Ưu tiên phát triển mũi nhọn kinh tế thủy sản

00:00:00 | 2/4/2014

Phát triển kinh tế thủy sản là một trong những chiến lược ưu tiên trong phát triển kinh tế địa phương. Ngành thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua đã có sự chuyển mình mạnh mẽ cả về chất và lượng, từng bước khẳng định vị thế và vai trò của mình trong công cuộc phát triển KT - XH tỉnh nhà.

Bà Rịa-Vũng Tàu có chiều dài bờ biển lên tới 305,4km, trong đó bờ biển phần đất liền 100km và một huyện đảo, với trên 100.000km2 thềm lục địa, diện tích vùng đặc quyền kinh tế biển của tỉnh khoảng 297.000km2. Đặc biệt, tỉnh nằm trong ngư trường được thiên nhiên ưu đãi, thời tiết ôn hòa, ít khi xảy ra gió bão mạnh nên rất thuận lợi cho hoạt động khai thác gần bờ và xa bờ. Theo kết quả khảo sát mới đây của Chi cục Biển và Hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh), thềm lục địa của Bà Rịa - Vũng Tàu có 661 loài cá, 35 loài tôm, 23 loài mực, hàng ngàn loài tảo, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng hải sản có thể khai thác tối đa hàng năm từ 150.000 - 170.000 tấn. Với tiềm năng to lớn này, khai thác hải sản, nuôi trồng thuỷ sản nhanh chóng trở thành các ngành kinh tế biển truyền thống của tỉnh, tạo việc làm cho hàng vạn lao động và đóng góp chủ yếu vào tổng giá trị xuất khẩu (trừ dầu khí) của tỉnh. Trên cơ sở xác định phát triển đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, chính vì vậy những năm qua Bà Rịa - Vũng Tàu đã ưu tiên đầu tư xây dựng được ba cảng cá kiên cố, ba cụm cảng bán kiên cố và sáu cảng cá phân bố rải rác ở các huyện, thị xã. Đồng thời, hình thành tổng chiều dài cầu cảng là 1.575m với tổng năng lực hàng hóa thông qua các cảng cá 360.000 tấn/năm.

Về lĩnh vực chế biến và xuất khẩu hải sản, hiện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm). Trong số này, hầu hết các nhà máy đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường nổi tiếng khắt khe như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga.

Xác định là địa bàn có tiềm năng và thế mạnh trong khai thác thủy hải sản, trong những năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đặc biệt chú trọng đầu tư vào lĩnh vực đánh bắt xa bờ. Theo đó kỹ thuật khai thác ngày càng được nâng cao, tàu thuyền phần lớn được đầu tư trang thiết bị tiên tiến, phương thức tổ chức sản xuất được đổi mới. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 6.000 tàu cá với tổng công suất hơn 970.000 CV. Trong năm 2013, sản lượng khai thác thủy sản đạt 250.000 tấn, tăng 4,9%. Hướng tới phát triển thủy sản bền vững, tỉnh đã tổ chức 12 lớp tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật ngành thủy sản, quy chế chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu cho 560 thuyền trưởng, ngư dân; thực hiện vận động thành lập 72 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, với 419 tàu cá. Riêng trong lĩnh vực nuôi trồng, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2013 đạt khoảng 14.200 tấn, tăng 5,7%. Để hỗ trợ nuôi trồng, các cơ quan chuyên môn đã tổ chức các lớp tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật thủy sản và tập huấn tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật cho người nuôi trồng thủy sản…

Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Tuấn Quốc cho biết dựa trên những tiềm năng lợi thế sẵn có, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản là một trong những ngành đi đầu trong phát triển kinh tế biển địa phương, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Theo đó để nâng cao chất lượng nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản cũng như đẩy mạnh hợp tác, đổi mới công nghệ và mở rộng thị trường, trong thời tới tỉnh tăng cường tổ chức các lớp tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; rà soát lại nguồn lợi thủy sản gần bờ để hướng dẫn ngư dân khai thác hợp lý, khai thác các loại hải sản giá trị kinh tế cao. Để góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, tỉnh khuyến khích ngư dân đầu tư tàu khai thác hải sản xa bờ, đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại; chú trọng thiết bị bảo quản sản phẩm sau khai thác và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý chặt chẽ việc đóng mới tàu cá, giảm dần số tàu nhỏ đánh bắt gần bờ. Ngoài ra tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, gắn hoạt động khai thác hải sản đi đôi với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, kết hợp sự tham gia của cộng đồng. Hình thành các vùng nuôi thủy sản gắn với trồng rừng, với sản xuất nông nghiệp, thuỷ lợi và bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển cảng cá, dịch vụ hậu cần thủy sản, đầu tư các khu chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần cho nghề cá, nạo vét luồng lạch ra vào các cảng cá bảo đảm thuận tiện lưu thông cho tàu đánh cá.

Đối với lĩnh vực chế biến thủy hải sản, hiện tỉnh đang khẩn trương xúc tiến nhằm sớm hình thành khu chế biến hải sản tập trung vào năm 2015, hướng tới di dời toàn bộ các nhà máy nằm trong khu dân cư và trong các đô thị vào khu chế biến tập trung. Tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến hải sản với công nghệ hiện đại trang thiết bị kỹ thuật và đổi mới công nghệ chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, ISO 9.000. Đồng thời với việc điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh việc sản xuất giống nhân tạo bảo đảm nhu cầu giống thủy sản đang ngày càng gia tăng về số lượng cũng như chất lượng.

Thanh Tân