Nâng cấp cơ sở hạ tầng và tiện ích để thu hút nhà đầu tư

11:18:49 | 23/12/2024

Cơ sở hạ tầng và các tiện ích trong khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế  (KKT) là một trong những yếu tố tiên quyết để thu hút nhà đầu tư tham gia. Theo các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản hàng đầu, giới đầu tư ngày càng lạc quan triển vọng tăng trưởng công nghiệp ở Việt Nam nhờ sự kết hợp vị trí chiến lược, phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu ngày càng tăng đối với không gian công nghiệp, nhất là các KCN đáp ứng tiêu chí xanh.

Chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng KCN

Việt Nam đang rất chú trọng vào việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng về giao thông. Hiện nay, hạ tầng giao thông nội bộ các KCN trên cả nước cơ bản đáp ứng đúng với tiêu chuẩn thiết kế cơ sở hạ tầng giao thông nội khu. Theo đó, các KCN phần lớn xây dựng 4 làn xe đường chính và 2 làn xe đường phụ. Tiếp đến là 2 làn xe đường chính và 2 làn xe đường phụ. Các nhóm đường khác chiếm tỷ lệ khá ít.

Điểm thuận lợi rất lớn của các KCN trong nước hiện nay chính là ưu điểm về giao thông kết nối. Có tới 67% tỷ lệ KCN được phát triển ngay cạnh đường quốc lộ. Đây là các tuyến đường giao thương hàng hóa trọng yếu, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác logistics của các doanh nghiệp trong KCN. Đặc biệt với việc hệ thống đường cao tốc đang ngày càng hoàn thiện như các tuyến cao tốc Bắc - Nam kết nối theo chiều dọc đất nước và các tuyến đường ven biển đang góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung tại các khu vực tỉnh, thành mà các tuyến đường này đi qua.

Ngoài ra, theo khảo sát của HOUSELINK, có khoảng 60% các KCN có vị trí rất gần với các điểm dân cư. Nổi bật là các tỉnh thành như Bắc Ninh, Bình Dương, Đông Nai, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với gần 100% các KCN đều có vị trí rất gần với các khu dân cư. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nhà đầu tư cũng như người lao động.

Các KCN hiện nay đang sử dụng nguồn điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, cũng có nhiều KCN kết hợp nguồn điện lưới quốc gia với các nguồn điện khác như nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió. Theo số liệu thống kê, có gần 50% KCN có các nhà máy đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang ngày càng chú trọng việc sử dụng các năng lượng tái tạo thay thế dần cho nguồn điện quốc gia, hướng đến tiêu chuẩn sản xuất xanh, KCN xanh.

Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng tiện ích đang được cải thiện khá nhiều khi các dịch vụ như siêu thị, bệnh viện, hải quan, phòng cháy chữa cháy,… được bố trí khá gần các KCN, một số KCN còn xây dựng các cơ sở hạ tầng này ngay trong nội khu. Điều này tạo điều kiện lớn trong việc thu hút và đảm bảo đời sống sinh hoạt thường ngày của người lao động.

Trong 03 năm trở lại đây, các tỉnh, thành thu hút đầu tư nổi bật nhất cả nước đều tập trung ở khu vực miền Bắc và miền Nam. Có thể kể đến một số tỉnh thành nổi bật như Bắc Ninh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Hải Phòng,… tạo nên tổ hợp các ngành nghề với gần như đầy đủ chuỗi cung ứng cả về sản xuất và công nghiệp hỗ trợ trong các KCN.

Xu hướng khu công nghiệp xanh

Theo một khảo sát của KPMG với sự tham gia của 200 doanh nghiệp FDI, bên cạnh các yếu tố vị trí, nguồn lao động hay hạ tầng logistics, các KCN đáp ứng tiêu chí xanh đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của các công ty FDI khi chọn địa điểm đầu tư tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các KCN xanh ở Việt Nam có lợi thế hơn so với KCN truyền thống nhờ được ưu tiên hỗ trợ về công nghệ, xuất khẩu, thương hiệu, chuỗi giá trị và vay ưu đãi theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và KKT.

Để triển khai thành công Nghị định 35/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ngoài nỗ lực của các đơn vị quản lý kinh tế địa phương, ban quản lý KCN, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp đóng vai trò quan trọng khi trực tiếp chịu trách nhiệm xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cho các nhà kho, xưởng sản xuất. Đặc biệt, để tăng cường thu hút đầu tư FDI, ngoài các chính sách ưu đãi thuế và thúc đẩy đầu tư, cơ sở hạ tầng công nghiệp cũng cần phải ngày một nâng cao về chất lượng, không chỉ đạt các tiêu chí về sản xuất, mà còn phải đảm bảo các yếu tố về phát triển bền vững cũng như mang lại nhiều giá trị cộng thêm cho nhà đầu tư, cộng đồng lân cận. Thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư các dự án kinh doanh hạ tầng công nghiệp tại Việt Nam do năng lực tài chính hạn chế, có tâm lý chờ đợi tìm được nhà đầu tư thứ cấp rồi mới đầu tư hạ tầng dùng chung trong KCN. Trong khi đó, để quyết định rót vốn, các nhà đầu tư FDI lại muốn mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật có thể sẵn sàng ngay lập tức, rút ngắn thời gian triển khai. Sự giằng co và chờ đợi này đã khiến nhiều KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp, bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư.  

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có yêu cầu cao về các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) khi lựa chọn địa điểm thuê nhà máy, ưu tiên yếu tố bền vững. Để có thể cạnh tranh hiệu quả với các thị trường lân cận như Thái Lan, Philippines và Indonesia, nơi đã phát triển thành công nhiều dự án KCN xanh, Việt Nam càng cần phải tập trung xử lý những rào cản này để phát huy lợi thế. Điều này sẽ giúp tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của Việt Nam trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, mô hình KCN sinh thái đã được hình thành từ năm 2014 với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Giai đoạn 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai chuyển đổi 4 KCN thí điểm sang KCN sinh thái. Từ năm 2020 đến 2024, mô hình này được nhân rộng tại Hải Phòng, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 0,8 - 7% và giảm khí thải từ 8 - 70%.

Tuy nhiên, việc triển khai các KCN sinh thái xanh (EIP) gặp nhiều thách thức lớn như các quy định pháp lý liên quan đến EIP thường không đồng bộ và thiếu rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc tuân thủ và triển khai, làm tăng chi phí và thời gian thực hiện dự án. Việc thiết lập EIP đòi hỏi khoản đầu tư lớn cho công nghệ tiên tiến, cơ sở hạ tầng và đào tạo chuyên môn. Cùng với đó, hạ tầng hiện tại chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các EIP. Hệ thống hậu cần cần được cải thiện để hỗ trợ việc vận chuyển, quản lý chất thải và phân phối sản phẩm,...

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển các KCN sinh thái xanh, Việt Nam cần xây dựng quy định pháp lý rõ ràng và đồng bộ, hài hòa với chính sách quốc gia và địa phương; phát triển cơ chế tài chính xanh như trái phiếu xanh và khoản vay liên kết bền vững, đồng thời khuyến khích quan hệ đối tác công - tư để huy động vốn, tập trung đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ bền vững, thành lập trung tâm công nghệ để hỗ trợ chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến.

Bên cạnh đó, cũng cần tập trung phát triển chương trình đào tạo về quản lý các KCN sinh thái xanh và thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức về lợi ích của hoạt động bền vững, nâng cấp hạ tầng để đáp ứng yêu cầu của các EIP và cải thiện hệ thống hậu cần để hỗ trợ vận chuyển, quản lý chất thải và phân phối sản phẩm.

Việc giải quyết các thách thức này và triển khai các giải pháp đồng bộ sẽ giúp Việt Nam phát triển các KCN sinh thái xanh một cách hiệu quả, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế lâu dài.

Nguồn: Vietnam Business Forum