Amcham: Thuế quan 46% không khiến doanh nghiệp Mỹ ồ ạt rút khỏi Việt Nam

15:32:47 | 4/4/2025

Ngày 3/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp dụng mức thuế 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu, đồng thời áp đặt mức thuế đối ứng cao hơn với các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, trong đó Việt Nam phải đối mặt với mức thuế 46% kể từ ngày 09/4. Tuy nhiên, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), khẳng định rằng mức thuế này sẽ không dẫn đến làn sóng rút lui hàng loạt của các doanh nghiệp Mỹ khỏi Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng vẫn còn một tuần để đàm phán và đưa ra các phân tích sâu sắc cùng những giải pháp thực tiễn nhằm ứng phó với tình hình hiện tại.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam

Mỹ siết thuế, hàng Việt gặp khó

Ông Adam Sitkoff cho biết, năm 2025 là một cột mốc đặc biệt, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, và trong suốt thời gian đó, thương mại song phương đã tăng từ 451 triệu USD năm 1994 lên 150 tỷ USD hiện nay. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam, và Việt Nam nằm trong top 10 đối tác thương mại của Mỹ.”

Giám đốc điều hành Amcham nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư khoảng 12 tỷ USD vào Việt Nam, tạo ra hàng chục nghìn việc làm và có đóng góp lớn về thuế. Đây là nền tảng vững chắc mà chúng tôi đã xây dựng, đặc biệt kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023.”

Tuy nhiên, ông Sitkoff không giấu được lo ngại khi đề cập đến quyết định thuế quan của Tổng thống Trump vào ngày 2/4/2025. “Mức thuế 46% mà Mỹ áp lên hàng Việt Nam từ ngày 9/4 là một trong những mức cao nhất, nhưng tôi tin rằng chúng ta vẫn có một tuần để đàm phán, và đây là cơ hội để hai bên tìm ra giải pháp”, ông nói.

Khi được hỏi về tác động của mức thuế 46%, ông Sitkoff thẳng thắn: “Nếu mức thuế này áp dụng toàn diện, nó sẽ rất nghiêm trọng. Các ngành như điện tử, dệt may, da giày và nông sản - những trụ cột xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ - sẽ chịu thiệt hại lớn. Giá cả hàng hóa tăng cao sẽ đẩy lạm phát tại Mỹ lên, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Thay vì mua ba đôi giày, họ chỉ mua hai. Điều này không chỉ gây tổn hại cho người dân Mỹ mà còn ảnh hưởng ngược lại tăng trưởng kinh tế và việc làm tại Việt Nam.”

Về cách tính thuế của Mỹ, ông Sitkoff cho biết: “Họ nói Việt Nam áp thuế và rào cản thương mại 90% lên hàng Mỹ, nhưng tôi thấy con số này giống như bài tập của học sinh trung học hơn là một phân tích kinh tế nghiêm túc. Thực tế, hàng hóa Việt Nam sản xuất đang mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ – chất lượng cao, giá cả hợp lý, và nhiều lựa chọn hơn.”

Ông Adam Sitkoff cho rằng việcTổng thống Trump quan tâm đến sự mất cân bằng thương mại với Việt Nam là điều dễ hiểu, tuy nhiên cần nhìn nhận lại cách tính toán thâm hụt thương mại và kết luận Việt Nam áp thuế 90% lên hàng hóa Mỹ. Ông Sitkoff kể lại trong lần gặp gỡ ông Trump vào năm 2017, ông đã giải thích về bản chất của sự mất cân bằng thương mại qua ví dụ đơn giản: “Tôi mua xoài từ một người phụ nữ ở Hà Nội mỗi tuần. Mặc dù bà ấy chỉ bán xoài mà không mua gì từ tôi, nhưng điều đó không thể coi là thâm hụt thương mại. Cách thương mại toàn cầu hoạt động không như vậy, mỗi bên đều có thể tham gia và kiếm lợi từ những giao dịch riêng biệt”.

Dù vậy, ông Sitkoff vẫn lạc quan: “Tôi không nghĩ đây là điều tiêu cực mà ông Trump cố ý nhắm vào Việt Nam. Ông ấy yêu thích Việt Nam và người dân nơi đây. Ông ấy đã đến đây hai lần trong nhiệm kỳ đầu và tôi tin ông ấy sẽ quay lại. Điều này chỉ là một phần trong chính sách thương mại cứng rắn của ông ấy, và chúng ta có thể thay đổi tình hình thông qua đàm phán.”

Chuỗi cung ứng và đầu tư: “Không ai muốn rút khỏi việt nam”

Một trong những câu hỏi lớn mà ông Sitkoff nhận được là liệu thuế quan có khiến các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Việt Nam hay dịch chuyển chuỗi cung ứng. Ông quả quyết: “Không, không phải vậy. Thương mại toàn cầu không hoạt động theo cách đó. Các công ty không thể cứ muốn là chuyển chuỗi cung ứng từ nước này sang nước khác. Điều đó tốn kém, đầy thách thức, và thành thật mà nói, không ai muốn làm vậy trừ khi bị buộc phải làm.”

Ông giải thích thêm: “Hãy nhìn vào đôi giày Nike hay Adidas. Ai cũng hiểu tại sao họ chọn sản xuất ở Việt Nam thay vì Texas. Việc dịch chuyển sang Texas hay Úc trong thời gian ngắn là bất khả thi. Các doanh nghiệp có trách nhiệm với cổ đông và khách hàng, họ cần cung cấp sản phẩm chất lượng cao với giá thấp nhất có thể. Việt Nam đã, đang và sẽ vẫn là lựa chọn hợp lý.”

“Các doanh nghiệp Mỹ chưa hề có dấu hiệu rút khỏi Việt Nam. Họ cam kết dài hạn ở đây, đặc biệt trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn”, ông nhấn mạnh.

Cần ưu tiên đối thoại và hợp tác

Về cách ứng phó với mức thuế 46%, ông Sitkoff đưa ra lời khuyên rõ ràng: “Việt Nam cần vạch ra kế hoạch cụ thể – kế hoạch A, B, và C – và quan sát cách các nước khác bị áp thuế đối phó. Nhưng đừng trả đũa bằng cách dựng rào cản thương mại hay áp thuế ngược lại. Ông Trump đã nói ông ấy sẽ đáp trả mạnh hơn nếu bị phản ứng như vậy. Thay vào đó, hãy tận dụng mối quan hệ tốt với Mỹ để đàm phán.”

Đại diện Amcham đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong hai tháng qua để giải quyết mối quan ngại của Tổng thống Mỹ Donal Trump. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành hơn ba tiếng lắng nghe doanh nghiệp Mỹ, và Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cherry hay ký biên bản ghi nhớ về máy bay và LNG. Nhưng điều đó chưa đủ. Việt Nam cần xem xét các vấn đề lớn hơn – máy bay, quốc phòng, năng lượng – và giúp doanh nghiệp Mỹ kinh doanh dễ dàng hơn tại đây.

Giám đốc điều hành Amcham đưa ra lời khuyên: Việt Nam cần xác định rõ kế hoạch ứng phó và theo dõi cách các quốc gia khác, cũng bị áp thuế đối ứng, triển khai chiến lược của họ. Không chỉ Việt Nam, chính phủ của các nền kinh tế chịu ảnh hưởng cũng sẽ có động thái thương lượng với Mỹ để đạt được thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Đặc biệt, thay vì áp thuế hoặc dựng rào cản thương mại để "trả đũa", cần ưu tiên các giải pháp đối thoại và hợp tác.

Ông Sitkoff tin tưởng vào đội ngũ đàm phán Việt Nam: “Các bạn có những nhà đàm phán giỏi và hiểu rõ các vấn đề thuế mà doanh nghiệp chúng tôi gặp phải. Tôi tin rằng từ hôm nay đến ngày 9/4, Việt Nam sẽ làm mọi cách để đạt được thỏa thuận công bằng.”

Nhìn xa hơn, ông Sitkoff khuyến nghị: “Nếu chính phủ lo ngại khả năng cạnh tranh của Việt Nam giảm sút vì thuế quan, hãy biến thách thức thành động lực. Hãy đầu tư vào lực lượng lao động tay nghề cao, ban hành các quy định chào đón doanh nghiệp hơn. Thuế quan có thể gây gián đoạn thương mại toàn cầu, nhưng nó không ngăn được FDI vào Việt Nam hay khiến nhà đầu tư rút đi.”

Ông Sitkoff cũng bày tỏ hy vọng về một hiệp định thương mại tự do (FTA): “Tôi thực sự mong muốn có một FTA giữa hai nước, dù điều đó khó xảy ra ngay lập tức. Hiệp định BTA đã 24 năm tuổi – chúng ta cần hiện đại hóa nó. Nhưng tôi tin lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với ông Trump để có điều kiện tốt hơn.”

Ông Sitkoff khẳng định: “Chúng tôi không muốn mức thuế 46% kéo dài. Tôi tin rằng sẽ có đối thoại liên tục, và chúng tôi sẽ phối hợp với doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam, cùng lãnh đạo hai nước để tìm giải pháp tốt nhất. Việt Nam có mối quan hệ tuyệt vời với Mỹ – đó là lợi thế lớn để các quan chức cấp cao đàm phán với chính quyền Trump.”

Với một tuần phía trước, ông Sitkoff lạc quan: “Mọi thứ có thể thay đổi theo hướng tốt hơn. Chúng ta đã thấy ông Trump thay đổi ý định với Canada và Mexico. Tôi tin một số ngành, một số mặt hàng của Việt Nam sẽ được miễn thuế. Các doanh nghiệp Mỹ chưa rút đi, và họ vẫn cam kết ở lại đây lâu dài.”

Hương Ly – Bùi Liên (Vietnam Business Forum)