16:11:54 | 16/12/2024
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục tăng trưởng khá. Đóng góp vào thành công đó có vai trò không nhỏ của ngành Ngân hàng trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Nhựt, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tiền Giang.
Ông Nguyễn Văn Nhựt, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Tiền Giang
Ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật của ngành Ngân hàng tỉnh qua gần nửa thế kỷ gắn bó và phát triển, nhất là trong thời kỳ kỷ nguyên số?
Gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển (từ năm 1976), ngành Ngân hàng Tiền Giang đã có sự phát triển lớn mạnh về quy mô và toàn diện trên các hoạt động, khẳng định vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế.
Hiện toàn tỉnh có 30 chi nhánh ngân hàng loại 1, 11 chi nhánh ngân hàng thương mại trực thuộc chi nhánh loại 1; 101 phòng giao dịch; 16 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); 02 chi nhánh Tổ chức tài chính vi mô (CEP); 01 phòng giao dịch Ngân hàng Phát triển; 01 chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội.
Đến cuối tháng 10/2024, dư nợ toàn ngành đạt 102.451 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vốn cho hơn 1,2 triệu lượt khách hàng mỗi năm, phục vụ nhu cầu vốn đa dạng các ngành nghề kinh tế, đối tượng khách hàng. Riêng giai đoạn 2020 - 2025, tăng trưởng tín dụng bình quân ước đạt 13,51%/năm.
Đặc biệt, trong thời kỳ kỷ nguyên số, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS); phối hợp với Công an tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Mô hình 19 theo Đề án 06 về cho vay tín chấp hộ nghèo, người có công;... Kết quả, đến cuối tháng 10/2024, toàn tỉnh có 30/30 chi nhánh ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ thẻ. Có 413.830 tài khoản được mở bằng phương thức điện tử (eKYC), 1.855.043 tài khoản ngân hàng do người từ 15 tuổi trở lên đứng tên đang hoạt động.
Ông đánh giá thế nào về tình hình huy động vốn và lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng trên địa bàn cũng như một số chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay?
Ước đến cuối năm 2025, tổng nguồn vốn huy động của ngành Ngân hàng tỉnh đạt 116.119 tỷ đồng, gấp 38,06 lần so với quy mô nguồn vốn huy động 2.391 tỷ đồng vào cuối năm 2005.
Đối với lãi suất cho vay, NHNN tỉnh thường xuyên chỉ đạo các TCTD chấp hành nghiêm túc các mức trần lãi suất cho vay của NHNN Việt Nam, tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, DN. Đến cuối tháng 10/2024, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức trên 4 - 9%/năm (chiếm 79,42% tổng dư nợ ngắn hạn VND, tăng 16,62% so với cuối năm 2023), tỷ trọng dư nợ các mức lãi suất cao hơn đều giảm; lãi suất cho vay trung dài hạn VNĐ phổ biến ở mức trên 9 -11%/năm (chiếm 47,47% tổng dư nợ trung dài hạn VND, tăng 34,63%), tỷ trọng dư nợ các mức lãi suất cao hơn giảm rất mạnh (-41,43%).
Đến cuối tháng 10/2024, toàn tỉnh có 6.229 DN đang hoạt động, trong đó có 1.823 DN đang vay vốn ngân hàng với dư nợ đạt 31.660 tỷ đồng, chiếm 30,90% tổng dư nợ toàn tỉnh.
Nhằm giúp DN phục hồi sản xuất, NHNN tỉnh đã triển khai thực hiện một số chương trình tín dụng quy mô lớn hỗ trợ DN theo chủ trương của Chính phủ, NHNN.
Ngoài ra, bằng chính nguồn lực của mình, các ngân hàng luôn dành một phần vốn để đáp ứng nhu cầu của DN và dành nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho các đối tượng khách hàng DN.
Thời gian tới, nhằm tiếp tục phát huy hơn nữa thành quả đã đạt được, đâu là những giải pháp mang tính chiến lược, thưa ông?
Trong các năm tiếp theo, ngành Ngân hàng Tiền Giang tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm tài chính.
Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lãi suất, phí cho vay. Thực hiện tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí vốn cho người dân, DN. Ưu tiên hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, DN thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Tiếp tục đẩy mạnh CĐS trong hoạt động ngân hàng; các nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Chấp hành các quy định về an toàn kho quỹ. Tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Anh (Vietnam Business Forum)