10:01:33 | 22/6/2010
Khu Kinh tế mở (KKTM)
Sau gần 7 năm thành lập, KKTM Chu Lai thu hút được 52 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 900 triệu USD, trong đó có 32 dự án đang hoạt động, thu hút gần 8500 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, chiếm 14% so với cả tỉnh; tổng số thu ngân sách phát sinh trên địa bàn KKTM Chu Lai, năm 2009 đạt 733 tỷ đồng, chiếm khoảng 35% so với tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
“Đánh thức miền cát trắng”
Người ta kỳ vọng rất nhiều vào sự phát triển của Chu Lai nói riêng và Quảng Nam nói chung, coi đây là điểm kết nối giữa Dung Quất và Đà Nẵng tạo đầu tàu trong phát triển kinh tế Quảng Nam và mở hướng liên kết vùng.
Sân bay, cảng biển, khu du lịch, khu công nghiệp, những công trình hạ tầng, khu tái định cư và hàng loạt các loại hình dịch vụ lần lượt được xây dựng. Đáng chú ý là tại KKTM Chu Lai một loạt những dự án mang tầm quốc gia đã được triển khai như: Tổ hợp Khu công nghiệp cơ khí ôtô Chu Lai Trường Hải, tổng công suất 55.000 xe/năm; vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD. Nhà máy kính nổi Chu Lai: công suất 900 tấn/ngày đêm, vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD. Nhà máy sản xuất sô-đa Chu Lai: công suất 200.000 tấn/năm, vốn đầu tư 110 triệu USD. Khu du lịch sinh thái Cát Vàng Chu Lai: vốn đầu tư 50 triệu USD (đang triển khai xây dựng); Khu đô thị sinh thái Nam Tam Phú của Công ty TECCO 533 và Công ty NBB thuộc Tổng Công ty công trình giao thông 5 (CIENCO 5): vốn đầu tư 50 triệu USD…
Bên cạnh việc phát triển thành một khu kinh tế sầm uất Chu Lai đang tập trung thu hút các dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái, xây dựng khu đô thị du lịch tầm cỡ quốc tế thay vì phát triển các khu Resort. Người Quảng
Vẫn thiếu “ngòi nổ”
Nhưng những tiềm năng cũng như sự kỳ vọng vẫn chưa được đáp ứng hết. Ông Nguyễn Văn Lúa - Phó ban quản lý KKTM Chu Lai nhận định: “Hiện tại Chu Lai đang thiếu một dự án động lực có ý nghĩa như một "ngòi nổ" kích thích sự đầu tư các dự án liên quan”.
Ngay cả những dự án trọng điểm đang đầu tư và hoạt động tại Chu Lai như dự án Trung tâm sản xuất, lắp ráp ôtô vẫn chưa xứng tầm với vai trò “ngòi nổ” cho một KKT trọng điểm. Hơn nữa, KKTM này vẫn còn những nút thắt cần tháo gỡ. Trước hết cảng hàng không trung chuyển quốc tế của Chu Lai ngay trong thời điểm này vẫn rất vắng vẻ, (một tuần chỉ có 4 chuyến bay phục vụ cho nội địa). Thứ hai là cảng biển Kỳ Hà, chỉ đủ cho tầu trọng tải 7.000 tấn vào cầu tàu. Hai vấn đề này đã hạn chế rất lớn đến lợi thế của Chu Lai, ngoài ra sự kết nối giữa Đà nẵng và Dung Quất cũng chưa được triển khai một cách tích cực và hiệu quả.
Về cơ chế pháp lý, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Cơ chế khuyến khích đầu tư vào KKTM Chu Lai với việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đào tạo lao động và xây dựng chung cư cho công nhân; quy chế "một cửa liên thông" trong việc giải quyết thủ tục đầu tư tại KKTM Chu Lai. Nhưng cái mà Chu Lai cần là một cơ chế tài chính đủ mạnh để nâng địa vị khu kinh tế để xứng với tầm của một KKT mở mang tầm Quốc tế với những luật chơi Quốc tế.
Một thực tế là Ban Quản lý cũng như tỉnh Quảng Nam không thể tự giải quyết được những vấn đề mấu chốt đã được đưa lên bàn cân mà phải phụ thuộc vào chủ trương của Chính phủ, đặc biệt là sự vào cuộc của các Bộ, ngành Trung ương. Tự mò mẫm cách làm, tự xin cơ chế, thiếu chuyên gia giỏi, nguồn lao động có tay nghề cao... là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng KKTM Chu Lai là "khu kinh tế mở của địa phương". Cơ chế chính sách, mô hình phát triển vẫn là cái gốc của mọi vấn đề, Chu Lai đang cần những “ngòi nổ” về dự án đầu tư trọng điểm và cần hơn là sự khai hoả về cơ chế quản lý đặc thù của một KKTM.
PV
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI