Vĩnh Phúc: Xanh hóa khu công nghiệp, đón xu hướng đầu tư mới

09:41:23 | 6/12/2024

Thời gian qua, thực hiện mục tiêu hướng đến sản xuất xanh, phát triển bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung phát triển mô hình các khu công nghiệp (KCN) xanh, KCN sinh thái thân thiện môi trường. Qua đó, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư mới, nhất là những dự án công nghệ cao, quy mô lớn và đón dòng vốn đầu tư xanh.

Phát triển KCN xanh, sinh thái

Phát triển các KCN theo hướng xanh, sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn cao của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành với trách nhiệm xã hội. Với tầm nhìn đổi mới và nhất quán xuyên suốt của các thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, Vĩnh Phúc xác định lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá, động lực cho tăng trưởng, thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế; trong đó tập trung phát triển KCN theo mô hình KCN xanh, KCN sinh thái để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết các thủ tục đầu tư, ưu tiên quỹ đất sạch phát triển hạ tầng các KCN.


Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phúc Dương Văn An kiểm tra tiến độ triển khai Dự án Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên

Từ chỗ sản xuất công nghiệp còn thô sơ, không có KCN, với nhiều nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương, đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 29 KCN được quy hoạch, trong đó có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích 3.146 ha. Tính đến ngày 15/11/2024, các KCN trên địa bàn tỉnh có 497 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm 121 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 38.973,01 tỷ đồng và 376 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 6.801,76 triệu USD, giải quyết việc làm cho trên 140 nghìn lao động và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với lợi thế về vị trí địa lý, cùng hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bài bản, đồng bộ theo hướng thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển công nghiệp xanh, bền vững, KCN Bá Thiện 2 do Công ty Cổ phần Vina - CPK làm chủ đầu tư trở thành địa điểm hấp dẫn, thu hút hơn 70 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký gần 1 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 23 nghìn lao động. Trong đó, có nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Điển đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả như: Nippon Paint Vĩnh Phúc, Weldex Vina, Assa Abloy, Polaris…


KCN Bá Thiện II được xây dựng đồng bộ, thân thiện với môi trường

Sức hấp dẫn của KCN Bá Thiện 2 không chỉ đến từ vị trí địa lý mà còn ở sự đồng bộ về hạ tầng, hiện đại về công nghệ. Với hệ thống xử lý nước thải đạt công suất 10.000 m3/ngày đêm theo tiêu chuẩn quốc tế; hệ thống giao thông nội bộ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bê tông, hạn chế tối đa việc các nhà máy phải phân bố lại kế hoạch sản xuất do việc nâng cấp, sửa chữa mặt đường. Hệ thống đường nội bộ của KCN được bổ sung diện tích lớn cây xanh, thảm cỏ trên vỉa hè và dải phân cách, tạo cảnh quan xanh mát cho KCN. Hệ thống cấp thoát nước của KCN đều đi ngầm dưới hành lang hai bên đường, tạo an toàn cho các phương tiện và công nhân lưu thông trong KCN... Từ đó, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm đưa dự án vào hoạt động. Đây cũng là giải pháp góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của địa phương.

Được Thủ tướng Chính phủ phê chủ trương đầu tư tại Quyết định số 399/QĐ-TTg, ngày 19/3/2021; UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 36/QĐ-UBND, ngày 7/1/2022, KCN Nam Bình Xuyên có tổng diện tích 295,74ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp cho thuê là 200,41ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.200,740 tỷ đồng (vốn góp của nhà đầu tư là 360,740 tỷ đồng). Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn CNCTech, chủ đầu tư Dự án cho biết, KCN Nam Bình Xuyên sẽ được đầu tư hệ thống kho bãi tự động IMS, hệ thống an ninh và kiểm soát phòng dịch sử dụng AI, công viên xanh cũng có hệ thống hồ điều hòa rộng hơn 10ha và sử dụng pin mặt trời bao phủ toàn bộ mái xưởng…

Bên cạnh đó, KCN Nam Bình Xuyên có chính sách miễn thuế trong 2 năm đầu tiên và 50% thuế trong 4 năm tiếp theo; đồng thời, sở hữu vị trí chiến lược ngay cửa ngõ phía Nam huyện Bình Xuyên và nằm trong khu vực tập trung nhiều KCN lớn của tỉnh Vĩnh Phúc như: KCN Bình Xuyên, KCN Bá Thiện, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, KCN Sơn Lôi… Hiện nay, đã có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến KCN Nam Bình Xuyên, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. KCN Nam Bình Xuyên hướng đến thu hút các nhà đầu tư sản xuất phần mềm, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, lắp ráp linh kiện máy móc, sản xuất linh kiện, phụ kiện hàng không, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng…

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc có 29 KCN và thu hút được các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình từ các KCN truyền thống sang phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, KCN chuyên ngành; phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành.

Mục tiêu thu hút từ 1 - 5 tập đoàn đa quốc gia

Theo Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030, thu hút thêm từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực FDI; thu hút từ 1 - 5 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới; nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia, vùng lãnh thổ một số khu vực trong tổng số vốn FDI của tỉnh lên hơn 80%. Để đạt được các mục tiêu này và đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung hoàn thiện các quy hoạch theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhất là quy hoạch xây dựng và quy hoạch hạ tầng KCN nhằm giúp tối ưu hóa sử dụng đất đai, tài nguyên, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư - yếu tố then chốt để phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi cho các dự án FDI theo hướng vận dụng tối đa chính sách ưu đãi của Nhà nước…

Trước mắt xem xét, thực hiện việc hỗ trợ giá thuê hạ tầng đối với nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các KCN được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý các KCN tỉnh; thành lập các quỹ xúc tiến đầu tư, các chính sách liên vùng, xây dựng các cơ chế về thu hút doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động trao đổi, hợp tác với các bộ, ngành, Đại sứ quán, tham tán, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các tổ chức JICA, JETRO, KCCI, KOTRA... Thường xuyên tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ triển lãm để tiếp xúc với nhà đầu tư, giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Tiếp tục cải cách hành chính, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đang hoạt động, đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ, tạo sự uy tín của tỉnh đối với doanh nghiệp trong việc mở rộng, tái đầu tư.

Cùng với đó, thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp logistics và dịch vụ hỗ trợ logistics; phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, lao động, nhà ở chất lượng cao cho chuyên gia; các khu văn hóa, vui chơi, giải trí, bảo đảm nhu cầu làm việc, đời sống của nhân dân, các chuyên gia trong và ngoài nước. Từ đó, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, níu chân, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng phát triển và chuyển dịch đúng hướng.

Trần Ngọc (Vietnam Business Forum)