Thương mại điện tử trên nền tảng di động sẽ phát triển mạnh mẽ thời gian tới

11:43:34 | 23/3/2015

Năm 2014, ước tính doanh thu được từ TMĐT trên nền tảng di động (B2C) đạt 2,97 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2013 và chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước. Internet phát triển mạnh không chỉ về cơ sở hạ tầng, mà còn cả về hình thức truy cập, thời gian truy cập và giá trị giao dịch thương mại điện tử.

TMĐT trên nền tảng di động

Tại Hội thảo Phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động, Thứ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong những năm gần đây, TMĐT tại Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Việc phát triển và ứng dụng các giải pháp TMĐT trên nền tảng công nghệ di động để hỗ trợ hoạt động kinh doanh đang trở thành một xu hướng mới của TMĐT Việt Nam và thế giới.

Xu hướng phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động cũng được ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương khẳng định.  Theo báo cáo, 1/3 tổng số thời gian online trên thiết bị di động; 58% lượng truy cập từ 18h – 23h trên thiết bị di động. Các dịch vụ ngân hàng – thanh toán, dịch vụ tương tác, dịch vụ nội dung số, ứng dụng, trò chơi, quảng cáo, mua sắm qua thiết bị di động đang trở thành một trào lưu, một xu hướng phổ biến bởi tính thuận tiện, linh hoạt, kết nối dễ dàng.


Bằng đặc tính định vị của điện thoại di động, các loại hình dịch vụ như taxi, vận chuyển hàng hóa, hướng dẫn du lịch, đặt vé cũng phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, với sự thay đổi trong hình thức giao dịch thương mại thì cần có sự quản lý đúng đắn cũng như xây dựng được chính sách phù hợp đối với TMĐT nói chung cũng như TMĐT trên nền tảng di động nói riêng.

Bên cạnh hình thức truy cập Internet truyền thống qua máy tính xách tay, người tiêu dùng Việt Nam đang dần chuyển hướng sang sử dụng các thiết bị di động để truy cập Internet. Năm 2010 số người truy cập Internet qua điện thoại di động chỉ ở mức 27%, sau 4 năm tỷ lệ này đã tăng 38% và đạt mức 65% năm 2014. TMĐT là xu thế chung, có được sự tham gia sâu rộng của mọi tầng lớp người dân, người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh, các công ty, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, phát triển công nghệ thì TMĐT trên nền tảng di động chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong TMĐT nói riêng và trong phát triển thương mại, dịch vụ nói chung. Dự báo, năm 2018, TMĐT trên nền tảng di động sẽ chiếm tới gần 50% của TMĐT trên toàn cầu.

Đầu tư cho tương lai

Việt Nam đã có nhiều chính sách mang tính định hướng của Nhà nước, cũng như có biện pháp tích cực và quyết liệt của Chính phủ nhằm tiếp tục phát triển TMĐT. Đồng thời đã có những chính sách phát triển cơ sở hạ tầng cho TMĐT, tạo điều kiện thuận lợi nhằm ứng dụng công nghệ, công nghệ di động để phục vụ cho TMĐT. Tuy nhiên, TMĐT cũng như TMĐT trên nền tảng di động cũng đang đặt ra bài toán về nhưng vấn đề giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với những thay đổi rất nhanh chóng về mặt công nghệ cũng như thay đổi về mặt nhận thức, quan điểm và cả về mô hình quản lý và tổ chức về dịch vụ liên quan đến hoạt động TMĐT. Chính vì vậy, phát triển TMĐT rất cần những giải pháp lớn như các giải pháp liên quan đến chính sách, khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có những tương tác trên nền tảng TMĐT nói chung và trên di động nói riêng. Nhóm giải pháp liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt trong quá trình hội nhập phát triển kinh tế. Những giải pháp liên quan đến công tác quản lý là những yếu tố then chốt đảm bảo trong hoạt động về phát triển TMĐT và đảm bảo lợi ích của thị trường của xã hội.

Ông Nguyễn Phượng Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ cho biết, Thách thức về công nghệ trong bài trình bày của mình cho biết: Các vấn đề vận hành và marketing trên mobile đòi hỏi sự sáng tạo, chính vì vậy, thách thức để phát triển thương mại điện tử là thiếu nguồn nhân lực kinh nghiệm, cạnh tranh nhân sự gay gắt.

Hơn nữa, còn nhiều mảng ứng dụng khác còn bỏ ngỏ như về y tế, giáo dục, các chương trình dành cho trẻ em, v.v…

Còn đại diện đến từ Grabtaxi cho rằng, hình thức thương mại điện tử có nhiều lợi ích, quan trọng nhất là loại hình này dựa vào chất lượng, sẽ không có độc quyền vì lựa chọn luôn là quyền của người tiêu dùng, họ sẽ chọn dịch vụ và sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất, rẻ nhất, hiệu quả nhất.

Về vấn đề quản lý, Tổng cục Thuế cũng đang xây dựng hệ thống kiểm tra, rà soát đối với các doanh nghiệp TMĐT. Theo khảo sát mới đây của Tổng cục Thuế, hầu hết các DN TMĐT có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, một số DN mới chỉ thành lập được vài năm nhưng doanh thu đã lên tới cả nghìn tỷ đồng. Vì vậy, Tổng cục Thuế đang xây dựng hồ sơ để tiến hành phân tích rủi ro và lựa chọn các DN có doanh thu lớn, rủi ro cao, đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm.

Hương Giang