Tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

13:19:39 | 7/11/2017


Tại Việt Nam, theo các chuyên gia nhận định hiện đang tồn tại một thực trạng là việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước vẫn rất hạn chế. Do đó dẫn đến việc doanh nghiệp Việt Nam chưa kết nối chưa thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT TCT Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC

Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT TCT Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) thì nguyên nhân của thực trạng trên trước tiên là vì nội lực doanh nghiệp Việt Nam yếu nên chưa tranh thủ được ngoại lực, bên cạnh đó là do thủ tục hành chính của Việt Nam còn rườm rà, các chính sách đầu tư, chính sách thúc đẩy Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Chính phủ chưa có tác động đủ mạnh. Môi trường pháp lý thuận lợi là nhân tố thiết yếu đối với sự thành công của doanh nghiệp Việt Nam, bởi họ sẽ không thể tham gia chuỗi cung ứng quốc tế do không tuân thủ các quy định quốc tế nghiêm ngặt về đạo đức kinh doanh cũng như tiếp cận nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế.

Là một doanh nghiệp được thành lập từ năm 2002, sau 15 năm phát triển, KBC là nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) đã có những thành công nhất định trong việc hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, xây dựng được mối quan hệ sâu sắc với nhiều doanh nghiệp FDI lớn. KBC đã và đang có những chiến lược xây dựng, phát triển thương hiệu KBC một cách rõ ràng, hiệu quả như đầu tư vào xây dựng chất lượng sản phẩm kinh doanh, nâng cao năng lực nhân sự, có những chiến lược tiếp cận, quảng bá tới các nhà đầu tư nước ngoài, kết nối chặt chẽ với chính quyền, linh hoạt trong việc áp dụng và thực thi các chính sách nhà nước. vv...

Từ những kinh nghiệm thực tế của KBC, ông Tâm cho rằng trước nhu cầu hội nhập và phát triển, nhằm bắt kịp với xu thế toàn cầu và thúc đẩy mối liên kết với các doanh nghiệp FDI, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động nắm bắt thời cơ, xây dựng thương hiệu bản thân, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng tiến bộ khoa học, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, có phương pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến và vận hành chuyên nghiệp hướng tới chuẩn mực toàn cầu. Trong đó việc nắm bắt công nghệ sản xuất tiên tiến và quản trị doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập là việc làm tiên quyết. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần linh hoạt trong việc tiếp cận và thực thi các quy định nhằm giảm thiểu các rào cản đối với sự hợp tác hiệu quả giữa các công ty trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài và công ty nước ngoài.

Ông Tâm cũng nhấn mạnh việc doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tạo dựng mối liên kết thường xuyên và hoạt động kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp FDI bằng cách tham gia tích cực vào các hoạt động kết nối doanh nghiệp của Chính phủ, các tổ chức, tham gia hiệp hội và doanh nghiệp trong và ngoài nước, chủ động gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp FDI có nhu cầu liên kết, hợp tác. Bên cạnh đó đa số các doanh nghiệp FDI hiện nay nằm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế nên doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tính đến bài toán lựa chọn địa điểm đầu tư sản xuất phù hợp nhằm kết nối được một cách chặt chẽ, nhanh chóng nhất với khu vực doanh nghiệp FDI. Cần học hỏi nghiêm túc các thông lệ làm ăn quốc tế để giữ gìn uy tín. Xây dựng doanh nghiệp mình hết sức minh bạch rõ ràng để dễ dàng thuận lợi khi hợp tác quốc tế.

Vị chủ tịch HĐQT KBC cũng thẳng thắn chia sẻ hiện rất nhiều các doanh nghiệp FDI có mong muốn tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam làm vệ tinh nhưng còn thiếu thông tin. Do đó việc tăng cường quảng bá, trao đổi thông tin liên kết có hiệu quả cũng là việc làm cần thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn hội nhập.

KBC là một trong những doanh nghiệp đứng đầu về phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam với 14 cờ thi đua xuất sắc. Năm 2016, KBC đạt doanh thu hợp nhất tăng 6,2%, lợi nhuận hợp nhất tăng 12,9% so với kế hoạch. Năm 2017, KBC đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất: 2.800 tỷ đổng; tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất: 850 tỷ đồng. Hiện mỗi năm KBC đóng góp 5 - 10% tổng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Lê Sáng