Quyết liệt các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

09:33:09 | 7/3/2025

Triển khai chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, yếu tố quan trọng tác động tới lãi suất cho vay, vừa qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định lãi suất tiền gửi; tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá thủ tục hành chính…, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh

Vừa qua, một số NHTM đã đưa ra nhiều sản phẩm tiết kiệm mới với lãi suất hấp dẫn để thu hút khách hàng mở tài khoản tiền gửi, trong đó xuất hiện tình trạng tăng lãi suất huy động ở một số NHTM. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng lãi suất cho vay. Lãi suất huy động tăng chủ yếu ở một số NHTMCP quy mô nhỏ, mức tăng cũng không đáng kể nhưng cũng có ngân hàng quy mô lớn tăng lãi suất (diễn ra một vài kỳ hạn trong tháng 2, ví dụ như BIDV tăng nhẹ 0,1%/năm ở kỳ hạn 24 tháng, Vietcombank nâng lãi suất kỳ hạn 36 tháng lên 4,8%/năm, tăng 0,1% sau suốt 1 thời gian dài giữ ổn định).

Do đó, việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp giảm lãi suất cho vay là rất quan trọng. Theo Phó Thống đốc Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà,  các NHTM cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, phấn đấu các giải pháp giảm lãi suất cho vay.

Trước điều hành quyết liệt của NHNN, các TCTD đã có mức điều chỉnh lãi suất phù hợp. Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy (lãi suất huy động) niêm yết trên website của các ngân hàng như: Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank, MB, VPBank, Techcombank, ACB, Sacombank, HDBank, SHB, VIB, SeABank, BacABank, TPBank, NCB, KienlongBank, Saigonbank, Vietbank… trong những ngày đầu tháng 3/2025 cho thấy, lãi suất huy động tại các kỳ hạn 6,9,12,24 tháng được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm với mức dao động từ 0,1 – 0,7% tùy kỳ hạn và ngân hàng.

Ở nhóm NHTM có vốn nhà nước, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm với lãi suất huy động kỳ hạn 6 và 9 tháng niêm yết ở mức 2,9%- 3,0%/năm; kỳ hạn 12 tháng niêm yết ở mức 4,6%- 4,7%/năm; kỳ hạn 24 tháng trở lên niêm yết lãi suất ở mức 4,7%- 4,8%/năm.

Ở nhóm NHTM cổ phần, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm giao động quanh ngưỡng 4,7%- 5,6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 4,7%- 5,7%/năm cho kỳ hạn 9 tháng, 5,7%-6,0%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 6,0%- 6,1%/năm kỳ hạn 24 tháng.

Một số ngân hàng cũng công bố những chương trình cho vay khá hấp dẫn. Trong đó, HDBank triển khai chương trình cho vay mua nhà với lãi suất chỉ từ 4,5%/năm, thời hạn lên đến 50 năm - dài nhất trên thị trường hiện nay. Với quy mô nguồn vốn 30.000 tỷ đồng, chương trình hướng đến việc hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là người trẻ, sở hữu nhà ở với phương án tài chính linh hoạt và tối ưu hơn.

SHB triển khai gói vay vốn 16.000 tỷ phục vụ nhu cầu mua nhà với lãi suất ưu đãi chỉ từ 3,99%. Đây là mức lãi suất được cho là hấp dẫn trên thị trường hiện nay. Theo đó, khách hàng sẽ được vay tối đa 90% giá trị tài sản dự định mua, không giới hạn số tiền vay với lãi suất chỉ từ 3,99%/năm. Bên cạnh đó, khách hàng còn được miễn trả gốc đến 60 tháng đầu tiên – tương đương 5 năm và được tặng kèm thẻ tín dụng/hạn mức thấu chi hấp dẫn…

Theo NHNN, trong 2 tháng đầu năm 2025, nhìn chung thanh khoản của các TCTD được đảm bảo và có dư thừa, thị trường tiền tệ ổn định, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở: chào mua giấy tờ có giá hàng ngày, khối lượng kỳ hạn phù hợp để hỗ trợ thanh khoản các TCTD. Tinh đến ngày 18/2/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,62 triệu tỷ đồng, tăng 0,02% so với tháng 12/2024, tăng 16,35% so với cùng kỳ, trong khi cùng kỳ 2024 lại giảm 1,01% so với tháng 12/2023. Theo đánh giá, với tốc độ tăng trưởng tín dụng còn chưa cao, trong cảnh NHNN thường xuyên cung cấp thanh khoản cho hệ thống TCTD, cho thấy hệ thống các TCTD không có áp lực về thanh khoản để dẫn đến việc tăng lãi suất huy động trong thời gian qua.

Việc giữ nguyên lãi suất ổn định sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong năm nay. Theo số liệu thống kê, hai tháng đầu năm 2025, cả nước có gần 20.8 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 230.4 ngàn tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong hai tháng đầu năm nay đạt 11.1 tỷ đồng, tăng 15.1% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong hai tháng đầu năm là 709.4 ngàn tỷ đồng, 66.1% so với cùng kỳ năm 2024.

Bên cạnh đó, cả nước có gần 29.1 ngàn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 53.2% so với cùng kỳ năm 2024), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong hai tháng đầu năm 2025 lên hơn 49.8 ngàn doanh nghiệp, tăng 19.3% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân một tháng có hơn 24.9 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Điều này phản ánh kỳ vọng tích cực vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam và niềm tin của các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường vào các chính sách điều hành kinh tế linh hoạt, chủ động của Chính phủ, trong đó có việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh

Theo đại diện NHNN, trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành công cụ chính sách tiền tệ phù hợp, hiệu quả để hỗ trợ các TCTD chuyển hóa nguồn vốn huy động thành vốn tín dụng, tập trung cho đầu tư phát triển và hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, NHNN sẽ tập trung theo dõi sát động thái của các TCTD, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, nền kinh tế vĩ mô cũng như lạm phát; tăng cường, đẩy mạnh tiết giảm chi phí hơn nữa, thúc đẩy sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác, phấn đấu giảm lãi suất cho vay…

Trong thời gian tới, NHNN cũng sẽ tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng và triển khai triển khai lộ trình giảm dần, tiến tới xóa bỏ điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Đồng thời chủ động, kịp thời điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các TCTD trên cơ sở kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam theo mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra từ đầu năm.

Anh Mai (Vietnam Business Forum)