00:00:00 | 2/4/2014
ENT là một công cụ hiệu quả mà Chính phủ hiện đang áp dụng để kiểm soát sự phát triển của mạng lưới phân phối nước ngoài tại Việt Nam. Theo ông Hong Sun, các nhà đầu tư nước ngoài đặt rất nhiều niềm tin vào thị trường Việt Nam, mong muốn tham gia nhiều hơn nữa trong hoạt động bán lẻ và phân phối tại thị trường này. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hoạt động phân phối là một ngành "có điều kiện". Các công ty phân phối nước ngoài không thể thâm nhập sâu vào thị trường trong nước do một số điều kiện, đặc biệt là các quy tắc về ENT. Thực tế cho thấy với việc sử dụng ENT, các cơ quan quản lý cấp phép có quyền từ chối các nhà phân phối nước ngoài nếu đề xuất mở cửa hàng phân phối thứ hai hoặc tiếp theo là không cần thiết đối với các địa phương.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền cho biết nhờ xuất phát điểm thấp của ngành bản lẻ mà Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với các nước thành viên trong cam kết gia nhập WTO về việc thực hiện ENT trong việc cho phép doanh nghiệp FDI lập thêm cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất theo các tiêu chí khách quan. Ngay từ năm 2007, Việt Nam đã nội luật hóa cam kết này bằng Nghị định Nghị định số 23/2007/NĐ-CP; quyết định số 10/2007/QĐ - BTM và Thông tư số 09/2007/TT - BTM. Trong quá trình thực hiện ENT theo cam kết WTO, Việt Nam đã tiếp thu ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp là các doanh nghiệp bán lẻ FDI và các các cơ quan, đơn vị liên quan để bổ sung, hoàn thiện quy định về ENT theo hướng nới lỏng và minh bạch hóa việc xem xét, đánh giá của các cơ quan quản lý ở địa phương. Cụ thể Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 08/2013/TT-BCT ngày 22/4/2013 quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Ngày 24/12/2013, Bộ tiếp tục ban hành Thông tư số 34/2013/TT-BCT công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thay thế quyết định số 10/2017/QĐ-BTM…
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các quy định về ENT của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp bán lẻ FDI vẫn còn lúng túng, chưa thực sự nhất quán trong nhận thức và cách làm, gây khó khăn cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Thêm vào đó việc thực hiện đánh giá ENT tại các tỉnh, thành phố chưa nhất quán và đồng bộ, chưa quy định rõ thời gian bao lâu kể từ khi nhận hồ sơ đến khi có kết luận của Hội đồng ENT có cho phép doanh nghiệp được mở rộng đầu tư hay không.
Chính vì vậy ông Hong Sun khuyến nghị để cải thiện tính minh bạch trong quá trình cấp phép nói chung, Việt Nam cần xây dựng một quy trình cấp phép rõ ràng; đồng thời có văn bản hướng dẫn mới về việc thành lập một Ủy ban đánh giá nhu cầu kinh tế. Ông Hong Sun cũng góp ý: "Đối với các khu vực đã có quy hoạch hạ tầng cho phát triển dịch vụ bán lẻ, thì Việt Nam nên miễn đánh giá ENT".
Chính vì ràng buộc ENT của Việt Nam mà nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc cũng đang phân vân trong kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Ông Hong Sun cho rằng việc mở cửa thị trường rộng hơn sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối của Việt Nam. Đồng thời các công ty trong nước cũng được hưởng lợi, không cần phải lo lắng khi họ được tiếp cận với các kênh phân phối truyền thống cũng như có sự hiểu biết tốt hơn về thị trường tiêu thụ trong nước. Chính vì vậy ông Hong Sun khuyến nghị Chính phủ Việt Nam không nên quá cẩn thận bảo vệ các doanh nghiệp bán lẻ trong nước mà đưa ra những ràng buộc không rõ ràng như ENT, hạn chế sự tham gia sâu rộng của doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời hạn chế việc kiểm soát thị trường, dưới bất cứ hình thức nào, kể cả việc kiểm soát chính sách giá.
Đồng quan điểm với ông Hong Sun, Giám đốc điều hành của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam (EuroCham Vietnam) - ông Csaba Bundik cũng cho rằng ràng buộc ENT của Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu lưỡng lự với kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh. Trong khi đó quy định về ENT còn rất mơ hồ, gây ra nhiều cách diễn giải và hiểu khác nhau giữa các địa phương. Chính vì vậy khi có dự án đầu tư mở điểm kinh doanh mới của doanh nghiệp FDI, nhiều địa phương phải hỏi xin ý kiến của các cấp Trung ương; gây mất thời gian, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Ông Bundik kiến nghị cần phải định nghĩa và có tiêu chí rõ ràng về ENT, đồng thời các địa phương thừa hành phải thực thi các quy định ENT một cách nhất quán, triệt để; qua đó tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm mở rộng hoạt động kinh doanh.
Mỹ Châu
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI