Đó là thông tin được ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum. Ông Vĩnh cho biết, năm 2018 là năm đầu tiên Ninh Thuận đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,25%, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước; thu ngân sách đạt 2.960 tỷ đồng, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII đề ra. Quốc Hưng thực hiện.Ông có thể điểm lại đôi nét về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Ninh Thuận trong những năm qua, đặc biệt là những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong năm 2018?Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên với tinh thần phát huy nội lực, cùng với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ quan trọng, hiệu quả của Trung ương, tình hình kinh tế - xã hội Ninh Thuận 3 năm qua (2016-2018) được duy trì ổn định và có chuyển biến tích cực, nhất là các khâu đột phá, trụ cột về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, tạo được diện mạo mới, sức bật mới, nhiều chỉ tiêu chủ yếu có khả năng hoàn thành mục tiêu; kinh tế tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng; các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Đặc biệt, năm 2018 là năm đầu tiên tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,25%, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước; thu ngân sách đạt 2.960 tỷ đồng, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII đề ra. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao, tăng 46% cùng kỳ (đạt 12.920 tỷ đồng); thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ hạng cao; lĩnh vực năng lượng tái tạo có chuyển biến rõ nét, đến nay đã có 114,4 MW điện gió, điện mặt trời hoàn thành hòa điện lưới quốc gia, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tình hình chính trị, xã hội ổn định; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực; vị thế của tỉnh được nâng lên, là thành tích nổi bật đối với một tỉnh còn khó khăn như Ninh Thuận.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, đâu là nguyên nhân và động lực giúp Ninh Thuận có được những thành quả quan trọng trên, thưa ông?Trước hết, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ có hiệu quả của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương.
Thứ hai, tỉnh đã chủ động làm việc kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh và được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh. Đây là chính sách có ý nghĩa hết sức quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn đến năm 2023 và những năm tiếp theo, trước hết hỗ trợ thu hút đầu tư với nhiều cơ chế chính sách mạnh mẽ, tập trung vào các nhóm ngành đột phá, trụ cột của tỉnh về năng lượng tái tạo, thủy điện tích năng, tổ hợp điện khí, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; bên cạnh đó là cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, với các quy định cụ thể mạnh mẽ về thu hút ODA, hỗ trợ đầu tư khu cụm công nghiệp và đầu tư xây dựng mới nhiều dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay và sau năm 2020; cơ chế chính sách an sinh, xã hội với nhiều quy định cụ thể, thiết thực. Thông qua kiến nghị cơ chế chính sách đã tranh thủ được nhiều nguồn vốn bổ sung kế hoạch trung hạn và hằng năm cho tỉnh.
Thứ ba, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt, biết nắm bắt thời cơ, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Trung ương vào thực tiễn của tỉnh; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, chủ động tiếp cận nhà đầu tư chiến lược để mời gọi đầu tư; kịp thời hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và mở rộng quy mô đầu tư.
Thứ tư, truyền thống đoàn kết được phát huy, tạo được sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương quyết sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tinh thần trách nhiệm người đứng đầu và tính chủ động của các cấp, các ngành được nâng lên. Đội ngũ cán bộ đa số tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, tích cực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trên nền tảng những thành công những năm qua, bước vào năm 2019, tỉnh Ninh Thuận đặt quyết tâm như thế nào?
Trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, dự báo tình hình kinh tế thế giới, trong nước và trong tỉnh, năm 2019 UBND tỉnh tập trung chỉ đạo "Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 416/TB-VPCP về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh để thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các khâu đột phá, trụ cột về phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án động lực thay thế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đẩy mạnh khởi nghiệp doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”.
Năm 2019, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 10-11%, thậm chí cao hơn.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Ninh Thuận đã có những giải pháp gì, thưa ông?
Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, chúng tôi đã đề ra một số giải pháp sau:
Về kinh tế: Duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quyết liệt thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Về văn hóa - xã hội: Phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Về xây dựng chính quyền, quốc phòng an ninh: Xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ, tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Chú trọng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới và các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông.
Trân trọng cảm ơn ông!