Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn: Tạo đà cho cảng vươn ra biển lớn

15:37:50 | 11/10/2010

Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn là một điển hình về tầm nhìn xa, hoạch định đúng đắn chiến lược đầu tư cảng biển và tiếp thị. TCSG đã thiết lập quan hệ bạn hàng với hệ thống đại lý của các hãng vận tải biển trên thế giới, nhờ đó đưa hoạt động của Công ty lên mức là một trong những cảng Container hàng đầu của Việt Nam và trở thành địa chỉ uy tín cho các hãng tàu lựa chọn khi muốn cập bến ở Việt Nam.

Gia nhập WTO là khẳng định “chiếc thuyền” kinh tế đất nước đã đi ra "biển lớn". Là “biển lớn” thì khó tránh khỏi có gió to, sóng cả. Vì vậy, mà tất cả các doanh nghiệp Việt Nam nói chung TCSG nói riêng đều phải bước vào một “cuộc chiến” thực sự với nhiều thách thức; đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải tự mình vươn lên thay đổi cơ chế sản xuất, kinh doanh… Vượt qua nhiều nhiều yếu không thuận lợi của năm 2009 như cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới có tác động đến Việt Nam. Lượng tàu bè và hàng hóa xuất nhập khẩu đến Cảng đã giảm mạnh. Nhận thức được khó khăn đó, Ban lãnh đạo của Cảng đã những chiến lược thích hợp đề vượt qua khó khăn, tạo đà cho Cảng vươn ra “biển lớn”. Kết quả và mức tăng trưởng khả quan những tháng đầu năm 2010 đã thể hiện đường lối đúng đắn đó.

6 tháng đầu năm 2010, sản lượng của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (TCT TCSG) đạt 1,35 triệu teus – 18,2 triệu tấn tăng 22,6 % so với cùng kỳ năm 2009, chiếm 82,72% thị phần container XNK cụm cảnh TPHCM. Riêng cảng Cát Lái sản lượng thông qua là 1,22 triệu teus - 16,3 triệu tấn, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Trong tháng 7 và 8 sản lượng qua cảng Cát Lái vẫn ổn định ở mức trên 220.000 teus/tháng. Dự kiến cả năm 2010 sản lượng TCT TCSG đạt 2,8 -2,9 triệu teus đến 40 triệu tấn.

Để có được kết quả khả quan như vậy là do Tân Cảng Sài Gòn đã năng động nhạy bén, mạnh dạn thay đổi phương thức quản lý, chủ động nguồn vốn, phát huy tối qua nội lực và đặc biệt đầu tư về cơ sở hạ tầng, tạo đà cho sự phát triển vững chắc của công ty. Theo Phó tổng Giám đốc Ngô Minh Thuấn: Thời gian qua, TCSG đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng như Cảng TCCT với 300m cầu tài và 20ha bãi, 80ha ICD TC. Long Bình (tổng số 300ha), Cảng TC – Hiệp Phước, dự kiến vào tháng 10 tới cảng TC Miền Trung dự kiến khai trương. Khu vực miền Bắc đang được TCSG tính toán hợp tác đầu tư, và trong năm tới sẽ có thương hiệu Tân cảng.

Ông Thuấn cũng cho biết, TCT TCSG cũng tập trung đầu tư trang thiết bị xếp dỡ, vận chuyển chuyên dụng CTN, công nghệ quản lý và khai thác bằng CNTT hiện đại, đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây cũng là một trong những điểm mấu chốt làm nên thành công của TCT TCSG trong suốt thời gian qua. Đầu tư vào các dịch vụ logistics cũng là một trong những điều mà TCSG quan tâm đến bởi đây là một thị trường đầy triển vọng trong ngành kinh tế cảng biển và có khả năng sinh ra giá trị cộng thêm lớn.

Một sự kiện lớn với Tân Cảng Sài Gòn trong những ngày giữa tháng 9 vừa qua, Tân Cảng – Cái Mép đã đón chuyến tàu cập cảng đầu tiên của Hãng tàu CSAV Norasia. Tàu Nordwinter V.01034N thuộc tuyến dịch vụ ASIAM (Châu Á – Châu Mỹ). CSAV – hãng tàu xếp vị trí thứ 7 trên thế giới và lớn nhất Châu Mỹ La-tinh sẽ triển khai 11 tàu mẹ với sức chở 3,500 TEUs mỗi chiếc/tuần trên tuyến mới này, cung cấp dịch vụ vận chuyển trực tiếp từ Việt Nam đến Bờ Tây Hoa Kỳ, thay vì phải trung chuyển hàng hóa tại Singapore và Shanghai như trước đây

Theo CSAV thì họ tận dụng sự phát triển quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam - Hoa Kỳ khi cung cấp một tuyến đi thẳng giữa 2 nước, kết nối TP. Hồ Chí Minh và Long Beach trong 23 ngày. Tuyến ASIAM cũng cung cấp một dịch vụ nhiều cảng cập giữa 2 vùng Đông Nam Á và Ấn Độ. Hàng nhập từ Ấn độ sẽ vận chuyển trực tiếp về Việt Nam tạo thuận lợi cho các nhà xuất nhập khẩu và đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng giữa hai nước.

CSAV Norasia là hãng tàu thứ năm có tàu triển khai tại cảng Cái Mép cùng với Hãng tàu Zim Line và 3 liên minh đang có tàu khai thác hiện nay là tàu của Hãng tàu Mitsui. O.S.K Lines (Liên minh The New World Alliance), Hãng tàu Hanjin (Liên minh CKYH) và tàu của Hãng tàu OOCL (Liên minh Grand Alliance). Các hãng tàu cho biết, họ chọn lựa cảng Tân Cảng - Cái Mép là vì cảng đã khẳng định ưu thế về chất lượng dịch vụ và hệ thống kết nối của các cơ sở thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Khách hàng có hàng đi Cái Mép có thể chọn lựa nơi giao nhận/ hàng tại các cơ sở của Công ty như ICD Tân Cảng – Sóng Thần (Bình Dương), ICD Tân Cảng- Long Bình (Biên Hòa- Đồng Nai) theo đường bộ, Cảng Tân Cảng và Cảng Tân Cảng - Cát Lái theo đường thủy.

Ngay sau đó, cảng Tân Cảng- Cái Mép đã long trọng tổ chức lễ khai trương tuyến dịch vụ trực tiếp đầu tiên từ Việt Nam sang Ixraen và Châu Âu của Hãng tàu Zim. Cũng theo hãng tàu này thì họ tới cảng nhờ trang thiết bị xếp dỡ và hệ thống quản lý cảng hiện đại đạt chuẩn quốc tế, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, tận tâm.

Sau một loạt các tuyến dịch vụ trực tiếp từ Việt Nam sang Mỹ sau khi cụm cảng nước sâu tại Thị Vải- Cái Mép đi vào hoạt động, Zim là Hãng tàu tiên phong trong việc khai trương tuyến dịch vụ trực tiếp sang Châu Âu. Có rất nhiều hãng tàu khác cũng đang chuẩn bị cho việc khai trương tuyến dịch vụ từ Việt Nam sang Châu Âu từ nay đến cuối năm 2010 và cụm Cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép sẽ ngày càng sôi động trong thời gian tới.

Quốc Việt – Văn Lượng