Ngành bán lẻ 2025: Làn sóng thay đổi và chiến lược thích nghi

10:00:58 | 11/3/2025

Ngành bán lẻ tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển nhờ sự gia tăng dân số trẻ, tầng lớp trung lưu mở rộng, sự phát triển của thương mại điện tử và dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ các thương hiệu quốc tế. Những yếu tố này giúp thị trường bán lẻ Việt Nam duy trì mức tăng trưởng ổn định so với khu vực.

Triển vọng tăng trưởng và thách thức

Tại tọa đàm "Bán lẻ 2025: Nhận diện cơ hội và triển vọng của thị trường", bà Nancy Wong, quản lý cấp cao- Bộ phận nghiên cứu và tư vấn tại Savills Châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: "Doanh số bán lẻ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, với Việt Nam duy trì mức tăng trưởng hàng năm, chỉ đứng sau Ấn Độ. Đặc biệt, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2025, đóng góp tích cực cho ngành bán lẻ Việt Nam."

Dù triển vọng tăng trưởng tích cực, thị trường cũng phải đối diện với những rủi ro nhất định. Bà Wong cảnh báo: "Căng thẳng địa chính trị có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, cùng với những bất ổn từ chính quyền Mỹ mới có thể tạo ra các yếu tố khó lường. Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường cho thuê mặt bằng vẫn có triển vọng phục hồi trong năm 2025."

Bên cạnh bối cảnh khu vực, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ sau đại dịch. Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, "so với Thái Lan, Indonesia hay Singapore, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển nhưng đã có sự bứt phá đáng kể. Trước đây, người tiêu dùng Việt thường mua sắm tại nước ngoài, nhưng hiện nay, khi nhu cầu nội địa tăng mạnh, nhiều thương hiệu quốc tế đang đẩy mạnh mở rộng tại Việt Nam."

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cũng phản ánh sự phát triển này. Theo đóm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Trong khi đó, Bộ Công Thương dự báo quy mô thị trường bán lẻ năm 2025 có thể đạt 350 tỷ USD, đóng góp 59% ngân sách nhà nước.

Nhận diện xu hướng mới từ thị trường bán lẻ

Cùng với sự mở rộng của thị trường, hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng có nhiều thay đổi. Ông Ralf Matthaes, Giám đốc Điều hành IFM Research, nhận xét: "Chỉ số niềm tin tiêu dùng năm 2025 duy trì ở mức 54%, trong khi 41% người tiêu dùng cho biết khả năng tiết kiệm của họ bị suy giảm. Điều này đồng nghĩa với việc chi tiêu sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, giáo dục và y tế, trong khi chi tiêu cho các danh mục không thiết yếu sẽ giảm."

Đáng chú ý, thương mại điện tử tiếp tục chiếm vai trò quan trọng trong hành vi mua sắm. Ông Matthaes nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp bán lẻ cần đầu tư vào nền tảng số, tối ưu hành trình khách hàng và khai thác phân khúc tiêu dùng cao cấp để duy trì sức mua."

Bên cạnh những yếu tố nội địa, các bài học từ thị trường quốc tế cũng mang lại góc nhìn đáng giá. Bà Stephanie Lau, Quản lý cấp cao, đại diện khách thuê bán lẻ tại Savills Trung Quốc, chỉ ra: "Thị trường bán lẻ Thượng Hải đang chứng kiến sự dịch chuyển từ trung tâm thương mại sang mô hình cửa hàng mặt phố. Các thương hiệu quốc tế như Gentle Monster, Aesop, Supreme đã mở rộng mạng lưới cửa hàng trên các tuyến phố sầm uất để tăng độ nhận diện thương hiệu và kết nối gần gũi hơn với khách hàng."

Ngoài ra, bà Stephanie Lau cũng đề cập đến xu hướng athleisure – phong cách kết hợp giữa thời trang thể thao và trang phục hàng ngày – đang ngày càng phổ biến tại Trung Quốc. "Đây là cơ hội cho các thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng phong cách tiện lợi nhưng vẫn thời trang”.

Song song với sự thay đổi mô hình kinh doanh, các vấn đề pháp lý cũng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành. Ông Trần Mạnh Hùng, Luật sư điều hành, công ty BMVN International LLC phân tích: "Dù theo lộ trình CPTPP, yêu cầu ENT (Economic Need Test) đáng lẽ đã được miễn trừ từ 15/01/2024, nhưng quá trình bãi bỏ vẫn bị trì hoãn, ảnh hưởng đến việc mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các thủ tục cấp phép, quyền sở hữu mặt bằng và các tiêu chuẩn an toàn cháy nổ cũng là những thách thức lớn."

Nhìn nhận về thị trường lao động, nhân lực trong ngành bán lẻ tiếp tục đối diện với áp lực lớn, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc thương hiệu Manpower, ManpowerGroup Việt Nam, cho biết: "76% nhà tuyển dụng tại Châu Á - Thái Bình Dương gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự có kỹ năng. Đặc biệt, trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ lệ nghỉ việc lên tới 25%, tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp." Bà Trang đề xuất: "Các doanh nghiệp cần tập trung vào đào tạo nội bộ, chính sách linh hoạt và nâng cao kỹ năng số để thu hút và giữ chân nhân tài."

Tại Việt Nam, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là những trung tâm bán lẻ sôi động với sự xuất hiện của nhiều trung tâm thương mại mới. Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, đánh giá: "Hà Nội đang thu hút đầu tư với sự ra mắt của nhiều trung tâm thương mại. Dự án Hanoi Centre do Keppel vận hành hứa hẹn trở thành điểm nhấn trong năm 2025, cùng với sự xuất hiện của Thiso Mall và Toshin tại Starlake vào năm 2026."

Cùng chung xu hướng phát triển, thị trường phía Nam cũng có sự chuyển dịch đáng kể. Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại, Savills TP. HCM, nhận định: "Thị trường bán lẻ phía Nam đang đa dạng hóa kênh bán hàng, với sự phát triển của các mô hình thương mại hiện đại. Các trung tâm thương mại cần liên tục đổi mới để duy trì tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng."

Hương Ly (Vietnam Business Forum)