Cây mía Lam Sơn - những chặng đường phát triển

11:07:30 | 17/9/2010

Những năm 80, vùng đất Lam Sơn - Thanh Hóa im lìm, nguyên sơ và ể oải, vài nông trường quốc doanh đã nghĩ tới việc trồng chuyên canh mía - Cây thế mạnh truyền đời ở nơi đây. Nhưng trồng mía, làm đường vẫn ở dạng bán thủ công, ngay cả nhà máy mía đường trong thời gian đầu cũng chỉ biết loay hoay tìm cách làm đường tinh luyện.

Vất vả hy sinh có nhiều, hiệu quả kinh tế ở đâu? Và đâu là hướng thoát nghèo vẫn đang trở thành dấu chấm lửng. Thậm chí người ta còn tính tới việc dỡ bỏ nhà máy đường hiện đại nhất Việt Nam khi đó để đưa vào trong Nam. Cái cần ở đây là gì? Đó là một tư duy kinh tế đột phá và sự gắn kết giữa nông dân cùng công nhân và trí thức, sự gắn kết dựa trên những lợi ích hài hòa giữa nhà máy và người nông dân.

Cây mía và con người Lam Sơn

Có lần ngồi xe đi thăm đồng mía với ông Lê Thanh Hải, phó Chủ tịch hiệp hội Mía đường Lam Sơn, ông bảo: "Mía có vị ngọt nhưng người trồng mía có những khi nếm cả vị đắng đó nhà báo ạ!". Mía ngọt, người trồng mía có khi đắng lòng, cái sự đó là bởi đâu? Là những khi đồng hành với người nông dân, khi cây mía có năm không đem lại nhiều lợi ích kinh tế mà sắn, luồng… lên ngôi. Những cuộc xâm lăng của loài cây này bắt đầu khiến người yêu mía phải vật lộn, đắng lòng. Đó là khi giá đường tinh luyện trên thị trường chỉ đạt 5 hay 6000đồng/kg, đường ế ẩm, người nông dân cháy lòng với mía.

Sự thật trồng mía ở Lam Sơn không phải như báo chí từng đăng tải với những thành công rực rỡ, là những mô hình này kia trồng mía có bạc triệu, trăm triệu. Không có thành công nào dễ dàng như khi ta hưởng thụ thành quả. Trồng mía ở vùng mía nguyên liệu Lam Sơn mỗi năm là một vật lộn một thử thách. Không chỉ là thời tiết, không chỉ là bão giá mà nhiều khi bởi những sự rất tình cờ. Ví như thế này, một nhà máy cồn được xây dựng ở tận đâu đâu, đang cần sắn làm nguyên liệu, có khi một nước nào đó tuyên bố: Sẵn sàng móc hầu bao mua bằng hết sắn nguyên liệu của Việt Nam… thế là giá sắn đội lên vù vù. Hạn, hay ngập úng đều làm cây mía giảm trữ đường, không vượt gióng… giá mía nguyên liêu giảm. Bất chấp việc nhà máy đầu tư 20 hay 30 triệu đồng cho một hecta mía nguyên liệu, thì lẽ nào là đủ để chống với trời? Với những thời tiết bất thường? Chẳng nói đâu xa hồi niên vụ 2008 - 2009 thôi, hạn hán kéo dài, mía hạn chế trong việc tích tụ đường, năng suất thấp mà trữ đường kém thì giá thu mua giảm.

Kỹ sư Đặng Thế Giang, Phó giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phân mía đường Lam Sơn tâm sự: "Điều làm chúng tôi tâm đắc nhất là người dân nơi đây là lòng thủy chung với cây mía, thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây lại rất thích hợp với mía". Nếu không có lòng thủy chung ấy và nếu không có cả những bóng dáng kính cận xuống đồng hay ông Lê Văn Tam xông xáo trên ruộng mía, họp "hội nghị đầu bờ" ngay trên cánh đồng thì đâu có việc nhà máy giữ ổn định 140.000 tới 150.000 ha mía nguyên liệu?

Trồng mía, giữa vùng nguyên liệu, ba mươi năm đủ biến những người tráng niên mái đầu xanh nay đã thành tóc bạc mà lòng yêu mía không khi nào vơi cạn. Nhà máy đường đã mang về vùng đất Lam Sơn lịch sử một luồng sinh khí mới, đó là tư duy kinh tế và những giống mía năng suất cao đã làm thay đổi diện mạo của một nửa miền Tây xứ Thanh. Không còn cái nghèo nhưng vẫn còn đó câu hỏi làm giàu từ mía? Mấy chục năm lăn lộn, từ ông Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Lam Sơn Lê Văn Tam đến những cộng sự của mình thấu hiểu rất rõ người nông dân cần gì? Và phải làm gì cho họ. Đó không chỉ là hỗ trợ về phân bón, vôi, cách phòng trừ sâu bệnh, vốn, giống mà hơn cả là sự chia sẻ. Khi người trí thức khoác áo nông dân, xuống đồng cùng người dân và trong khó khăn tự động viên lẫn nhau bám mía xây vùng nguyên liệu.

Sau ba mươi năm thăng trầm cùng cây mía

Trên vùng đất mà mỗi miếng cơm, manh áo, mỗi khát vọng tương lai đều đặt vào cây mía thì Hiệp hội Mía đường Lam Sơn, Nhà máy không chỉ là người bạn mà còn là nơi kết nối nguyện vọng của người nông dân. Cả nước Việt Nam có 37 nhà máy sản xuất đường thì cũng có từng đó hoặc nhiều hơn thế những vùng nguyên liệu và một số lượng không nhỏ những người nông dân gắn bó cả cuộc đời với cây mía. 37 vùng nguyên liệu đó, mỗi nơi chọn cho mình một cách để sinh tồn và phát triển nhưng không ở đâu được như vùng mía nguyên liệu Lam Sơn.

Từ cái nhân trung tâm là nhà máy mà Hiệp hội Mía đường Lam Sơn ra đời (26/10/1995) khi Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định thành lập Hiệp hội. Hiệp hội chịu trách nhiệm điều phối và bảo vệ lợi ích của nông dân, gắn kết quyền lợi và nghĩa vụ giữa nhà máy tiêu thụ nông sản và người trồng mía cung cấp nguyên liệu. Bên cạnh đó, còn tổ chức cùng góp vốn để lập quỹ phòng chống rủi ro, hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai hoặc trường hợp thị trường có những biến động bất thường. Nên chăng, các nhà máy đường và nông dân trồng mía ở những địa phương khác cũng nên tổ chức hoạt động như thế để không chỉ đảm bảo lợi ích cho người cung cấp nguyên liệu mà còn tạo sự ổn định nguồn nguyên liệu cho nhà máy đường.

Đất không bao giờ phụ công người có công cày xới, cây không bao giờ phụ công kẻ vun trồng. Người nông dân ở vùng đất này đang biến những cánh đồng, sườn đồi thành những "Bờ xôi ruộng mật". Đất được khai thác có tái tạo, giống mía ngày càng có trữ lượng đường cao hơn, khoa học công nghệ được đầu tư hiện đại, nhà máy hỗ trợ cho nông dân, nông dân gắn bó với nhà máy. Tất cả những điều đó là sự khẳng định mạnh mẽ mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết và hiệu quả của người nông dân trồng mía và nhà máy đường Lam Sơn, những con người đang được mảnh đất Lam Sơn hậu thuẫn.

Vui chuyện có anh nông dân nói với tôi, chả ước gì chỉ cần có 10ha trồng mía, thế là ổn. Đơn cử 10ha cho sản lượng 1000 tấn, giá thu mua mía nguyên liệu năm 2010 là 850.000/tấn, năm sau là 1.000.000 đồng/tấn, tính lãi ròng cũng được 280 triệu. Con số không hề nhỏ và nó đảm bảo cho người nông dân một tương lai thịnh vượng.

Tất nhiên mơ ước thì đang là mơ ước, ở vùng mía Nguyên liệu, đất chật người đông, bình quân đất canh tác thấp, cả vùng cũng chỉ có vài chục người là có được diện tích mía đến chừng đó. Dồn điền đổi thửa đã xong, nhưng tích tụ ruộng đất còn đang vật lộn. Cái lý là bởi công nghiệp (ngoài ngành mía đường) - dịch vụ chưa phát triển, người nông dân không dễ ly nông không ly hương. Thế thì làm sao mà họ yên tâm trao lại đất cha ông mình cho được. Khi giữ đất là lẽ sống còn (có thất nghiệp thì về ruộng vườn không lo đói) thì còn rất lâu nữa Lam Sơn mới có được vùng chuyên canh hiện đại hóa - cơ giới hóa.

Khó thì phải tìm hướng đi. Đất Lam Sơn là đất thiêng, chốn của 2 Đế đô, nơi khởi phát hai vương triều (Tiền Lê và Hậu Lê), của hai triều Chúa (Trịnh - Nguyễn), cái khối trầm tích đó đang chờ khai phá. Khu công nghiệp Lam Sơn cũng đang được khởi động và nhà máy Mía đường, Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn chính là nòng cốt, hướng đi xây dựng cho người nông dân những Công ty cổ phần... Hướng đi còn để ngỏ. 10.000 hộ nông dân và nông trường viên với gần khoảng 30.000 lao động của 112 xã, 04 nông trường trên địa bàn 11 huyện Tây Bắc Thanh Hoá đang gửi niềm tin vào cây mía, niềm tin vào nhà máy đường Lam Sơn.

PV