14:36:08 | 5/12/2024
Trong bối cảnh thực hành ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) ngày càng trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, sự nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của các yếu tố xã hội (S) và quản trị (G) đang được nâng cao rõ rệt. Bên cạnh việc chú trọng vào yếu tố Môi trường (E) như trước đây, doanh nghiệp hiện nay cũng đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy các yếu tố này nhằm không chỉ đảm bảo sự phát triển bền vững mà còn đóng góp tích cực vào cộng đồng xã hội. Do đó, việc nâng cao nhận thức về các vấn đề phát triển bền vững là rất cần thiết, không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn đối với các cơ quan truyền thông, những người đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin đến công chúng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu này, từ năm 2018, VBCSD-VCCI (Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững) đã triển khai chương trình tập huấn thường niên dành cho các cơ quan báo chí. Chương trình này được tổ chức với mục tiêu cung cấp những thông tin cập nhật về các chính sách và định hướng phát triển bền vững của Đảng và Chính phủ, cũng như chia sẻ các thực tiễn và thông lệ tốt trong kinh doanh bền vững từ cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Thông qua đó, chương trình giúp các cơ quan truyền thông nâng cao nhận thức, hỗ trợ họ tác nghiệp hiệu quả hơn, đồng thời khuyến khích các nhà báo, phóng viên đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm.
Chương trình tập huấn năm nay do VBCSD-VCCI và Nestlé Việt Nam phối hợp thực hiện, lựa chọn chủ đề “Kiến tạo giá trị xã hội tích cực thông qua nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ”, đặc biệt là phụ nữ ở khu vực nông thôn. -Chương trình bao gồm hội thảo tập huấn “Kiến tạo giá trị xã hội tích cực thông qua nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ” và ham quan mô hình thực tiễn “Chị Nest” và “Cùng Maggi nấu nên cơ nghiệp” tại Sóc Trăng vào ngày 05/12/2024.
Chương trình tập huấn năm nay thu hút sự tham gia của hơn 30 đại biểu đến từ các cơ quan truyền thông lớn trên toàn quốc, đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng và đại diện VBCSD-VCCI.
Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững phát biểu tại buổi tập huấn
Nói về yếu tố Xã hội (S), ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (thuộc VCCI) nhấn mạnh việc tích hợp yếu tố xã hội (Social-S) trong chiến lược ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cả về mặt tài chính lẫn phi tài chính. Trong những năm qua, VBCSD-VCCI đã thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và thực hành yếu tố “S” thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Đơn cử như lồng ghép các yếu tố đa dạng, bình đẳng và bao trùm (DE&I) trong Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) – công cụ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện quản trị công ty bền vững và đánh giá doanh nghiệp trong Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI) do VCCI chủ trì tổ chức từ năm 2016; đồng thời xây dựng hạng mục chuyên đề trong khuôn khổ Chương trình CSI để biểu dương các Doanh nghiệp tiên phong xây dựng, thực hiện giá trị DE&I liên tục qua các năm. Các hoạt động đào tạo, tập huấn và đặc biệt là Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) của VCCI cũng thường xuyên đưa nội hàm nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, củng cố nguồn vốn xã hội hay thúc đẩy DE&I vào chương trình thảo luận và khuyến nghị từ Diễn đàn.
Chương trình tập huấn chủ đề “Kiến tạo giá trị xã hội tích cực thông qua nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ”
Ông Huy cũng đánh giá cao nỗ lực của Nestlé và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông qua Chương trình Nestlé đồng hành cùng phụ nữ, qua đó góp phần nâng cao quyền năng cho phụ nữ, bình đẳng giới, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bà Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội chia sẻ vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt sự hợp tác với Nestlé Việt Nam thông qua Chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ số hóa, có thêm thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, nâng cao quyền năng, sự mạnh dạn, tự tin góp phần hiện thực hóa các tiêu chí của phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” , Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” , “Gia đình 5 có 3 sạch” - trong đó tập trung các tiêu chí của gia đình Có kiến thức; Có sức khỏe; Có sinh kế bền vững, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện trong thời kỳ chuyển đổi số.
Là 1 trong 18 tỉnh thành tham gia sáng kiến “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” do Nestlé Việt Nam phối hợp cùng Hội LHPN Việt Nam, Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả tích cực và ấn tượng. Đại diện Hội LHPN tỉnh, bà Trần Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cho biết “Qua các hoạt động triển khai thực hiện Chương trình "Nestlé đồng hành cùng phụ nữ" đã giúp cho các Chị Nest có thêm kiến thức về dinh dưỡng, về ứng dụng công nghệ thông tin và có cơ hội tiếp cận bắt đầu với khởi nghiệp kinh doanh từ đó có thêm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống, bình quân mỗi chị nest thu nhập từ 1.000.000 đồng đến 2.500.000/tháng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn.
Luôn được biết đến là doanh nghiệp tiên phong thực hành ESG với những cam kết nhất quán về phát triển bền vững, Nestlé đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình cụ thể nhằm hiện thực hóa các cam kết này. Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Nestlé Việt Nam cho biết “Với cách tiếp cận chia sẻ giá trị chung, Nestlé Việt Nam luôn gắn các mục tiêu phát triển kinh doanh với sự phát triển và thịnh vượng của cộng đồng. Trong suốt gần 3 thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi không ngừng nỗ lực nhằm thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là nâng cao quyền năng phụ nữ trong toàn chuỗi giá trị. Thông qua chương trình hợp tác với Hội LHPN Việt Nam, chúng tôi muốn tạo ra những tác động tích cực đến đời sống cũng như vị thế của phụ nữ Việt Nam, cũng như đóng góp vào mục tiêu chung về bình đẳng giới, thúc đẩy sự đa dạng, bình đẳng và bao trùm tại Việt Nam”.
Ông Phạm Hoàng Hải, phụ trách Quan hệ đối tác, Ban Thư ký VBCSD-VCCI, đã làm rõ sự khác biệt giữa các khái niệm CSV (Mô hình Kinh doanh Chia sẻ Giá trị), CSR (Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp) và ESG (Thực hành Đánh giá Môi trường – Xã hội – Quản trị). Ông giải thích rằng CSR chủ yếu tập trung vào các hoạt động thiện nguyện hoặc tuân thủ quy định, trong khi ESG liên quan đến quản trị doanh nghiệp, tập trung vào việc quản lý các rủi ro môi trường và xã hội, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình với cổ đông và nhà đầu tư. Mô hình CSV, ngược lại, tích hợp lợi ích xã hội vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.
Ông Hải cũng chia sẻ rằng mô hình CSV bao gồm các nguyên tắc cơ bản như: tái định nghĩa sản phẩm và thị trường, tái thiết chuỗi giá trị và phát triển cụm ngành địa phương. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc triển khai CSV còn gặp nhiều thách thức, bao gồm hạn chế về nhận thức, cơ sở hạ tầng, nguồn lực, và khung chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng và đủ mạnh. Để khắc phục, ông đề xuất cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức về CSV trong cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng các chính sách hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ, và thúc đẩy các mô hình hợp tác công - tư, cũng như giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để nhân rộng mô hình CSV trong tương lai.
Buổi tập huấn thu hút sự tham gia của hơn 30 đại biểu đến từ các cơ quan truyền thông lớn trên toàn quốc
Trong chương trình, đại diện các cơ quan truyền thông đã tham quan mô hình sáng kiến "Nestlé đồng hành cùng phụ nữ" tại Sóc Trăng, một trong 18 tỉnh tham gia chương trình, và ghi nhận những kết quả tích cực. Kể từ khi triển khai vào tháng 12/2020, chương trình đã mang lại nhiều tác động rõ rệt, đặc biệt là tại các tỉnh nông thôn. Hàng ngàn phụ nữ đã được trang bị kiến thức và kỹ năng giúp cải thiện hiệu quả công việc và chăm sóc sức khỏe gia đình. Cụ thể, mô hình quầy hàng Ngon-khỏe-tiện lợi đã giúp tạo lập sinh kế bền vững cho nhiều phụ nữ, với nhiều người đã cải thiện thu nhập và điều kiện sống. Chương trình cũng góp phần xây dựng cộng đồng phụ nữ tự tin, chủ động hơn trong công việc và cuộc sống.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)