09:12:01 | 31/8/2010
Trải qua 65 năm xây dựng, ngành Hải quan Việt Nam đã gặt hái được nhiều những thành công đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới đến nay, đóng góp lớn vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Hải quan vẫn nỗ lực thu đúng, thu đủ và vượt chỉ tiêu đạt 143.852 tỷ đồng
“Lực lượng biên phòng” trên mặt trận kinh tế
Với sự nỗ lực của mình, ngành Hải quan đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh; phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu. Với lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh tăng lên không ngừng, nhưng thủ tục hải quan luôn được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật.
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát hải quan và công tác điều tra chống buôn lậu, lực lượng hải quan đã ngăn chặn có hiệu quả hàng ngàn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, cổ vật… ra nước ngoài; các vụ vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không, đường biển, biên giới đất liền, qua đường bưu điện. Cũng như phát hiện, thu giữ chuyển cho cơ quan công an tiếp tục điều tra xử lý nhiều vụ nhập lậu vũ khí, tài liệu phản động, tiền giả với số lượng lớn. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận chống buôn lậu lực lượng Hải quan đã đấu tranh chống lại sự phá hoại về kinh tế của các thế lực thù địch với Việt Nam.
Đóng góp một phần quan trọng vào nguồn thu ngân sách quốc gia
Ngành Hải quan đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách, đồng thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi trốn thuế, chống thất thu thuế ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, số thu hàng năm của ngành Hải quan đều vượt so với kế hoạch thu ngân sách do Quốc Hội, Chính phủ giao và số thu của ngành Hải quan luôn chiếm 25-30% tổng thu ngân sách Nhà nước. Năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Hải quan vẫn nỗ lực thu đúng, thu đủ và vượt chỉ tiêu đạt 143.852 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn thành là 118,7%, góp phần không nhỏ trong kế hoạch kìm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm và bình ổn kinh tế của Chính phủ.
Thực hiện cải cách mạnh mẽ, có hiệu quả thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan
Đã từng bước xây dựng và đến nay đã có được một hệ thống pháp luật Hải quan tương đối đầy đủ, theo hướng cải cách, hiện đại, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện các hệ thống pháp luật khác liên quan đến lĩnh vực Hải quan, như thuế xuất nhập khẩu, thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đầu tư, du lịch, vận tải.
Đã có nhiều cải tiến quan trọng về thủ tục Hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát Hải quan theo hướng đơn giản hóa, thống nhất hóa, từng bước hiện đại hóa. Tùy theo yêu cầu, điều kiện của từng giai đoạn, Ngành đều có các giải pháp cải tiến kịp thời, hiệu quả, mức độ cải tiến ngày càng cao hơn, ngày càng hiện đại hơn, như “ quy trình một chiều”, “ một cửa”, “ hành lang xanh”, “ khai một lần”, “ kiểm tra một lần”, “ khai trước khi hàng đến”, “ khai từ xa”, cải cách thủ tục đối với tàu biển xuất nhập cảnh, thông quan điện tử, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan...
Năm 2009, ngành Hải quan đang thực hiện cải cách hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án 30, tiến hành rà soát, sửa đổi thủ tục theo hai hướng từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Kết quả ngành Hải quan đã làm theo đúng yêu cầu và lộ trình mà tổ 30 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, đã công bố 239 thủ tục thuộc lĩnh vực quản quản lý nhà nước về hải quan (bao gồm 15 thủ tục cấp Tổng cục, 27 thủ tục cấp Cục và 197 thủ tục cấp Chi cục) theo Quyết định số 1904/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách thủ tục hành chính mà ngành hải quan đang tiến hành nhằm mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại.
Quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế về Hải quan ngày càng mở rộng và đem lại hiệu quả thiết thực
Nhận thức rõ vai trò, tính chất đặc thù của hoạt động hải quan luôn gắn liền với hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư và du lịch quốc tế, ngành Hải quan đã chủ động có những bước đi trong hội nhập khu vực và thế giới từ rất sớm.
Đặc biệt, từ đầu những năm 1990 đến nay, Hải quan Việt Nam đã lần lượt ký kết các thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ nghiệp vụ với Hải quan nhiều nước trên thế giới và khu vực. Đồng thời, tích cực tham gia vào hoạt động của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), hợp tác hải quan trong APEC, ASEAN, tổ chức thành công nhiều hội nghị hải quan khu vực tại Việt Nam.
Đã xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng Hải quan ngày càng vững mạnh, chính quy, hiện đại, hoạt động có hiệu quả, không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước
Hiện nay, ngành Hải quan đang triển khai sắp xếp tổ chức theo Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính, Hệ thống tổ chức của Ngành gồm 11 Vụ, Cục, 4 đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục, 33 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, liên tỉnh.
Đội ngũ cán bộ Hải quan được nâng cao về chất lượng đáp ứng tính chât chất công việc ngày càng phức tạp, trình độ đại học chiếm gần 74% số lao động của Ngành.
Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc được tốt hơn. Riêng, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chống buôn lậu đã được trang bị nhiều phương tiện hiện đại (máy soi hành lý, máy soi container, hệ thống camera, tàu cao tốc, ô tô, máy ngửi ma túy và chất nổ, …)
Trước yêu cầu phát triển của hiện tại, ngành Hải quan đã chú trọng công tác cải cách, hiện đại hoá. Hiện nay toàn ngành đang triển khai các nội dung theo kế hoạch hiện đại hoá hải quan giai đoạn 2008–2010 và đang xây dựng Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2011- 2020 tiến tới mục tiêu phát triển mô hình nghiệp vụ hải quan dựa trên nền tảng của việc tự động hóa một phần và xử lý dữ liệu tập trung ở cấp Cục.
Đến nay, đã triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử tại 13 Cục Hải quan tỉnh, thành phố; việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hải quan hiện đại đã chính thức áp dụng từ ngày 01/01/2006; đảm bảo tốt hạ tầng công nghệ thông tin về trang thiết bị, đường truyền, hệ thống an toàn bảo mật phục vụ triển khai các dự án, chương trình trọng tâm.
Với những thành tựu và sự nỗ lực đó ngành Hải quan đã 02 lần được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác; nhiều đơn vị và cá nhân trong ngành được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương lao động, Huân chương kháng chiến và Huân chương chiến công...
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI