Hai cuộc đại cách mạng của Tổng Bí thư Tô Lâm: Bước đệm cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

13:42:24 | 10/4/2025

Chưa đầy 1 năm đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong công tác lãnh đạo Đảng và vạch đường lối chiến lược cho phát triển đất nước. Trong đó đặc biệt nổi bật là cuộc cách mạng thần tốc về tinh giản bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả" và nỗ lực kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, tạo đòn bẩy thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Với tính cấp bách, kịp thời và ý nghĩa lớn lao, hai cuộc đại cách mạng này đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng sâu rộng của toàn xã hội.

Bà Vũ Thị Thu Hà - Nguyên Giám đốc VCCI Vũng Tàu

Tinh gọn bộ máy - Cuộc "đại phẫu" cấp thiết

Là người đồng tình và ủng hộ cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của Tổng bí thư Tô Lâm, bà Vũ Thị Thu Hà - Nguyên Giám đốc VCCI Vũng Tàu khẳng định định hướng của người đứng đầu Đảng là rất đúng đắn góp phần xây dựng hệ thống chính trị gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, qua đó vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới vừa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. "Điều chúng ta cần lưu ý ở đây là tinh gọn bộ máy không chỉ nhằm mục tiêu tiết giảm các chi phí hành chính, tiết kiệm ngân sách nhà nước mà quan trọng hơn là xây dựng thành công một bộ máy mới gọn nhẹ hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hơn, là nền tảng vững chắc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Để làm được điều này, yêu cầu tiên quyết là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật và hành chính để tạo sự đồng tâm đồng lòng, tạo khí thế phấn khởi trong toàn xã hội; cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ hợp lý, tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật" - bà Hà khuyến nghị 

Có thể thấy ở thời điểm hiện tại, công cuộc sáp nhập, tinh gọn các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức đoàn thể đã được thực thi. Tiếp theo sẽ tập trung vào công cuộc sáp nhập các tỉnh thành, bỏ cấp huyện và tái sắp xếp, tích hợp, nâng cao năng lực vận hành của bộ máy nhân sự ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương. Đây là một bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy, kiên quyết loại ra khỏi cơ quan  nhà nước những cán bộ, Đảng viên không đủ năng lực công tác, thoái hoá, biến chất trên tinh thần giảm về lượng nhưng nâng cao về chất, đảm bảo hiệu quả hoạt động cao hơn của các thiết chế. Không chỉ mạnh tay cắt bỏ những "khối u" đang cản trở công cuộc phát triển, tái cơ cấu mà yêu cầu đặt ra còn phải tập trung vào việc sắp xếp lại, tích hợp, nâng cao năng lực vận hành của bộ máy để vượt qua các thách thức toàn cầu và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Nói cách khác, công cuộc sàng lọc, tái cấu trúc và tối ưu hóa này sẽ tạo nền tảng cho một bộ máy Nhà nước gọn nhẹ, thông minh, vận hành hiệu quả và minh bạch, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển

Nguyên Giám đốc VCCI Vũng Tàu cũng lưu ý đã là cách mạng thì tất yếu phải có mất mát, hy sinh. Yêu cầu đặt ra cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là làm sao giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất và đảm bảo hiệu quả, hiệu năng ở mức cao nhất. Đặc biệt phải xem cuộc cách mạng tinh gọn này là nhiệm vụ vô cùng khẩn trương, vô cùng cấp bách bởi đây là cơ hội duy nhất hiếm có trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV (tổ chức vào tháng 01/2026). Công cuộc tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy chắc chắn sẽ vấp phải rất nhiều trở lực bởi nó đụng chạm đến đặc quyền, đặc lợi của rất nhiều cá nhân, tổ chức nhưng Đảng ta nhất định phải thực hiện cải cách triệt để vì một bộ máy công quyền khỏe mạnh, trong sạch, hiệu quả. Hơn thế nữa, chúng ta còn phải thực hiện cuộc "đại phẫu" này một cách "thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ…" (trích bức điện khẩn ngày 7/4/1975 của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử) vì càng để lâu "khối u" càng lan rộng nguy hiểm và kéo giảm xác suất thành công. "Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân và đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới của đất nước ta. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, Đảng ta vẫn phải nêu cao tinh thần cảnh giác, phải đề phòng những thế lực thù địch chống phá cũng như tiên liệu trước những vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh để có phương án xử lý hiệu quả. Tôi tin dưới sự  lãnh đạo quyết liệt của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư Tô Lâm, công cuộc tinh gọn, tái cơ cấu sẽ sớm cán đích, đưa đất nước ta ngày càng phát triển nhanh, mạnh để bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tự tin sánh vai với các cường quốc năm châu" - bà Hà khẳng định.

Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho Việt Nam thịnh vượng

Với cuộc cách mạng trên mặt trận kinh tế, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi dấu ấn với nhiều quyết sách mang tính đột phá, trong đó người đứng đầu Đảng đặc biệt chú trọng kiến tạo không gian mở cho kinh tế tư nhân phát triển và luôn đề cao vị thế, vai trò quan trọng của khu vực kinh tế trọng yếu này trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", người đứng đầu Đảng nhấn mạnh từ một nền kinh tế nghèo nàn, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế, Việt Nam đã không ngừng bứt phá mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế lớn thứ 24 thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP) và trong thành công này có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Qua 40 năm đổi mới, khối kinh tế tư nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về lượng lẫn chất, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế. Với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tới 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Đến nay Việt Nam đã có các Tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực và tầm vóc lớn, tự tin khẳng định thương hiệu trong nước và vươn ra thị trường thế giới như Vingroup, Massan, Sun Group, Vietjet, Thaco…. Không chỉ đóng vai trò nòng cốt trong sự phát triển của nền kinh tế quốc gia (tạo ra của cải, vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia…), khu vực kinh tế tư nhân còn góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền và ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Ủng hộ chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm lấy phát triển kinh tế tư nhân làm đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, bà Hà cho biết theo thời gian, vai trò của kinh tế tư nhân cũng được thể hiện rõ nét trong văn kiện các đại hội của Đảng, nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (2020) và gần đây nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XIII (2023) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Xác định rõ vai trò then chốt của doanh nghiệp tư nhân trong tăng trưởng kinh tế, những năm qua Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ linh hoạt gắn với nỗ lực không ngừng hoàn thiện khung pháp lý, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, vươn mình trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn còn nhiều hạn chế về quy mô, tiềm lực, năng lực sản xuất cũng như năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong cạnh tranh quốc tế; các doanh nghiệp chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Một bất cập nữa là đóng góp của kinh tế tư nhân vào tăng trưởng kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Mặc dù số lượng cơ sở kinh tế tư nhân tăng nhanh những năm gần đây song chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lại chậm cải thiện. Đa số các chủ doanh nghiệp đều trưởng thành từ chính quá trình lăn xả trên thương trường nên trình độ quản lý và điều hành đều dựa vào vốn kinh nghiệm tích lũy, họ chưa qua trường lớp đào tạo bài bản và không có bằng cấp chuyên môn nên thiếu tầm nhìn dài hạn cũng như chưa vạch được chiến lược kinh doanh đúng nghĩa cho doanh nghiệp mình….

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao;  tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo bà Hà, đây là một mục tiêu rất cao nhưng không phải không thể đạt được nếu chúng ta biết khéo léo kết hợp và phát huy sức mạnh tổng hòa từ các động lực tăng trưởng truyền thống với các động lực tăng trưởng mới, trong đó có động lực tăng trưởng từ khu vực kinh tế tư nhân. Nếu khơi dậy được sức mạnh của khối doanh nghiệp này chắc chắn sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân?

Nguyên Giám đốc VCCI Vũng Tàu cho rằng để gỡ bỏ mọi rào cản, giải phóng mọi tiềm năng, đưa kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, yêu cầu tiên quyết là phải có chiến lược rõ ràng cho phát triển khu vực kinh tế trọng yếu này phù hợp với trình độ phát triển hiện nay của nền kinh tế cũng như bối cảnh địa kinh tế, địa chính trị mới của đất nước. Trong đó đặc biệt chú trọng hoàn thiện khung pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho khối kinh tế này phát triển. Không đâu xa, nhìn sang các nước tiên tiến trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, dễ dàng thấy các quốc gia này thành công là nhờ họ tích cực hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các chính sách giảm thuế, hỗ trợ tài chính; chính sách hỗ trợ đổi mới và ứng dụng công nghệ, khuyến khích đầu tư vào công nghệ số; chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chương trình kết nối, xúc tiến thương mại và tăng cường hợp tác quốc tế …Chính phủ Nhật Bản, Singapore luôn xem doanh nghiệp là đối tượng được hỗ trợ tận tình để phát triển và luôn lấy hỗ trợ doanh nghiệp làm nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu chứ không phải những lời hô hào, xáo rỗng, viễn vông. Hệ thống luật pháp thông thoáng mà vẫn chặt chẽ, đảm bảo không gian cho doanh nghiệp phát triển.

Bài học từ Nhật Bản, Singapore cho thấy khi được trao cơ hội phát triển, kinh tế tư nhân sẽ vươn mình lớn mạnh trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế và Việt Nam hoàn toàn có thể gặt hái thành công tương tự nếu tạo dư địa, không gian và môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho khu vực tư nhân thỏa sức phát triển. Chú trọng phát huy vai trò của doanh nghiệp tư nhân, tôn vinh những doanh nghiệp tư nhân với mô hình đổi mới, sáng tạo, sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân; tạo điều kiện, giao nhiệm vụ để kinh tế tư nhân tham gia các chương trình, dự án lớn của đất nước, vững tâm thế để bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới.

Theo bà Hà, muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau. Trong hành trình vươn ra quốc tế, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam muốn đi được xa, được lâu cần có sự kết nối nội tại với nhau cũng như kết nối với các khu vực kinh tế khác như khu vực nhà nước, khu vực FDI. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, tăng nội địa hóa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, tăng sức cạnh tranh và khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra cũng cần chú trọng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; quản lý của Nhà nước; sự hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp tư nhân từ phía các cơ quan, đoàn thể, các hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong của VCCI trong nỗ lực hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nói chung - khối doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong hành trình vươn ra “biển lớn”, thực thi tốt sứ mệnh của mình trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. “Sắp tới Bộ Chính trị sẽ ban hành Đề án, Nghị quyết mới về phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Gần đây nhất tại phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân diễn ra ngày 4/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng dự thảo Đề án, Nghị quyết để trình Bộ Chính trị; khẩn trương xây dựng chương trình hành động của Chính phủ để ban hành, tổ chức thực hiện ngay sau khi Đề án, Nghị quyết được Bộ Chính trị thông qua; đồng thời khẩn trương xây dựng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội, trong đó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng dự án luật về kinh tế tư nhân. Dù khó khăn còn vây bủa song với sự định hướng mạnh mẽ từ Đảng và sự quyết liệt của Chính phủ, kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước một tương lai đầy hứa hẹn. Đề án phát triển kinh tế tư nhân không chỉ giúp "cởi trói" mà còn kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn, kiến tạo không gian và môi trường thông thoáng, hấp dẫn để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, giúp Việt Nam sớm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số trong thời gian tới" – Nguyên Giám đốc VCCI Vũng Tàu bộc bạch.

Kết thúc buổi trò chuyện bà Hà có nhấn mạnh thêm một số ý rằng: Dù tất cả trong chúng ta đã nhận thức đầy đủ về cuộc cách mạng một cách rõ ràng, nhưng quan trọng nhất là mọi người phải hành động một cách quyết liệt, chính xác để đi vào thực tiễn ngay, thời cơ lúc này là thuận lợi nhất, tuyệt đối không ảo tưởng, mơ mộng, viễn vông và trong tâm luôn luôn đặt lợi ích của nhân dân, quốc gia lên hàng đầu... Thông qua việc làm ý nghĩa, thiết thực trên sẽ tạo ra một làn sóng mới...làn sóng khởi nghiệp, làn sóng đổi mới sáng tạo.

Văn Lượng (Vietnam Business Forum)