Tín dụng chuyển biến tích cực hơn

10:51:45 | 27/12/2024

Năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như những biến động về lãi suất, căng thẳng địa chính trị,... Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khu vực, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng.


Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, góp phầ
n ổn định lãi suất trên thị trường

Những điểm sáng nổi bật

Theo đánh giá, năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được các kết quả tích cực. Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, dự báo tăng trưởng GDP 2024 có thể đạt 7%. Tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt, dao động từ 3,7 - 4%.

Ngành Ngân hàng, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đã góp phần quan trọng trong việc duy trì thanh khoản, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số. Tính đến ngày 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, góp phần ổn định lãi suất trên thị trường. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,5 - 1% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Tỷ giá được duy trì ổn định. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động can thiệp khi cần thiết để bảo đảm ổn định thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.

Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, NHNN đã đạt bước tiến quan trọng trong xử lý các ngân hàng yếu kém. Trong năm 2024, 02 trong số 04 ngân hàng 0 đồng đã được chuyển giao bắt buộc. Hai ngân hàng còn lại đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quá trình chuyển đổi số tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ. Đến nay, tỷ lệ giao dịch ngân hàng qua kênh số đã vượt 90% ở nhiều tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được những bước tiến lớn trong phát triển tài chính xanh và tài chính toàn diện. Số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia lĩnh vực tín dụng xanh đã tăng trưởng mạnh mẽ, tăng từ 15 lên 50 tổ chức tham gia cấp tín dụng xanh, với tổng dư nợ gần 665 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn hệ thống. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh bình quân đạt 22% mỗi năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của tín dụng kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, hoạt động của các TCTD đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua việc nâng cao năng lực về quản trị, tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, chất lượng tín dụng,... tiếp tục được tăng cường. Đến nay, vốn điều lệ toàn hệ thống tiếp tục tăng cao hơn so với cuối năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt ngưỡng 12,01%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dưới 30%, tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi đạt khoảng 80%. Bên cạnh đó, các ngân hàng có vốn Nhà nước được tăng vốn điều lệ đủ để bảo đảm an toàn và đầu tư tín dụng cho nền kinh tế.

Các TCTD cũng tập trung nguồn lực chuyển đổi số mạnh mẽ, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng ngày đạt kỷ lục trên 26,2 triệu giao dịch với giá trị trên 166.000 nghìn tỷ đồng, thanh toán QR tăng trưởng trên 200% về số lượng và giá trị so với cuối năm 2023.

Vẫn còn nhiều rủi ro

Cho dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng các TCTD vẫn phải đối diện với nhiều rủi ro, trong đó, nợ xấu tiềm ẩn trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực, công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhiều khách hàng thiếu hợp tác, TCTD không được quyền thu giữ tài sản, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ,… làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, các TCTD phải đối diện với tình trạng tấn công mạng, lộ, lọt thông tin dữ liệu, lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng táo bạo, tinh vi, đối tượng tội phạm có hiểu biết về công nghệ thông tin và hệ thống ngân hàng, thường xuyên thay đổi thủ đoạn, mặc dù tỷ lệ phạm tội có giảm đối với tài khoản cá nhân, song vẫn xuất hiện lừa đảo thông qua tài khoản doanh nghiệp,…

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục luật hóa những nội dung quy định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong công tác thu hồi nợ cũng như mua bán và xử lý nợ xấu; thúc đẩy thị trường vốn phát triển lành mạnh.

Theo bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào, ngành Ngân hàng đã thực hiện một số biện pháp quan trọng để xây dựng một hệ thống ngân hàng vững mạnh hơn, thông qua việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng vào tháng 01/2024. Điều này đã giúp NHNN giải quyết các thách thức tồn đọng liên quan đến nợ xấu và các TCTD yếu kém. Trong tương lai, Việt Nam có thể tận dụng tối đa những nỗ lực này để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì sự ổn định tài chính. Trong đó, ngành Ngân hàng sẽ cần đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng khả năng tiếp cận tài chính, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi xanh và thúc đẩy tài chính toàn diện. Tất cả những yếu tố này sẽ góp phần vào mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chuẩn bị cho Chính phủ nhiệm kỳ mới. Đây là thời điểm đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế. Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đây không chỉ là khát vọng mà còn là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội.

Trong bối cảnh đó, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian tới tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn trong nền kinh tế. NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật tiệm cận các chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động và vị thế của ngành Ngân hàng.

Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)