Xây dựng môi trường kinh doanh cởi mở, tạo niềm tin cho nhà đầu tư

08:32:46 | 21/2/2025

Để thu hút các nguồn lực nhằm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, đặc biệt là chú trọng tháo gỡ các điểm nghẽn trong môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Ông Nguyễn Đăng Hải - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang đã có chia sẻ với phóng viên về vấn đề này.

Hậu Giang đang dồn sức thực hiện nhiều giải pháp, hành động nhằm đẩy nhanh nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư đang góp phần thúc đẩy quá trình này ra sao?              

Những năm gần đây, tỉnh Hậu Giang có nhiều nỗ lực thúc đẩy vốn đầu tư công và đạt kết quả khả quan: Năm 2022 giải ngân đạt 3.600 tỷ đồng, đạt 95%; năm 2023 đạt 97% kế hoạch đề ra, cao hơn bình quân chung của cả nước. Năm 2024, tỉnh đã phân bổ vốn ngân sách trên 6.651 tỷ đồng và nguồn vốn từ năm 2023 kéo dài sang 247 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án. Cụ thể, đối với các dự án chuyển tiếp từ năm 2023, các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu sớm hoàn thành các hạng mục, dự án, tập trung hoàn thiện thủ tục, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để giải ngân vốn. Đối với các dự án khởi công mới năm 2024, chủ đầu tư đề nghị nhà thầu triển khai thủ tục đầu tư đúng quy định, đảm bảo thời gian giải ngân kế hoạch vốn và tiến độ thực hiện dự án.

Năm 2024, tỉnh ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ logistics trên địa bàn huyện Châu Thành và Châu Thành A, các dự án theo hai hành lang kinh tế gồm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại 4 vùng kinh tế - xã hội động lực để thu hút đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả; tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội,... Với quyết tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của các đơn vị thi công, ước tính đến hết ngày 31/12/2024, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt trên 93% và đến ngày 31/1/2025 giải ngân đạt từ 95% trở lên.

Ông có thể cho biết những kết quả đạt được trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh từ năm 2023 đến nay và dự báo nhu cầu đầu tư những năm tới?

Trong năm 2024, tỉnh Hậu Giang đã cấp mới 05 dự án đầu tư trực tiếp, gồm 01 dự án FDI với số vốn đăng ký 0,15 triệu USD (nâng tổng số lên 26 dự án FDI) và 04 dự án đầu tư trực tiếp trong nước với số vốn 1.060 tỷ đồng; thu hồi 11 chủ trương đầu tư với số vốn 319 tỷ đồng (nâng tổng số thu hồi 72 dự án với tổng số vốn 3.625 tỷ đồng). Như vậy, đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 321 dự án đầu tư với tổng vốn 184.733 tỷ đồng, trong đó có 256 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp (vốn 35.538 tỷ đồng), 62 dự án trong khu công nghiệp (vốn 148.906 tỷ đồng) và 03 dự án trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (vốn 290 tỷ đồng).

Theo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hậu Giang tập trung phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh, hình thành hệ thống các khu, cụm công nghiệp tập trung, hiện đại, quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư các ngành: Công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp năng lượng, công nghiệp hỗ trợ; dược, mỹ phẩm; chế biến nông sản; logistics,… phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; năm 2050 trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Lễ khởi công Công trình khu nhà ở xã hội dành cho cán bộ công nhân viên vận hành Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1

Theo đó, dự báo nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021- 2025 huy động 112.500 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn đầu tư công 36.240 tỷ đồng (chiếm 32,2%), vốn ngoài đầu tư công 75.010 tỷ đồng (66,7%), vốn FDI 1.250 tỷ đồng (1,1%); giai đoạn 2026 - 2030 huy động 217.500 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn đầu tư công 37.200 tỷ đồng (17,1%), vốn ngoài đầu tư công là 177.750 tỷ đồng (81,7%), vốn FDI 2.550 tỷ đồng (1,2%).

Thời gian qua, Hậu Giang tập trung thu hút đầu tư vào 4 trụ cột, gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch, nhằm phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật?

Bám sát định hướng phát triển kinh tế, tỉnh tăng cường xúc tiến, mời gọi đầu tư vào 4 trụ cột, gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.

Đối với lĩnh vực du lịch, tỉnh đã làm việc, tiếp nhiều nhà đầu tư chiến lược đến nghiên cứu, khảo sát, tiếp cận đầu tư những dự án lớn tại địa phương.


Một góc thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang

Trong lĩnh vực hạ tầng KCN, ngày 3/10/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp (KCN) Sông Hậu 2 theo đề nghị của Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, điểm đầu tư tại thị trấn Mái Dầm và xã Phú Hữu (huyện Châu Thành) có tổng vốn đầu tư 5.570 tỷ đồng; thực hiện từ tháng 7/2024 - 6/2027. Sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ thu hút lượng vốn đầu tư 600 - 800 triệu USD, tạo 19.000 việc làm và 594 tỷ đồng/năm cho ngân sách tỉnh.

Từ ngày 15/7/2024, UBND tỉnh cũng đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ý kiến thẩm định đối với hồ sơ Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN Đông Phú 2, diện tích 234ha tại xã Đông Phú (huyện Châu Thành) của Công ty cổ phần KCN Đông Phú (công ty mẹ là Công ty cổ phần Shinec). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.997 tỷ đồng theo mô hình KCN sinh thái.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngày 9/10/2024, UBND tỉnh đã làm việc với Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) về dự án đầu tư nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu công nghệ cao tại Hậu Giang với quy mô công suất 50.000 tấn thành phẩm/năm cùng hệ thống kho; phát triển vùng trồng nguyên liệu rau quả tại Hậu Giang và các vùng lân cận,...

Để đạt được kết quả trên, Hậu Giang cần có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Những năm gần đây, Hậu Giang đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đạt một số kết quả tích cực, thể hiện rõ qua các chỉ số PCI, SIPAS, PGI đều tăng hạng. Đây là những chỉ số có tác động nhiều đến công tác thu hút đầu tư của Hậu Giang. Các doanh nghiệp khi đầu tư vào Hậu Giang cũng đánh giá cao chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền chuyển mục đích sử dụng đất và cước phí viễn thông của tỉnh Hậu Giang. Đặc biệt, với phương châm “2 nhanh, 3 tốt” (“giải phóng mặt bằng nhanh, thủ tục đầu tư nhanh” và “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”), tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư, tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là thông qua các buổi đối thoại, cà phê doanh nhân, họp mặt cùng lắng nghe nguyện vọng của các nhà đầu tư. Tỉnh cũng tích cực tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức các đoàn đi xúc tiến, mời gọi đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh tỉnh Hậu Giang đến các nhà đầu tư. Thông qua nhiều giải pháp, nhiệm vụ đồng bộ, đã tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Song Uyên (Vietnam Business Forum)