Thúc đẩy hợp tác du lịch Việt Nam - Trung Quốc

09:34:04 | 25/2/2025

Việt Nam và Trung Quốc là đối tác chiến lược quan trọng trong du lịch, với lượng khách trao đổi ngày càng tăng. Việc mở rộng visa, tăng cường đường bay thẳng và hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành đang mở ra cơ hội lớn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song phương.

Dư địa phát triển lớn

Việt Nam và Trung Quốc hiện là thị trường du lịch trọng điểm của nhau với sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Quan hệ hợp tác du lịch giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, không chỉ góp phần thúc đẩy giao thương, đầu tư mà còn là một điểm sáng trong mối quan hệ song phương. Hiện có khoảng hơn 330 chuyến bay mỗi tuần giữa Việt Nam và Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách hai nước.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, ông Hồ An Phong cho biết, hợp tác văn hóa - du lịch giữa hai nước không chỉ xuất phát từ nhu cầu khách quan mà còn là ưu tiên hàng đầu của hai Đảng, hai Nhà nước. Cụ thể, vào tháng 10/2022, hai bên đã ký kết kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023 - 2027. Nhờ đó, các hoạt động xúc tiến du lịch được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả.

Các chương trình xúc tiến du lịch giữa hai nước liên tục được mở rộng. Cục du lịch quốc gia Việt Nam đã triển khai nhiều đoàn công tác đến Trung Quốc, tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Trung Quốc (CITM), Hội chợ du lịch Trung Quốc - ASEAN và các chương trình quảng bá tại Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Bắc Kinh, Thượng Hải,… Ngược lại, phía Trung Quốc cũng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến tại Việt Nam nhằm thu hút khách du lịch Việt Nam đến các điểm đến nổi bật như Nam Ninh, Trương Gia Giới, Hải Nam, Hồ Bắc,...

Việc hợp tác còn được thúc đẩy thông qua chương trình du lịch xuyên biên giới. Đáng chú ý, tuyến du lịch vàng "Hai quốc gia - Sáu điểm đến" (Côn Minh, Hồng Hà, Sapa, Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long) đã trở thành một sản phẩm du lịch mẫu mực, thu hút đông đảo du khách hai nước.

Thống kê cho thấy, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam có thời điểm đạt hơn 5,8 triệu lượt/năm, liên tục đứng đầu danh sách các thị trường gửi khách quốc tế. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nằm trong nhóm 5 thị trường lớn nhất gửi khách đến Trung Quốc. Năm 2023, Việt Nam đón 1,75 triệu lượt khách Trung Quốc, và trong năm 2024, Trung Quốc chiếm 24% trong tổng số 17,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.  Đáng chú ý, tháng 01/2025, Trung Quốc đã quay trở lại là thị trường gửi khách số 1 của du lịch Việt Nam với 575.000 lượt, chiếm 27,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ tháng 1/2019 (đạt 373.500 lượt) - tăng 54%.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc là kết quả của hàng loạt hoạt động hợp tác giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và địa phương hai nước. Đặc biệt, vào tháng 11/2024, Việt Nam đã tổ chức chương trình quảng bá du lịch tại Trùng Khánh và Côn Minh nhằm tăng cường kết nối và thu hút du khách Trung Quốc đến Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới.

Hướng tới hợp tác bền vững và phát triển lâu dài

Mặc dù hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Hai bên cam kết thực hiện tốt kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023 - 2027, đẩy mạnh trao đổi chính sách, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng và mở rộng các tuyến bay mới giữa hai nước.

Bên cạnh việc mở rộng các sản phẩm du lịch truyền thống, hai nước cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi của du khách. Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch UNESCO Hà Nội, Giám đốc Golden Tour, nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành hai nước đóng vai trò then chốt.

"Việc phát triển các tour chuyên biệt như du lịch văn hóa, ẩm thực hay du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ giúp thu hút thêm du khách Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại. Bên cạnh đó, việc liên kết với các hãng hàng không để cung cấp những gói tour trọn gói với mức giá ưu đãi cũng là giải pháp quan trọng để gia tăng sức hút của hai thị trường", ông Dũng chia sẻ.

Ngoài ra, để tạo động lực phát triển bền vững, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần chú trọng đến các yếu tố như đảm bảo chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và phát triển hạ tầng phục vụ du lịch. Các địa phương của hai nước cần tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác chặt chẽ trong việc phát triển các sản phẩm du lịch có tính liên kết vùng.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ trong du lịch cũng cần được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội mở rộng sang thị trường Trung Quốc thông qua việc thiết lập văn phòng đại diện, hợp tác với các nền tảng đặt tour trực tuyến phổ biến của Trung Quốc như Ctrip hay Fliggy. Đây được xem là bước đi quan trọng để tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng và nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch Việt Nam tại Trung Quốc.

Nhìn chung, với những thành tựu đã đạt được và định hướng hợp tác trong tương lai, du lịch Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối văn hóa, kinh tế giữa hai nước. Việc thúc đẩy các giải pháp đồng bộ từ chính sách đến thực tiễn sẽ góp phần nâng cao chất lượng hợp tác, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch khu vực.

Giang Tú (Vietnam Business Forum)