng định sức mạnh của mình thông qua khả năng thích ứng cao và nhanh nhạy nắm bắt cơ hội. Những doanh nghiệp như PNJ, Vinamilk, Traphaco, Bảo Việt, SASCO, Nestlé, HEINEKEN, SABECO, Coca-Cola, và Unilever Việt Nam đang dấn thân vào con đường sản xuất xanh, tích hợp mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi cung ứng và thúc đẩy giảm phát thải KNK. Điều này không chỉ giúp họ giữ vững vị thế trong thị trường cạnh tranh mà còn tạo nên giá trị xã hội, mang lại sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế thông qua các mô hình kinh doanh bao trùm, thực hiện đánh giá Môi trường-Xã hội-Quản trị (ESG), và làm gương cho các doanh nghiệp khác noi theo.
Những bước đi quyết liệt, đầy sáng tạo và giàu trách nhiệm này là minh chứng rõ rệt rằng chúng ta hoàn toàn có thể viết nên một tương lai nơi doanh nghiệp không chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế mà còn là những người bảo vệ hành tinh. Đây là hành trình đầy thách thức nhưng cũng đầy hy vọng, nơi mọi nỗ lực nhỏ bé hôm nay sẽ gắn kết để tạo nên một tương lai bền vững và thịnh vượng cho tất cả. Những “bước chân xanh” của doanh nghiệp hôm nay sẽ là những viên gạch vững chắc xây dựng con đường dẫn tới một thế giới tốt đẹp hơn.
Để vươn mình trong kỷ nguyên mới…
Hành trình tạo dựng di sản xanh của DN sẽ không thể bền vững nếu thiếu đi nền móng vững chắc, đó chính là “sức khỏe” nội tại của doanh nghiệp, được bồi đắp từ năng lực quản trị công ty bền vững. Với hơn 96% DN trong nước là DN VVN có nguồn lực hữu hạn và chưa có sự quan tâm, đầu tư đầy đủ cho công tác quản trị công ty, điều này phần nào tạo ra rào cản cho chính các DN khi theo đuổi chiến lược PTBV, cũng như tiếp cận nguồn tài chính xanh.
Để “gỡ bỏ” rào cản đó, VCCI, với hạt nhân là VBCSD, đã tiên phong khởi xướng xây dựng Bộ chỉ số DN bền vững (CSI) từ năm 2014 và triển khai thường niên Chương trình Đánh giá, Công bố DN bền vững tại Việt Nam từ năm 2016 theo chỉ đạo của Chính phủ. Bước sang năm thứ 9, chúng tôi vui mừng khi Chương trình CSI 2024 tiếp tục có sự đồng hành chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Qua 9 năm triển khai, Chương trình và Bộ chỉ số nhận được sự đánh giá cao của Chính phủ khi được đưa vào nhiều chính sách quan trọng về PTBV DN. Tầm ảnh hưởng của Bộ chỉ số CSI cũng đã vươn tầm quốc tế khi trở thành dự án di sản của Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) Việt Nam.
Đối với DN, bên cạnh được biểu dương với danh hiệu DN bền vững, khi tham gia Chương trình và áp dụng Bộ chỉ số CSI, DN biết được mình đang ở đâu trên lộ trình PTBV, cần khắc phục, cải thiện hay phát huy điểm gì, từ đó có kế hoạch quản trị rủi ro, nâng tầm quản trị công ty để ứng phó và hành động để thay đổi tốt hơn. Đó cũng chính là điểm khác biệt so với các chương trình khác, đồng thời là “kim chỉ nam” để chúng tôi bền bỉ tổ chức Chương trình và lan tỏa Bộ chỉ số CSI trong nhiều năm qua.
Hàng trăm DN đã được biểu dương trong Chương trình sẽ được quy tụ trong “Câu lạc bộ CSI” - nơi kết nối, chia sẻ và tiếp thêm động lực cho những “cánh chim” tiêu biểu đó để bền chí, bền lòng, bền sức tiếp tục con đường PTBV đầy thử thách nhưng cũng đầy vinh quang. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước đi. Cộng đồng DN Việt Nam đồng lòng vươn mình tới kỷ nguyên mới từ những bước chân xanh của ngày hôm nay./.
Nguyễn Quang Vinh
Phó Chủ tịch VCCI – Chủ tịch VBCSD
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI