Đón tín hiệu vui từ dòng vốn FDI

15:01:01 | 7/3/2019


Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu năm 2019 - tính đến ngày 20/2/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Hà Nội hút hơn 4 tỷ USD vốn FDI


Thủ đô Hà Nội trong những ngày đầu năm 2019 đã thu hút được hơn 4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các chuyên gia cùng chung nhận định, nếu duy trì được đà tăng trưởng tốt cùng với các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư doanh nghiệp tối đa, trong năm 2019 Hà Nội có thể hút được vốn FDI lên đến 5 tỷ USD. Hiện Hà Nội đã vươn lên thành địa phương đi đầu trong cả nước về thu hút vốn FDI. Trong đó, cấp mới 112 dự án với vốn đầu tư đăng ký 45,7 triệu USD; 31 lượt dự án tăng vốn với vốn đầu tư đăng ký 43,7 triệu USD; 145 lượt chấp thuận góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam với trị giá hơn 3,911 tỷ USD. Nhật Bản hiện là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư vào Hà Nội, tiếp đến là Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc....



Ngoài ra, trong thời gian tới Hà Nội cũng sẽ tập trung vào phát triển một số ngành lĩnh vực ưu tiên thu hút vốn FDI phù hợp với xu hướng chung của cả nước, hướng dòng vốn FDI vào ba lĩnh vực chủ yếu bao gồm: Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại; áp dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa tiên tiến; dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao…

Lãnh đạo thành phố đã thống nhất chủ chương muốn hút vốn FDI sẽ phải triệt để thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính từ thành phố đến các sở, ngành chức năng. Cụ thể, Hà Nội sẽ duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, đảm bảo thời gian xử lý các TTHC liên quan trong vòng 3 ngày; tích hợp 4 dịch vụ tiện ích hỗ trợ DN… Ngoài ra, thành phố tiếp tục rà soát, hoàn thiện Quy định về quản lý đầu tư các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách trên địa bàn, thông qua phương án đơn giản hóa đối với 61 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc 7 lĩnh vực quản lý nhà nước; sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều thủ tục…

Hướng vốn vào những lĩnh vực công nghệ cao

Trước những động thái tích cực của dòng vốn FDI này nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vẫn băn khoăn, bởi theo ông, bối cảnh kinh tế thế giới trong thời gian tới đây sẽ có nhiều khả năng tăng trưởng chậm lại, sức cạnh tranh ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ phần nào tác động đến nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam với môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện, có mức độ ổn định kinh tế cao, các chính sách phát triển thị trường hấp dẫn, sẽ vẫn là địa chỉ đỏ thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài trong tương lai gần.

Vốn đầu tư FDI vẫn sẽ là nguồn vốn vô cùng quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới. Theo tổng kết đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ngành nghề thu hút mạnh FDI là công nghiệp 69,4%tổng vốn đầu tư đăng ký, dịch vụ là 29,6% và nông – lâm – ngư nghiệp là 1%. Mặt khác, khu vực DN FDI đang giữ vai trò chủ đạo trong xuất khẩu, với đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu cao gấp 2-3 lần khu vực DN nhà nước, và hiện đang nắm giữ tỷ trọng đến 72% trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua vốn đầu tư nước ngoài là một động lực quan trọng góp phần vào tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Đây cũng được cho là nhân tố then chốt giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, hình thành một số ngành công nghiệp then chốt của nền kinh tế nước nhà như: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông,…; góp phần chuyển đổi không gian phát triển, hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế…

Theo dòng phát triển chung của thế giới, sẽ có nhiều diễn biến mới thay đổi lớn và vốn đầu tư nước ngoài cũng không ngoại lệ. Và kịch bản để thu hút phát triển dòng vốn FDI trong tương lai sẽ phải tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn phát triển cho nền kinh tế Việt Nam như công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, công nghiệp hỗ trợ, R&D, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (SMAC), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, kinh tế số, tự động hóa, y sinh, vật liệu mới…/.

Anh Phương