11:24:31 | 20/12/2012
Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 29/NQ-QH của Quốc hội nhằm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) đã được thực hiện. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, những giải pháp này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của đại bộ phần các DN.
Theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, để tháo gỡ khó khăn cho DN, Chính phủ gia hạn 11.124 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng quý II/2012 cho gần 190.000 DN; gia hạn 3.327 tỷ đồng thuế thu nhập DN cho 77.295 DN; gia hạn tiền sử dụng đất cho 346 DN với tổng số tiền là 2.778 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho 3.609 DN với số tiền giảm là 445,2 tỷ đồng; miễn và hoàn thuế môn bài năm 2012 cho 44.897 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muốn với số tiền 12,4 tỷ đồng.
Theo nghị quyết 29/NQ-QH của Quốc hội, sẽ giảm tổng 5.144 tỷ đồng tiền thuế TNDN (năm 2012 giảm 3060 tỷ; năm 2013 giảm 4150 tỷ); giảm 1305 tỷ đồng tiền thuế TNCN ( năm 2012 giảm 1054 tỷ; năm 2013 giảm 251 tỷ) để hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn.
Mặc dù gói hỗ trợ thông qua Nghị quyết 13/NQ-CP và Nghị quyết 29/NQ-QH đã góp phần cải thiện tình hình, nhưng do cách thức, quy mô và mức độ nên theo nhận định của một số chuyên gia, những giải pháp này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của đại bộ phận các DN.
Cụ thể, theo Bộ tài chính để triển khai Nghị quyết 13/NQ-CP, NSNN dự kiến giảm thu 9000 tỷ đồng và giá trị thực tế DN được hưởng dự kiến lên tới 29.000 tỷ đồng, nhưng trong đó có tới gần 16.000 tỷ đồng là lợi ích từ giãn nộp thuế VAT và 13.000 tỷ đồng bao gồm miễn giảm một số loại thuế. Như vậy, việc giảm thu ngân sách là không đáng kể so với giá trị thực mà DN được hưởng. Chỉ có khoản gia hạn tiền sử dụng đất cho 350 DN là đáng kể với khoảng 8 tỷ đồng/DN. Tuy nhiên, giải pháp này chưa thể tác động mạnh để có thể “phá băng” thị trường BĐS.
Nhờ có các giải pháp hỗ trợ thông qua Nghị quyết 13/NQ-CP và Nghị quyết 29/NQ-QH nên đến cuối quý 3/2012, chỉ số phát triển công nghiệp đã được cải thiện, song chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là tốc độ tăng của tổng cầu tiêu dùng không có dấu hiệu cải thiện. Điều này không chỉ làm cho lượng tồn kho gia tăng mà còn làm cho nhiều DN rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất ( nợ thuế- trên 6,8% tổng thu và nợ xấu- trên 8,6% tổng dư nợ tín dụng), trong khi đó chính quyền địa phương lại nợ DN đến 91 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư.
Vì vậy theo VCCI, vấn đề then chốt để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường là cần : giảm giá sản phẩm, dịch vụ, kích thích tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho đi đôi với cải thiện khả năng thanh toán, tăng niềm tin tiêu dùng cho xã hội. Những giải pháp quyết liệt theo hướng này lại chưa được đưa ra kịp thời. Một số nhân tố đầu vào như giá xăng, giá điện vẫn tăng khiến cho giá thành sản phẩm khó có thể giảm. Một số loại phí mới được dự kiến đưa ra với nhiều ý kiến trái chiều khiến cho niềm tin các DN vào thị trường dao động, chưa dám ra quyết định kinh doanh.
Để khuyến khích các DN đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, trong các lĩnh vực kinh doanh tiềm năng theo định hướng của Chính phủ, theo VCCI, Chính phủ cần nghiên cứu khôi phục lại một số ưu đãi đầu tư và tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư với đẩu tư mở rộng như là đầu tư mới.
Ngoài ra, cần tiếp tục mở rộng diện được áp dụng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 13/NQ-CP để thực sự tạo cú huých là điều DN đang kỳ vọng. Theo đó, có thể mạnh dạn giảm thuế gián thu (chẳng hạn giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho năm 2013) đủ để DN có điều kiện giảm giá bán đáng kể, kích thích người tiêu dùng, giảm tồn kho.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý, nhất là cho khu vực DNNVV. Để thúc đẩy việc này, cần nhanh chóng thành lập Quỹ hỗ trợ DNNVV tạo nguồn tài chính để ủy thác cho các ngân hàng thương mại hướng vào phục vụ đối tượng này. Trong bối cảnh thị trường BĐS đang bị đóng băng, việc dựa chủ yếu vào bất động sản để làm tài sản thế chấp sẽ càng đẩy DN vào chỗ khó khăn. Như vậy để hỗ trợ các DNNVV tiếp cận nguồn vốn thì phải đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các Quỹ bảo lãnh tín dụng (cả trung ương và địa phương).
Mai Anh